11/09/2018 09:49 GMT+7

Chất diệt cỏ glyphosate gây ung thư: Khi các bà nội trợ Argentina đi kiện

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Năm 1996, Chính phủ Argentina cho phép kinh doanh đậu nành biến đổi gen và sử dụng thuốc diệt cỏ có hoạt chất glyphosate. Trong thập niên 1990, diện tích trồng đậu nành biến đổi gen lấn sân lĩnh vực chăn nuôi bò truyền thống.

Chất diệt cỏ glyphosate gây ung thư: Khi các bà nội trợ Argentina đi kiện - Ảnh 1.

Hậu quả nhiễm glyphosate của nạn nhân Fabian Tomasi - Ảnh: Pablo Piovano

Rồi sẽ không còn ai. Đất đai chúng ta không đủ chỗ chôn người chết

Nạn nhân FABIAN TOMASI nói về tác hại của glyphosate

Từ năm 2000-2017, diện tích trồng đậu nành đã tăng từ 8,3 triệu lên 21 triệu hecta, tương đương 60% đất canh tác.

Hiện nay, Argentina có 18 triệu hecta sản xuất 35,8 triệu tấn đậu nành, đưa quốc gia này trở thành nước sản xuất đậu nành biến đổi gen thứ ba sau Mỹ và Brazil. Công ty đa quốc gia Monsanto đảm trách cung ứng giống đậu nành biến đổi gen và thuốc diệt cỏ.

Câu chuyện từ hai địa phương

Argentina trở thành một trong những quốc gia sử dụng glyphosate nhiều nhất thế giới. Ước tính mỗi năm nông dân sử dụng 300.000 tấn glyphosate. Các quảng cáo của Monsanto hứa hẹn glyphosate mang lại vụ mùa bội thu chứ không nói gì đến tác hại sức khỏe, vì vậy nông dân xài thoải mái.

Tại khu Ituzaingo Anexo ở thành phố Córdoba, nông dân sử dụng máy bay loại nhỏ phun thuốc Roundup. Người dân chỉ cảm thấy mùi thuốc hăng hắc, có lúc họ còn vô tư lấy đậu nành nấu ăn.

Đầu thập niên 2000, một bà mẹ nhận thấy láng giềng mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều. Thế rồi 30 bà mẹ tổ chức điều tra và cảnh báo với chính quyền.

Theo báo cáo năm 2015, khu Ituzaingo Anexo với dân số 5.000 người đã có đến 300 người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh ung thư bạch cầu (ung thư máu). Xét nghiệm 30 trẻ thì có tới 25 em có độc tố trong máu.

Bà Norma Herrera, một người mẹ, kể: "Con gái tôi bị ung thư bạch cầu. Hai đứa con khác máu bị ngộ độc thuốc trừ sâu".

Năm 2012, nhóm các bà mẹ kiện một phi công rải thuốc diệt cỏ cùng hai chủ nông trại. Chính quyền chê bai họ chỉ là các bà nội trợ thì biết gì mà kiện, ấy vậy mà họ thắng. Tòa án tỉnh Córdoba cấm phun thuốc gần khu dân cư 500m.

Gần khu Ituzaingo Anexo là thị trấn nhỏ Malvinas Argentinas với dân số 12.000 người. Năm 2012, Monsanto thông báo xây dựng nhà máy sản xuất giống bắp biến đổi gen ở đây với sản lượng dự kiến 60.000 tấn hạt.

Monsanto khoe khoang với dự án này, Argentina sẽ có hai nhà máy sản xuất hạt bắp thuộc hạng lớn nhất thế giới. Hạt bắp biến đổi gen được xử lý với nhiều loại hóa chất, trong đó có thuốc diệt cỏ Roundup.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner vô tư tán dương dự án đầu tư của Monsanto, thế nhưng người dân quyết định tập hợp lại, mở chiến dịch phát tờ rơi cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường và sức khỏe, đồng thời đề nghị chính quyền tổ chức lấy ý kiến dân.

Họ điều tra biết Monsanto chưa lập đánh giá tác động môi trường và vi phạm đạo luật bảo vệ đất nên đi kiện. Cuối cùng tòa tuyên hủy bỏ dự án.

Chất diệt cỏ glyphosate gây ung thư: Khi các bà nội trợ Argentina đi kiện - Ảnh 3.

Phun thuốc diệt cỏ ở Brazil - Ảnh: Reuters

Ung thư và dị tật tăng bất thường

Thật ra muốn chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa chất diệt cỏ glyphosate và bệnh ung thư không đơn giản.

Lúc bấy giờ chỉ có công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu sinh học phân tử Andrés Carrasco người Argentina công bố trên tạp chí Nghiên cứu hóa học về độc chất học (Mỹ) năm 2009 nêu lên tác hại của glyphosate.

Năm 2010, bác sĩ khoa nhi Medardo Avila Vazquez quyết định tổ chức hội thảo đầu tiên của tổ chức "Mạng lưới thầy thuốc của người bị phun thuốc" để thu thập thêm thông tin. Ông ghi nhận từ khi glyphosate được sử dụng phổ biến, số ca ung thư và dị tật sau khi sinh ngày càng tăng ở nông thôn.

Trong 100 trẻ sơ sinh ở nông thôn đã có 6% trẻ bị dị tật so với 2% ở đô thị. Ba cuộc điều tra độc lập đều kết luận có mối liên hệ giữa glyphosate và con người. Giữa năm 2000-2010, tỉ lệ ung thư tăng gấp ba lần, tỉ lệ dị tật bẩm sinh tăng gấp bốn lần.

Ông Fabian Tomasi (53 tuổi) là một nạn nhân tiêu biểu. Ông làm công nhân nông nghiệp trong sáu năm tại tỉnh Entre Rios, phụ trách đổ thuốc diệt cỏ đã pha vào thùng chứa để máy bay đi phun.

Cuối cùng ông mắc bệnh đa dây thần kinh nghiêm trọng, không thể ăn thức ăn cứng và giờ chỉ còn da bọc xương. Ông đi đứng khó khăn, không thể tự lo cho mình nên người mẹ già 80 tuổi phải chăm sóc ông.

Chất diệt cỏ glyphosate gây ung thư: Khi các bà nội trợ Argentina đi kiện - Ảnh 4.

Nhóm các bà nội trợ ở khu phố Ituzaingo Anexo biểu tình chống chất glyphosate tháng 5-2017 - Ảnh: lmdiario.com.ar

Glyphosate gây tranh cãi ở Brazil

Kinh nghiệm từ nhóm các bà mẹ ở Ituzaingo Anexo và người dân Malvinas Argentinas đã được phổ biến khắp Argentina. Tháng 12-2017, sau nhiều tuần tranh luận, chính quyền thành phố Rosario lớn thứ ba Argentina đã ban hành quy định cấm sử dụng thuốc diệt cỏ.

Argentina không có luật điều chỉnh sử dụng thuốc diệt cỏ trên cả nước, do đó chính quyền cấp tỉnh tự ban hành quy định riêng. Như tỉnh Córdoba quy định phun thuốc cách xa khu dân cư tối thiểu 500m.

Tại Buenos Aires, thuốc diệt cỏ bị cấm sử dụng trong công viên và vườn tược. Quy định theo kiểu "sứ quân" càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa chủ nông trại và người dân bởi một bên là người có quyền canh tác hợp pháp trên đất của họ và bên kia là người dân cũng có quyền sống trong môi trường trong sạch.

Trong khi phong trào phản đối glyphosate lan rộng ở Mỹ, châu Âu và Argentina, tình hình có xu hướng trái ngược xảy ra ở một số nước Nam Mỹ khác.

Như tại Brazil, mới đây vào ngày 3-8-2018, thẩm phán liên bang ở Brasilia quyết định dừng đăng ký các loại thuốc có nguồn gốc từ glyphosate (thuốc diệt cỏ), thiram (thuốc diệt nấm) và abamectin (thuốc trừ sâu) trong 30 ngày để chờ thẩm định lại tính độc hại.

Lập tức Monsanto phát thông cáo cho rằng các công trình nghiên cứu đều kết luận glyphosate an toàn và Chính phủ Brazil phải hủy bỏ quyết định của thẩm phán. Sau đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi tuyên bố chính phủ sẽ tìm cách hủy bỏ quyết định của thẩm phán trước vụ mùa tới vì mọi hệ thống gieo hạt trực tiếp đều cần đến glyphosate.

Brazil là nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới. Các loại thuốc diệt cỏ có nguồn gốc từ glyphosate mà Monsanto cung cấp được sử dụng phổ biến trong các nông trại trồng đậu nành.

Bông, gạc cũng nhiễm glyphosate

Cuối tháng 10-2015, tại hội nghị quốc gia ở Buenos Aires (Argentina), giáo sư Damian Marino ở Đại học La Plata công bố công trình nghiên cứu cho thấy 85% tăm bông và băng vệ sinh dương tính với chất diệt cỏ glyphosate và 65% dương tính với aminomethylphosphonic acid (AMPA) - chất chuyển hóa chính từ glyphosate.

Còn đối với bông gòn và gạc vô trùng, tỉ lệ nhiễm lên đến 100%.

Bác sĩ Medardo Avila Vazquez, chủ tọa hội nghị, nhận xét: "Kết quả nghiên cứu rất đáng lo ngại. Khi sử dụng bông gòn và gạc để chữa trị vết thương hoặc dùng riêng tư, chúng ta cứ tưởng đây là sản phẩm vô trùng. Thực tế chúng đã nhiễm chất glyphosate".

_______________________________

Kỳ tới: Sống chung với glyphosate

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên