Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ kết nối với vành đai 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP.HCM phối hợp UBND tỉnh Bình Phước triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh dự án. Do tiến độ rất gấp, UBND TP.HCM cần khẩn trương nghiên cứu, sớm thống nhất về phương án hướng tuyến và quy mô dự án.
Cụ thể, điểm đầu phạm vi đầu tư tuyến là nút giao thông Gò Dưa, nằm trên đường vành đai 2, TP.HCM. Điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại Chơn Thành, Bình Phước. Tổng chiều dài cao tốc khoảng 69km. Đoạn qua TP.HCM dài khoảng 2km, Bình Dương 60km, Bình Phước 7km.
Với đoạn qua TP.HCM, đơn vị tư vấn TEDI khảo sát đề ra 2 phương án hướng tuyến. Cụ thể, phương án 1 từ nút giao thông Gò Dưa (Km0+00) đi dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP Thủ Đức) khoảng 800m, rồi rẽ phải theo đường tỉnh 43B.
Ở phương án này, TP.HCM phải điều chỉnh quy hoạch của TP Thủ Đức, phạm vi điều chỉnh khoảng 900m dọc theo tuyến bao gồm 400m mở mới và 500m cần điều chỉnh quy hoạch đường Bình Chiểu từ 30m lên 60m.
Còn phương án 2, điểm đầu giao với đường Xuyên Á tại giao lộ ngã tư Gò Dưa, đi theo tỉnh lộ 43 khoảng 2,2km (đến hết địa phận TP.HCM) rồi rẽ phải để kết nối đường tỉnh 743B.
Với phương án này, trên địa phận TP Thuận An cần điều chỉnh quy hoạch trên chiều dài tuyến khoảng 2,5km và tuyến cắt một phần vào Khu công nghiệp Đồng An, đặc biệt tuyến cắt qua Trường quân sự Quân đoàn 4.
Giữa 2 phương án nêu trên, tư vấn TEDI đề xuất chọn phương án 1, TP.HCM khẩn trương xem xét và thống nhất phương án hướng tuyến.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu TP.HCM nghiên cứu kỹ, đưa ra đề xuất cơ chế triển khai dự án đoạn qua địa bàn TP đảm bảo thuận lợi, kết nối đồng bộ với tổng thể dự án toàn tuyến đường cao tốc và các dự án liên quan khác.
Trước đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM báo cáo HĐND cấp tỉnh để đồng thuận giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương.
Việc hỗ trợ ngân sách trung ương cho dự án cao tốc phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần.
Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành xây dựng đạt tiêu chuẩn vận tốc thiết kế 100km//h, giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng mặt đường 17m, bề rộng cầu 17,5m. Hình thức đầu tư đối tác công tư, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đây sẽ là tuyến huyết mạch, thúc đẩy kinh tế - xã hội liên vùng. Đồng thời tạo động lực lớn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian và lộ trình giữa 3 tỉnh, thành trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận