29/10/2017 12:12 GMT+7

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

Sự hục hặc giữa vùng Catalonia với Tây Ban Nha bắt đầu từ cuối cuộc chiến giành quyền kế vị ở Tây ban Nha năm 1714.

Những người chủ trương độc lập, nắm quyền tại vùng đất giàu có ở miền đông bắc Tây Ban Nha, thường so sánh vùng đất của mình với Cộng hòa Tây Ban Nha (1931-1939) vốn bị tướng Francisco Franco tàn sát sau 3 năm nội chiến.

Hồi tháng 9 vừa rồi, những người ủng hộ độc lập ở Catalonia đã xuống đường với khẩu hiệu ghi  "No pasaran!" (tức "Chúng sẽ không vượt qua được!"). Đây là câu khẩu hiệu nổi tiếng chống phát xít trong cuộc nội chiến 8 thập niên trước, sau đợt bắt bớ người và khám xét nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập.

Năm 1939, những đội quân của tướng Franco chỉ chiếm được Catalonia trong những tháng cuối của cuộc chiến, khiến người dân nơi đây ồ ạt bỏ sang tị nạn ở Pháp láng giềng.

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ - Ảnh 1.

Cuộc biểu tình của những người Cộng hòa ở TP Barcelona chống lại tướng Franco vào năm 1936 - Ảnh: AFP

"Việc đầu tiên mà tướng Franco làm ở Catalonia là xóa bỏ Generalitat (chính quyền tự trị vùng) rồi tiếp đến là cương quyết xóa bỏ tiếng địa phương Catalan", nhà sử học Jordi Canal, thuộc trường Nghiên cứu Khoa học xã hội cấp cao (EHESS) ở Paris, giải thích với hãng tin AFP.

Từ thời Cộng hòa Tây Ban Nha, để chống lại cánh hữu nắm quyền ở Madrid, chủ tịch của Generalitat là ông Lluis Companys đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Nhà nước Catalonia của Cộng hòa Liên bang Tây Ban Nha" vào năm 1934.

Do không có hậu thuẫn nên "Nhà nước Catalonia" chỉ tồn tại trong 6-7 giờ và ông Lluis Companys phải giơ tay đầu hàng chịu bị bắt.

Những hình ảnh của ông chủ tịch ngồi trong phòng giam đã càng hun đúc thêm tinh thần của người Catalonia trong chuyện đòi độc lập.

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ - Ảnh 2.

Ông Lluis Companys (giữa) bị giam vì tội đòi độc lập cho Catalonia - Ảnh: AFP

Lưu vong sang Pháp những năm sau đó, đến năm 1940, ông Companys bị những thành phần theo phát xít tố giác khiến ông bị bắt, bị trao trả về Tây Ban Nha và bị xử bắn. Nhà sử học Joan Baptista Culla người  Catalonia khẳng định rằng vụ việc đó đã đưa Companys thành một biểu tượng anh hùng hi sinh vì đại nghĩa.

Nhưng lịch sử đấu tranh đòi độc lập của Catalonia còn xa hơn thế. "Lễ quốc khánh" La Diada của vùng Catalonia từ năm 2012 thường ghi dấu bằng những cuộc biểu tình lớn đòi độc lập. 

Lễ này nhằm kỷ niệm ngày thất thủ của thành phố Barcelona (11-9-1714) vào tay của các đội quân của vua Tây Ban Nha Philippe V de Bourbon trong cuộc chiến giành quyền kế vị (1701-1714).

Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (1701-1714) là một cuộc xung đột chính trị quân sự ở châu Âu đầu thế kỷ 18, được kích nổ bởi cái chết của vị vua cuối cùng của vương triều Habsburg ở Tây Ban Nha, Carlos II - một người ốm yếu và không thể có con.

Carlos II đã cai trị một đế quốc rộng khắp toàn cầu, và câu hỏi ai sẽ là người kế vị đã gây ra sự tranh chấp giữa các cường quốc châu Âu.

Vùng Catalonia từng thời đó đã có các thể chế và đạo luật riêng trong vương quốc Tây Ban Nha. Sau khi Barcelona thất thủ thì xem như người Catalonia thua cuộc nhưng họ không bao giờ từ bỏ mong ước giành lại độc lập.

Nhà sử học Jordi Canal, thuộc trường EHESS, giải thích: "Không phải vô cớ mà họ luôn muốn giành độc lập: họ có ngôn ngữ riêng, có nền văn chương lâu đời, có bộ luật dân sự lâu đời, có nền công nghiệp vững mạnh hơn phần còn lại của Tây Ban Nha trong thời gian dài".

Đến năm 1901, đảng dân tộc của người Catalonia xuất hiện trên chính trường Tây Ban Nha, vào thời điểm Tây Ban Nha đang xuống dốc do vừa mất những vùng thuộc địa cuối cùng.

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ - Ảnh 4.

Ông Carles Puigdemont - thủ hiến vùng Catalonia vừa bị chính quyền trung ương Madrid phế truất vì tuyên bố độc lập. Ông được người dân ủng hộ độc lập tôn sùng như anh hùng. Ông rời nhà hàng ở TP Girona ngày 28-10 và được chụp ảnh - Ảnh: REUTERS

Người Catalonia vẫn xem mình là những người vượt trội về kinh tế và văn hóa và xem phần còn lại của Tây Ban Nha là một xã hội lạc hậu và vô học"

Andrew Dowling - chuyên gia về Catalonia thuộc ĐH Cardiff

Khoảng thời điểm này, bài Els Segadors (có nghĩa Những người cầm gậy liềm), sáng tác năm 1899 khơi gợi cuộc nổi dậy năm 1640 của nông dân vùng này chống lại sự hiện diện của quân lính nhà vua, nhanh chóng lan truyền trở thành "quốc ca xứ Catalonia".

Nhà sử học Benoît Pellistrandi giải thích rằng bài hát đầy chất tinh thần dân tộc chống lại "ngoại xâm Madrid" rất phù hợp với mong muốn của người Catalonia nên được xem như bài hát quốc ca.

Những người ủng hộ độc lập hát bài Els Segadors được xem là "quốc ca xứ Catalonia"

Tuy nhiên các nhà sử học còn chia rẽ về bối cảnh của cuộc đấu tranh đòi độc lập trỗi dậy gần đây.

Nhà sử học Joan Baptista Culla của Tây Ban Nha cho rằng cuộc đấu tranh đòi độc lập hiện nay "được nuôi dưỡng từ những sự việc diễn ra trong 7-8 năm gần đây thôi".

Theo ông, những người Catalonia không đồng tình với việc Tòa Hiến pháp Madrid hồi năm 2010 đã từ chối một phần then chốt trong văn bản cho phép xứ Catalonia được tự chủ rộng hơn và có qui chế quốc gia. Những cuộc tìm kiếm đối thoại với Madrid sau đó đều thất bại.

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ - Ảnh 7.

Những người ủng hộ thống nhất đất nước mang theo quốc kỳ Tây Ban Nha trong cuộc tuần hành ngày 28-10 tại TP Barcelona - Ảnh: REUTERS

Nhà sử học Jordi Canal trong khi đó nêu lên vai trò của "nhà trường và giới truyền thông của Catalonia" trong việc đưa vào đầu người dân vùng Catalonia, đặc biệt là những người trẻ, rằng "họ là thành viên của một xứ sở xứng đáng với vị trị một Nhà nước".

Ý kiến trên tuy vậy bị nhà sử học Joan Baptista Culla phản bác với luận điểm: "Ở Catalonia có hàng chục ngàn người đứng trên bục giảng. Nếu nghĩ rằng đó là những người suốt ngày ra rả cùng luận điểm hay tất cả họ là những kẻ mang tư tưởng đòi độc lập một cách cực đoan là điều vô lối".

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ - Ảnh 8.

Những người ủng hộ độc lập mang theo cờ Catalonia xuống đường ở trung tâm TP Barcelona ngày 27-10 sau khi ban lãnh đạo tuyên bố độc lập - Ảnh: AFP

Gậy của thị trưởng

Sau tuyên bố độc lập hôm 27-10, hàng trăm thị trưởng cầm "gậy quyền lực" đã có mặt tại tòa nhà nghị viện ở trung tâm TP Barcelona để hát quốc ca xứ Catalonia.

Cây gậy quyền lực này mang tính biểu tượng như dải băng màu cờ ở Pháp. Nó là biểu tượng của người được dân bầu và sẽ được trao cho người kế nhiệm mỗi khi có thay đổi nhân sự.

Nguồn gốc của nó có từ thế kỷ 17 khi cuộc chiến Pháp – Tây Ban Nha, nổ ra vào năm 1635, đến hồi khốc liệt. Để có tiền tham chiến, chính quyền Madrid khi đó đã đánh thuế rất cao.

Đến năm 1640, hàng trăm nông dân xứ Catalonia nổi dậy chống sưu cao thuế nặng. Họ cầm gậy xuống đường tuần hành ở TP Barcelona. Cuộc tuần hành ban đầu nhanh chóng chuyển thành đụng độ khiến một nông dân thiệt mạng.

Thế là vị lãnh chúa đại diện nhà vua ở xứ Catalonia bị sát hại như một cách "ăn miếng trả miếng". Từ đó bắt đầu "cuộc chiến những người nông dân cầm liềm" giữa chính quyền trung ương và nông dân xứ Catalonia. Biểu tượng cây gậy được lưu truyền từ thời đó.

Catalonnia - Tây Ban Nha trong cuộc chiến dài 3 thế kỷ - Ảnh 9.

Các thị trưởng địa phương vùng Catalonia mang theo gậy quyền lực trong cuộc tập hợp ủng hộ đòi độc lập - Ảnh: REUTERS

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên