18/03/2013 07:29 GMT+7

"Canh bạc lớn" của chính phủ Abe

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Việc Nhật Bản tham gia đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được mô tả như một “canh bạc lớn” của chính phủ Abe. Nhật Bản mất và được gì?

Kết thúc đàm phán TPP ở Singapore

1UPs0Kbs.jpgPhóng to
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: AFP

Khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố Nhật sẽ tham gia đàm phán TPP hôm 15-3, đường phố Tokyo đón ông bằng hàng loạt cuộc biểu tình của những người nông dân.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Abe nói TPP là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản tiếp tục là cường quốc kinh tế ở châu Á và có ảnh hưởng đối với tương lai của khu vực. “Nhật Bản phải tiếp tục là trung tâm của thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương - ông Abe nhấn mạnh - Nếu Nhật Bản tiếp tục cô lập, chúng ta không có hi vọng nào cho phát triển. Đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta. Nếu không nắm lấy, Nhật Bản sẽ bị loại ra ngoài”.

Mất 3.000 tỉ yen giá trị nông nghiệp

"Đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta. Nếu không nắm lấy, Nhật Bản sẽ bị loại ra ngoài"

Thủ tướng Nhật SHINZO ABE

Quyết định của ông Abe và Đảng LDP được coi là canh bạc chính trị lớn khi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhóm vận động của giới nông dân và các nhóm lợi ích khác. Cái mất của canh bạc này là dễ thấy nhất. Các liên minh nông nghiệp từ lâu luôn chống lại việc Nhật Bản tham gia các tổ chức thương mại quốc tế. Lý luận của họ là những thay đổi như vậy sẽ hủy hoại nền nông nghiệp của Nhật Bản.

Theo Bloomberg, dù chỉ chiếm 2% GDP, lực lượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở Nhật lên tới hơn 10 triệu người và chiếm tới 8% dân số. Từ lâu, thị trường nông nghiệp luôn là một trong những thị trường “bất khả xâm phạm” đối với các nước xuất khẩu nông sản, do Nhật Bản áp mức thuế lên đến 778% đối với gạo, 328% với đường và 218% với sữa bột.

Theo tính toán của Chính phủ Nhật, việc mở cửa thị trường hàng hóa sẽ làm Nhật mất khoảng 3.000 tỉ yen giá trị hàng nông nghiệp (hiện đang ở mức 8.000 tỉ yen). Theo Japan Times, hiện có một số lo ngại cho rằng việc Nhật gia nhập TPP sẽ khiến tỉ lệ tự túc nông nghiệp đang là 39% sẽ giảm xuống chỉ còn 13%. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của Nhật Bản mà còn quyết định cả số phận của chính phủ Abe khi phần lớn các nghị sĩ LDP đều dựa vào lá phiếu ở các khu vực nông thôn. Phép đo thật sự với những chính sách mới sẽ đến vào mùa hè khi cuộc bầu cử thượng viện diễn ra.

“Tôi cam kết lựa chọn con đường tốt nhất cho lợi ích của Nhật Bản - ông Abe nói - Tôi sẽ bảo vệ những gì chúng ta buộc phải bảo vệ và yêu cầu những gì chúng ta buộc phải yêu cầu”.

Thêm 0,7% GDP

Thế nhưng, không thể không có những cái được và được lớn để chính phủ Abe cân nhắc khi tham gia “canh bạc lớn” TPP này.

Chính phủ Nhật ước tính việc gia nhập TPP có thể giúp GDP Nhật có thêm 33 tỉ USD - xấp xỉ 0,7% - đồng thời giúp các nền công nghiệp của nước này thêm cạnh tranh.

“Tăng cường thương mại có lẽ là chiến lược tốt nhất của Nhật lúc này để vượt qua bế tắc thương mại hiện tại - Noah Smith, phó giáo sư về tài chính và kinh tế tại ĐH Stony Brooks (Mỹ), nhận định - Nếu Abe thật sự thúc đẩy được thay đổi này, đó sẽ là di sản kinh tế của ông ta, một di sản có tính tích cực”.

Với Nhật Bản, TPP là một hướng thoát để nước này có thể bắt kịp với các đối thủ như Hàn Quốc, nước đã ký hiệp định FTA với Mỹ, EU và đang đàm phán FTA với Trung Quốc. Nhật Bản hiện không có thỏa thuận FTA với đối tác kinh tế lớn nào ngoại trừ thỏa thuận mới ký gần đây với Ấn Độ.

Tokyo hiện cũng đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo lớn hơn như là cách để trở lại tâm điểm của chính trường châu Á - hiện đang bị áp đảo hoàn toàn bởi sự vươn lên của Trung Quốc, nước trong mấy năm nay đã lấy mất vị thế nền kinh tế thứ hai thế giới của Nhật. Trung Quốc hiện khó có khả năng tham gia đàm phán vào TPP vì sẽ phải thực hiện một loạt nhượng bộ liên quan tới khối doanh nghiệp nhà nước cũng như các vấn đề về bảo vệ bản quyền, điều kiện lao động mà TPP yêu cầu.

TPP vì vậy được coi là công cụ đối trọng của Mỹ, và giờ là Nhật, đối với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Với Mỹ, TPP là một trong những cam kết chính của Tổng thống Obama nhằm thúc đẩy xuất khẩu nước này cũng như là tác nhân quan trọng trong chiến lược xoay trục và tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

TPP là gì?

TPP là hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương. TPP vốn bắt nguồn từ hiệp ước thương mại giữa Singapore, New Zealand, Chile và Brunei từ năm 2006. TPP hiện có thêm sự tham gia của Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam. TPP nếu thành công sẽ trở thành khối thương mại tự do chiếm tới 40% GDP toàn cầu - lớn hơn cả quy mô của Liên minh châu Âu. HIện các nước tham gia đàm phán hi vọng đạt được một thỏa thuận tổng thể bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ, đầu tư nước ngoài, mua sắm chính phủ, bản quyền trí tuệ, bảo vệ tài nguyên và lao động.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên