17/10/2018 10:21 GMT+7

Chật vật ứng phó sự cố trong đường hầm

QUANG KHẢI - SƠN BÌNH - NGỌC ẨN
QUANG KHẢI - SƠN BÌNH - NGỌC ẨN

TTO - Hầu hết các điểm giao thông nhạy cảm như đường hầm, cao tốc... đều được xây dựng các kịch bản trong trường hợp xảy ra sự cố. Thế nhưng, khi có sự cố xảy ra thì các "kịch bản" giải quyết lại chưa được vận dụng trơn tru.

Chật vật ứng phó sự cố trong đường hầm - Ảnh 1.

Xe máy, ôtô kẹt cứng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh khu vực cầu Thủ Thiêm (nối Q.Bình Thạnh và Q.2) do sự cố sập mái che đầu hầm Thủ Thiêm, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Sự cố sập khung sắt mái che trước hầm Thủ Thiêm vào 5h04 ngày 15-10 đã gây kẹt xe nghiêm trọng tại hàng loạt tuyến đường khu vực các quận 1, 2, Bình Thạnh (TP.HCM). Vậy ứng phó với các sự cố này như thế nào?

Có thông tin nhưng nhiều người không biết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng Sở GTVT - cho rằng đã thông tin đến người dân một cách nhanh nhất để lựa chọn những lộ trình phù hợp. 

Cụ thể, sự cố xảy ra lúc 5h04, đến 5h45 đã cập nhật thông tin sự cố lên bảng quang báo điện dọc theo đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. 

Đến 6h13, cung cấp thông tin cho Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) để thông báo cho người dân. Đến 6h18, cung cấp thông tin đầy đủ lên cổng thông tin giao thông.

Clip xe tải kéo sập mái che cầu số 19 ngày 15-10 tại hầm Thủ Thiêm gây kẹt xe kéo dài

Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người dân không hay biết thông tin này nên cứ di chuyển về hướng hầm Thủ Thiêm khiến tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng, kéo dài và lan rộng. 

Hơn ba giờ sau khi xảy ra sự cố, có mặt tại đầu hầm Thủ Thiêm phía bờ quận 1, chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều người chạy xe máy, ôtô hướng vào phía đường hầm. 

Khi bị lực lượng chức năng chặn lại, hướng dẫn đi đường khác, nhiều trường hợp còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra, mặc dù tại một số giao lộ cách đó không xa có lực lượng CSGT đứng chốt chặn phân luồng.

Kịch bản nào để ứng phó?

Ông Ngô Hải Đường cho biết để ứng phó với các sự cố, Sở GTVT cùng chính quyền địa phương, lực lượng CSGT, PCCC... đã ký quy chế phối hợp xử lý trong trường hợp hầm Thủ Thiêm xảy ra sự cố, đồng thời xây dựng kịch bản phân luồng giao thông. 

Quy chế nêu rõ CSGT tổ chức điều tiết phân luồng như thế nào, cảnh sát PCCC và các đơn vị liên quan phân công lực lượng hỗ trợ khắc phục sự cố ra sao... 

Chật vật ứng phó sự cố trong đường hầm - Ảnh 3.

Diễn tập chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ bên trong đường hầm sông Sài Gòn tháng 8-2018 - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Cụ thể, trường hợp sự cố cần đóng hầm Thủ Thiêm, hướng từ quận 1 sang quận 2 sẽ có 4 lộ trình thay thế và chiều ngược lại có 3 lộ trình thay thế.

Về việc để thông tin các sự cố đến người dân kịp thời hơn, ông Ngô Hải Đường cho biết Sở GTVT đang nghiên cứu đẩy nhanh việc thông tin trên các kênh khác. 

Trước mắt, ông Đường khuyến cáo người dân có thể sử dụng app thông tin giao thông hoặc cổng thông tin giao thông (giaothong.hochiminhcity.gov.vn).

Đây là cổng thông tin cập nhật tình hình giao thông đang diễn ra và có những cảnh báo trường hợp xảy ra sự cố, các phương án phân luồng và nhiều thông tin tiện ích khác...

Trung tá Nguyễn Văn Bình, đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP.HCM), cho biết lực lượng CSGT và cơ quan chức năng luôn có phương án xử lý khi gặp sự cố có khả năng xảy ra. 

Cụ thể, khi nhận tin báo sự cố, lực lượng CSGT chủ động phối hợp công an địa phương, phân luồng phân tuyến tại các chốt giao thông, hướng dẫn cho dòng xe di chuyển tránh nơi xảy ra sự cố. 

Đồng thời phối hợp cơ quan chức năng, những nhóm phản ứng nhanh, thông tin trên Facebook, Viber... và trên một số đài phát thanh nhằm lan tỏa thông tin cho người tham gia giao thông biết sự cố và lộ trình di chuyển trên các tuyến đường sao cho phù hợp.

Cần bổ sung thực tế vào quy trình xử lý

Ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN - VEC E thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) - đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cho biết hiện nay đơn vị đã có quy trình xử lý các sự cố xảy ra trên tuyến cao tốc này. 

Trong đó đã đặt ra 6 sự cố cần được xử lý khẩn cấp: vật rơi trên đường, hỏng xe, tai nạn giao thông có người bị thương, cháy xe, tắc đường, tai nạn giao thông gây hư hỏng tài sản. 

Theo đó, VEC E đã đặt ra quy trình các lực lượng phối hợp cùng nhau xử lý từng sự cố, gồm có: CSGT quản lý đường cao tốc, CSGT địa phương, lực lượng PCCC, các đơn vị y tế...

Tuy nhiên, ông Tân cho rằng từ quy trình đặt ra đến khi xảy ra thực tế sự cố có khoảng cách trong xử lý. 

Chẳng hạn như đơn vị quản lý hầm Thủ Thiêm cũng có quy trình xử lý sự cố và đã thực hiện diễn tập nhiều lần. 

Thế nhưng việc xử lý mới chỉ lo khắc phục bên trong đường hầm, nên khi vừa xảy ra sự cố thì chỉ sau 5 phút đã xảy ra ùn tắc nặng nề ở ngoài đường hầm. 

Do đó điều cần thiết là sau khi xảy ra sự cố cần phải rút kinh nghiệm để bổ sung thực tế vào quy trình xử lý sự cố.

Đồng thời, các cơ quan thẩm quyền cần cấp kinh phí để các đơn vị quản lý công trình thực hiện các đợt diễn tập xử lý sự cố ngày càng hoàn thiện quy trình. 

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý công trình rất cần sự hỗ trợ nhanh chóng của các cơ quan truyền thông để thông tin kịp thời đến người dân tránh đi vào các tuyến đường này. 

Lực lượng CSGT, PCCC... cần có biện pháp nhanh nhất triển khai lực lượng đến ngay hiện trường giải quyết nhanh sự cố.

Trung tá Nguyễn Văn Bình cho biết phòng nhận tin báo sau khi xảy ra sự cố và triển khai cho lực lượng CSGT có mặt ở hiện trường, phối hợp cơ quan chức năng liên quan, lên phương án phân luồng phân tuyến ở nhiều chốt giao thông xung quanh hầm Thủ Thiêm và các hướng ra vào trung tâm TP.

Tuy nhiên CSGT không thể tự xử lý khung sắt đỡ mái che, mà phải chờ nhân viên có chuyên môn đến xử lý nên việc giải quyết sự cố có phần chậm. Thời điểm đó nhiều ôtô nghe được thông tin qua các đài nhưng phần nhiều xe máy không nhận được thông tin nên vẫn di chuyển hướng về hầm Thủ Thiêm.

Qua các sự cố, tai nạn cho thấy việc ứng phó, khắc phục hậu quả mất nhiều thời gian, gây tắc đường kéo dài. Việc thông báo, cung cấp thông tin sự việc đến người dân còn chậm, trong khi công tác tổ chức giao thông bằng giải pháp phân luồng cũng hạn chế. Tuổi Trẻ trao đổi với một số chuyên gia về thực trạng này.

Phải xử lý chuyên nghiệp, đồng bộ ở nhiều khâu

nguyenquangtoan

PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT)

Khi xảy ra sự cố cần phải xử lý chuyên nghiệp, đồng bộ nhiều khâu để ùn tắc ở mức nhẹ nhất, thông đường nhanh nhất. Chính quyền cần phải quy định cơ quan liên quan có trách nhiệm thông báo tình trạng giao thông kịp thời khi xảy ra sự cố đến người dân một cách nhanh nhất bằng mọi hình thức. Với đường độc đạo thì phải nhanh chóng tổ chức phân luồng từ xa, điều tiết xe đi vào những tuyến đường khác để tránh dòng xe đổ vào đường đã bị tắc khiến không thể xoay xở được.

Với những hầm qua sông như Thủ Thiêm, có khi phải chuẩn bị phà cho tình huống có sự cố kéo dài. Vấn đề là cơ quan quản lý của chúng ta còn coi thường, không nghĩ sự cố gây tắc đường kéo dài như thế và bị động khi xảy ra sự cố.

Hiện nay các đường cao tốc đều có quy định cứ 5-10km có một điểm dải phân cách giữa linh động có thể đóng mở nhanh chóng phục vụ phân luồng xe trong những tình huống khẩn cấp. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có lực lượng, phương tiện thường trực để thực hiện ngay khi có sự cố, đảm bảo phân luồng hướng dẫn đi lại an toàn.

Hiện nay có nhiều nước dùng dải phân cách di động thay cho dải phân cách cứng giữa đường để điều tiết dòng xe. Nhưng giải pháp này tốn kém và người dân chúng ta hay có thói quen lấn, đè vạch khiến dải phân cách di động dễ bị hư hỏng sớm. Không phải cái gì người ta làm được mình cũng làm được. Bởi vì ở những nước có sự tuân thủ kỷ luật giao thông nghiêm ngặt thì dùng dải phân cách mềm hay vạch kẻ đường cũng phân luồng, tổ chức giao thông tốt hơn những nước còn có thói quen bất cẩn, không tuân thủ quy tắc, tín hiệu giao thông.

* Đại tá TRẦN SƠN (nguyên phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT - Bộ Công an):

Kịp thời phân luồng từ xa

Thời gian qua, Bộ Công an, Cục CSGT đã có những cuộc hội thảo, tập huấn các giải pháp về xử lý ùn tắc giao thông. Các địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và một số đô thị khác cũng đã có các phương án giải quyết ùn tắc giao thông kéo dài. Có thể lâu không xảy ra sự cố gây tắc đường nghiêm trọng nên mất cảnh giác hoặc có phương án nhưng không được tập huấn và duy trì lực lượng, phương tiện thường xuyên để ứng phó kịp thời với tình huống thực tế. Có thể hội thảo đưa ra được phương án nhưng không khả thi về nhân lực, phương tiện, phối kết hợp thế nào trong thực hiện.

Biện pháp quan trọng nhất khi có sự cố là phải thông tin nhanh cho cư dân thành phố biết. Việc thông báo nhanh rất quan trọng để người dân biết tình trạng và tránh đi vào tuyến đường bị ùn tắc.

Cùng với thông báo nhanh thì phải kịp thời phân luồng từ xa bằng sự phối hợp giữa các lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường, thậm chí huy động cả lực lượng tại chỗ như công an phường, dân quân... Cần phải có sự phối hợp giữa các lực lượng nói trên với một ông "nhạc trưởng" chỉ huy để phong tỏa khu vực xảy ra sự cố, phân luồng từ vòng ngoài hướng dẫn người tham gia giao thông di chuyển sang những đường khác.

Chúng ta nói nhiều tới cách mạng 4.0 nhưng giải pháp, cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ thông báo cho người tham gia giao thông thì chưa thiết thực lắm. Ngoài ra, người tham gia giao thông nên đồng cam cộng khổ trong tình huống có sự cố gây ùn tắc giao thông, không chen lấn, quay đầu đi lại lộn xộn làm tình hình trầm trọng thêm.

TUẤN PHÙNG ghi


QUANG KHẢI - SƠN BÌNH - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên