10/03/2015 11:07 GMT+7

Cần nhiều mức chế tài tài xế say rượu lái xe

H.ĐIỆP - L.KIÊN - Q.TRUNG ghi
H.ĐIỆP - L.KIÊN - Q.TRUNG ghi

TT - Theo kinh nghiệm nhiều nước, có những vi phạm giao thông có thể phạt tù (ví dụ phạt tù 5-7 ngày), buộc lao động công ích 10-15 ngày... đồng thời tước quyền lái xe 3-6 tháng.

Chiếc ôtô này tông vào dải phân cách trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5, TP.HCM) do tài xế say rượu - Ảnh: Hữu Khoa
Chiếc ôtô này tông vào dải phân cách trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5, TP.HCM) do tài xế say rượu - Ảnh: Hữu Khoa

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) về quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông, trong đó mức xử phạt tịch thu xe nếu người lái xe say xỉn.

Tuổi Trẻ giới thiệu thêm ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

* TS Hoàng Ngọc Giao (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển):

Pháp luật nghiêm không chỉ ở xử phạt nặng

Đại diện Ủy ban ATGTQG có giải thích trên báo chí rằng họ có căn cứ pháp lý để đưa ra đề xuất này, đó là Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo tôi, đây là cách giải thích luật không ổn.

Đúng là luật cho phép tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, nhưng nên nhớ rằng phải xét trong mối quan hệ nhân quả.

Một người uống rượu rồi lái xe thì đúng là vi phạm hành chính thật, nhưng mà người ta uống rượu nhưng chưa gây hậu quả thì phương tiện gọi là vi phạm đấy vẫn đang là tài sản của người ta. 

Quyền tài sản chỉ có thể bị tước đoạt, tài sản chỉ có thể bị tịch thu trong các vụ án hình sự.

Nhưng ngay cả trong những án hình sự, nếu như đấy không phải là phương tiện phạm tội thì người ta cũng không tịch thu, trừ khi đó là những án hình sự liên quan đến kinh tế và phải có nghĩa vụ bồi thường dân sự về mặt tiền bạc.

Trong trường hợp những người sử dụng xe một cách thuần túy mà bảo đấy là công cụ vi phạm hành chính và tịch thu thì không ổn.

Nên nhớ rằng quyền tài sản là quyền rất đặc biệt, quyền hiến định. Đấy là chưa kể phương tiện vi phạm này có thể thuộc sở hữu của người khác cho người vi phạm mượn, nếu tịch thu sẽ rất rắc rối, làm nảy sinh những quan hệ dân sự phức tạp trong xã hội rất khó giải quyết.

Rõ ràng người ta thấy trong thực tế tình trạng tai nạn giao thông có tỉ lệ lớn người gây tai nạn trước đó có sử dụng đồ uống có cồn. Vậy thì chế tài nặng là giải pháp được nghĩ đến đầu tiên, nhưng chế tài nặng thì đâu phải chỉ là tịch thu tài sản.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có những vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông người ta có thể phạt tù, ví dụ phạt tù 5-7 ngày, buộc lao động công ích 10-15 ngày dưới sự giám sát của cảnh sát, đồng thời tước quyền lái xe trong thời gian 3-6 tháng chẳng hạn...

Tôi nghĩ phạt như vậy người ta còn sợ hơn là bị tịch thu xe.

Xây dựng các quy định pháp luật là để ngăn chặn tình trạng vi phạm, nhưng vẫn đảm bảo cho xã hội phát triển và các quan hệ xã hội diễn ra bình thường, chứ không phải là đưa ra những quy định cực đoan mà hậu quả của nó có thể làm phức tạp thêm quan hệ xã hội.

* Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM):

Không trái luật nhưng cần xem xét yếu tố lỗi

Về căn cứ pháp luật là điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính thì đề xuất tịch thu xe của Ủy ban ATGTQG không sai. Luật xử lý vi phạm hành chính có chế tài nặng hơn đối với phương tiện vi phạm giao thông.

Ví dụ, Luật hình sự quy định khi phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn thì tài xế chịu trách nhiệm, nhưng nếu phương tiện đó có chủ sở hữu thì chủ sở hữu được trả lại phương tiện, nhưng Luật xử lý vi phạm hành chính là tịch thu phương tiện luôn không phân biệt ai là chủ sở hữu.

Bởi vậy, nếu Chính phủ ra nghị định thì nghị định đó không sai, không trái luật.

Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng không giải quyết sạch sẽ nạn mãi lộ mà có quy định về tịch thu phương tiện thì nạn mãi lộ sẽ trở thành khủng khiếp.

Theo tôi, xử nghiêm không có nghĩa là tịch thu mà còn có nhiều cách khác, ví như tước giấy phép lái xe là đủ nghiêm rồi.

Ngoài ra, cần phải xem xét đến yếu tố lỗi, vì người chủ phương tiện cho mượn, cho thuê, thuê lái xe không hề có lỗi đối với việc vi phạm của tài xế nhưng xe của họ vẫn bị tịch thu thì đó là thiệt thòi cho họ.

* PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (trưởng khoa luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM):

Tự do tài sản không có nghĩa thích làm gì thì làm!

Nếu Ủy ban ATGTQG xác định được người uống rượu là nguyên nhân gây ra tai nạn và có hậu quả nghiêm trọng gây tổn thất cho cá nhân và xã hội thì chúng ta phải thấy rõ thế này:

Đồng ý công dân có quyền tự do về sở hữu và muốn sử dụng tài sản vào việc gì thì sử dụng nhưng khi sự tự do ấy gây ra thiệt hại cho nhiều gia đình khác về vật chất, tinh thần như: mất người thân, phải chăm sóc người thân do bị tàn tật suốt đời... thì phải bó buộc tự do đó lại, bởi không ở đâu trên thế giới này sự tự do là vô tận.

Theo tôi, có thể hình sự hóa hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông, bởi khác với người bình thường, người điều khiển phương tiện giao thông đã tham gia vào nguồn rủi ro do chính mình điều khiển.

Luật đã cấm uống bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm, như vậy hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp ngăn chặn là tước bằng lái, nộp phạt nặng và bỏ tù.

Điều này không phải tôi nói dựa trên suy nghĩ của cá nhân tôi, ở nhiều bang của nước Mỹ nếu lái xe trong tình trạng uống rượu say thì cảnh sát Mỹ không phạt mà bắt và đưa vào trại ngay.

Và sau này, lý lịch tư pháp, lý lịch lái xe của người vi phạm sẽ được ghi nhận và người đó buộc phải trả giá cho hành vi ấy. Tôi cho rằng đây là cách hiệu quả để xử lý những người cố ý tạo ra những nguồn gây nguy hiểm cho xã hội.

Về vấn đề tài sản, bình thường khi chiếc xe là phương tiện đi lại, nhưng khi người điều khiển nó lại uống rượu say thì nó không khác gì nguồn “vũ khí” nguy hiểm có thể gây tổn hại cho người khác, và để bảo vệ tổn thất có thể xảy ra thì Nhà nước có nhiều lý do để tước đoạt quyền tự do tài sản đó.

Pháp luật không cho phép người dân sở hữu thứ gì thì được hoàn toàn sử dụng theo ý mình như đua xe, bấm còi hơi...

Tuy nhiên, khi đề xuất một biện pháp chế tài cần dựa trên những căn cứ cụ thể để đưa ra mức xử lý phù hợp từ thấp đến cao, ví dụ mức nào thì giữ xe, mức nào thì tịch thu... và biện pháp tịch thu xe là biện pháp chế tài nặng nhất.

* Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG):

Sẽ giám sát bí mật lực lượng cảnh sát giao thông

Trước băn khoăn của nhiều người dân về vấn đề lực lượng chức năng có thật sự công minh và tuân theo pháp luật hay không, tôi khẳng định các đơn vị liên quan đã có kế hoạch giám sát lực lượng chức năng thi hành công vụ, trong đó rất hoan nghênh sự giám sát trực tiếp của nhân dân và báo chí.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Ủy ban ATGTQG tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2014 và triển khai kế hoạch công tác năm 2015, thượng tướng Lê Quý Vương đã nhấn mạnh một trong những trọng tâm công tác của Bộ Công an trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2015 là nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó sẽ thực hiện giám sát bí mật hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông nhằm chấn chỉnh tác phong, nghiệp vụ và chống tiêu cực nhũng nhiễu.

Thực tế, trong thời gian qua khi người dân phản ảnh những sai sót của các lực lượng chức năng khi thi hành công vụ về Ủy ban ATGTQG thì các vụ việc đều được xử lý triệt để. Giám sát chặt chẽ tất cả các khâu cũng là một mục tiêu mà Ủy ban ATGTQG nhắm tới để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông cũng như thiệt hại về người và của.

H.Điệp ghi

H.ĐIỆP - L.KIÊN - Q.TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên