UBND TP.HCM ủng hộ phương thức thực hiện dự án theo kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, điểm đầu đường cao tốc kết nối với đường vành đai 3 TP.HCM (thuộc Bình Dương), phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Trong đó đường dẫn từ vành đai 2 đến vành đai 3 TP.HCM không thuộc quy hoạch tuyến cao tốc.
Đoạn đường dẫn kết nối cao tốc bao gồm hai đoạn. Cụ thể, đoạn qua tỉnh Bình Dương (từ vành đai 3 TP.HCM đến ranh TP.HCM) là đường tỉnh 743 hiện hữu, dài hơn 7,1km. Còn đoạn đường dẫn qua TP.HCM dài 1,65km.
UBND TP đã có ý kiến thống nhất Bộ Giao thông vận tải về phương án hướng tuyến. Tuyến từ nút giao Gò Dưa đi dọc tỉnh lộ 43 khoảng 800m rẽ phải theo đường tỉnh 743.
Trên cơ sở hướng tuyến, TP.HCM sẽ nghiên cứu tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải… để đề xuất phương án đầu tư phù hợp. Đồng thời, TP sẽ triển khai đoạn đường dẫn trên địa bàn TP thành một dự án riêng, đảm bảo kết nối đồng bộ với đoạn đường dẫn qua tỉnh Bình Dương.
Mức vốn làm đoạn này khoảng 2.000 tỉ đồng, từ ngân sách TP.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường huyết mạch, thúc đẩy kết nối liên vùng.
Tháng 5-2023, tỉnh Bình Dương có công văn kiến nghị Thủ tướng về phương thức, phương án đầu tư cao tốc. Theo đó, Bình Dương kiến nghị làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư đoạn dài 45,6km (từ vành đai 3 TP.HCM đến ranh tỉnh Bình Dương và Bình Phước).
Trong đó, phần giải phóng mặt bằng khoảng 7.388 tỉ đồng, đầu tư từ ngân sách trung ương hỗ trợ. Phần xây lắp khoảng 8.808 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Với 7km qua tỉnh Bình Phước tổng vốn khoảng 1.785 tỉ đồng sẽ tách thành một dự án riêng. Đoạn này do tỉnh Bình Phước thực hiện bằng đầu tư công, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận