Nông dân Canada phun thuốc daiệt cỏ có gốc glyphosate - Ảnh: Radio-Canada
Các cuộc điều tra đối với nông dân ở Canada, Thụy Điển và Mỹ chứng minh những người bị phơi nhiễm glyphosate trong lao động có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin.
Giám đốc IARC Kurt Straif
Monsanto đấu với IARC
Ngày 10-3-2015, Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC, có trụ sở tại Pháp) trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới thông báo xếp glyphosate vào nhóm 2A, tức nhóm có khả năng gây ung thư cho con người.
Bà Kathryn Guyton, giám đốc nghiên cứu của IARC, giải thích: "Căn cứ để đưa glyphosate vào nhóm 2A là những bằng chứng hạn chế cho thấy glyphosate gây ra bệnh ung thư hạch không Hodgkin nơi con người và những bằng chứng đầy đủ cho thấy glyphosate gây ung thư nơi vật thí nghiệm".
IARC cũng kết luận có bằng chứng vững chắc về tính độc hại của glyphosate tinh chất và công thức bao gồm glyphosate.
Sau khi IARC công bố kết luận nêu trên, Monsanto đã đạo diễn chiến lược truyền thông để "đánh" IARC. Ví dụ như Monsanto đưa bản nháp bài phản bác IARC cho nhà sinh học Henry Miller đứng tên và đăng trên báo mạng Forbes ngày 20-3-2015.
Các ý kiến phản bác IARC đưa ra hai lập luận chính. Lập luận đầu tiên là trong hàng ngàn chất nghiên cứu mới có một chất được xếp vào nhóm 2A, vậy sao IARC nhìn đâu cũng thấy chất gây ung thư.
Giám đốc Kurt Straif phụ trách chuyên đề của IARC giải thích: "Khi nào có chứng cứ hoặc có nghi ngờ một chất nào đó gây ung thư, IARC mới xem xét chất đó. Vì vậy không có gì lạ khi IARC nhận dạng được nhiều chất gây ung thư".
Lập luận thứ hai chỉ trích phương pháp của IARC. Ông Scott Partridge, phó chủ tịch Monsanto, tố: "IARC không làm thí nghiệm, không nghiên cứu mà chỉ xem xét các công trình khoa học".
Ông cho rằng IARC chỉ xem xét các báo cáo đã công bố và dữ liệu chính phủ chứ không xem xét các nghiên cứu nội bộ trong khi một số nghiên cứu này kết luận glyphosate an toàn. Ông dè bỉu: "IARC chọn lọc, xem xét các dữ liệu riêng rẽ rồi xây dựng lập luận theo ý mình".
Ông Kurt Straif đáp trả: "Chúng tôi đã xem xét khoảng 1.000 công trình nghiên cứu. Các cuộc điều tra đối với nông dân ở Canada, Thụy Điển và Mỹ chứng minh những người bị phơi nhiễm glyphosate trong lao động có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin".
Glyphosate không vô hại
Nhiều nghiên cứu công bố trên tạp chí y học The Lancet (Anh) năm 2015 ghi nhận phơi nhiễm glyphosate ở liều rất thấp cũng có nguy cơ bị ung thư máu, gây hại cho gan, thận và hệ nội tiết.
Nhiều công trình nghiên cứu ở Pháp đã kết luận tác hại của glyphosate đối với hiện tượng phân chia tế bào.
Năm 2013, Viện Y tế và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) từng nêu: "Dường như có liên hệ giữa phơi nhiễm mang tính chất nghề nghiệp với thuốc diệt cỏ và một số bệnh lý nơi người trưởng thành như bệnh Parkinson, ung thư tuyến tiền liệt và một số bệnh ung thư tạo huyết (ung thư hạch không Hodgkin, đau tủy xương)".
Thế nhưng, ngày 12-11-2015, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cho biết không có liên hệ nhân quả giữa phơi nhiễm glyphosate với phát triển ung thư nơi con người và glyphosate không phải là tác nhân gây rối loạn nội tiết.
Đến ngày 15-3-2017, Cơ quan Quản lý hóa chất châu Âu (ECHA) khẳng định glyphosate gây tổn thương mắt nghiêm trọng, về lâu dài gây độc đối với các sinh vật dưới nước nhưng không thể gây ung thư, không gây đột biến gen và gây độc đối với sinh sản.
Tuy nhiên, các đánh giá trái ngược với kết luận của IARC không đồng nghĩa glyphosate vô hại. Bản thân Monsanto đã thừa nhận sử dụng glyphosate với liều lượng thái quá và sai cách vẫn có thể dẫn đến nhiều cái hại. Các đánh giá mâu thuẫn nhau có thể do áp dụng các phương pháp đánh giá khác nhau.
EFSA nhận xét: "IARC nghiên cứu glyphosate, các công thức bao gồm glyphosate và nhiều hỗn hợp khác...
Ngược lại, các chuyên gia EU chỉ xem xét glyphosate. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu được xem xét cũng khác nhau, một số thực hiện trong ống nghiệm hay trên vật thí nghiệm, số khác thì thực hiện trực tiếp với nông dân.
Nhận định về vấn đề này, IARC minh định: "IARC chỉ đưa ra thẩm định khoa học qua xem xét toàn diện các công trình nghiên cứu. Sau đó, nhiệm vụ của các chính phủ và cơ quan quốc tế khác là đưa ra các quy định, luật hoặc các ý kiến tác động đến sức khỏe cộng đồng".
Biểu tình trước trung tâm hội nghị của Tập đoàn Bayer ở Bonn (Đức) ngày 25-5-2018 để phản đối Monsanto - Ảnh: AFP
Chiêu "kim thiền thoát xác" của Monsanto?
Sau khi tòa án ở San Francisco buộc Monsanto phải bồi thường cho người làm vườn Dewayne Johnson 289 triệu USD vào ngày 10-8-2018, nhiều ý kiến lo ngại Monsanto sẽ chơi chiêu "kim thiền thoát xác" để khỏi bồi thường vì Monsanto đang phải đối phó với hàng ngàn hồ sơ kiện đòi bồi thường.
Giữa năm 2016, Tập đoàn dược phẩm và nông hóa Bayer của Đức thông báo mua lại Monsanto với giá 63 tỉ USD. Quá trình sáp nhập bắt đầu vào tháng 9-2018.
Nhà báo nữ Marie-Monique Robin là người công bố câu chuyện đau lòng của gia đình Grataloup ở Pháp (con trai Théo bị hẹp thực quản và dị tật khí quản do bà mẹ phơi nhiễm glyphosate lúc mang thai) đã cảnh báo: "Chúng tôi lo ngại vụ sáp nhập là âm mưu dàn xếp để Monsanto khỏi phải trả các khoản bồi thường sắp tới bằng cách tuyên bố mất khả năng chi trả".
Các luật sư cho rằng sau khi sáp nhập Bayer phải kế thừa quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Monsanto, tức Bayer phải chi trả các khoản tiền bồi thường cũ của Monsanto. Song đến nay, các điều kiện Bayer mua lại Monsanto như thế nào vẫn chưa được công bố, vậy nên mọi người vẫn hoài nghi.
Luật sư Corinne Lepage, nguyên bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp, nhận xét: "Chúng ta chưa biết rõ hợp đồng sáp nhập thế nào. Có thể hợp đồng quy định Bayer không phải chịu trách nhiệm về nợ của Monsanto. Trong trường hợp này, các nguyên đơn sẽ gặp khó khăn trong trình tự tố tụng".
Ngày 4-6 vừa qua, Bayer đã thông báo sau khi sáp nhập, tên doanh nghiệp Monsanto sẽ không còn tồn tại nữa nhưng không giải thích lý do vì sao.
Phụ gia còn độc hơn hoạt chất chính
Ngày 2-2-2016, Cơ quan Quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và lao động Pháp (ANSES) thông báo chưa đủ chứng cứ quy kết glyphosate có khả năng gây ung thư nơi người. Song ANSES cho rằng glyphosate pha trộn với phụ gia tallowamine sẽ có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Sau đó, ANSES đã chỉ thị thu hồi 126 chế phẩm nông dược hỗn hợp glyphosate+tallowamine.
Tiến sĩ Joël Spiroux ghi nhận: "Năm 2013, chúng tôi thử nghiệm chín loại thuốc diệt cỏ Roundup khác nhau và nhận thấy các chất phụ gia còn độc hại hơn glyphosate".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận