05/10/2015 06:38 GMT+7

Cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò của văn hóa

LAM ĐIỀN - QUANG THI (lamdien@tuoitre.com.vn)
LAM ĐIỀN - QUANG THI (lamdien@tuoitre.com.vn)

TT - Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” vừa tổng kết vào sáng 4-10 sau hai ngày tổ chức tại TP.HCM.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu dự hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” sáng 4-10 - Ảnh: Hữu Khoa
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu dự hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” sáng 4-10 - Ảnh: Hữu Khoa

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và có bài phát biểu. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng hội thảo này sẽ góp phần làm toàn Đảng, toàn dân - nhất là các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ - nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa văn nghệ đối với quá trình xây dựng con người phát triển toàn diện với nhân cách, đạo đức, lối sống được hoàn thiện.

Ông cũng nhắc rằng cả nước đang thực hiện nghị quyết 33 của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đại diện Thành ủy TP.HCM, bà Thân Thị Thư - trưởng Ban tuyên giáo - phát biểu cho rằng thời gian qua văn học, nghệ thuật ở TP.HCM có những mặt tích cực đáng biểu dương, đồng thời cũng còn nhiều hạn chế, bất cập đáng kể.

Và bà Thư trình bày ba vấn đề đang đặt ra: trong cơ chế thị trường, sản phẩm văn học, nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt, do đó ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường đến văn học, nghệ thuật là không tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải nỗ lực giảm thiểu, hạn chế các sản phẩm xấu bởi nó di hại không chỉ một đời người, mà nhiều thế hệ sau còn gánh chịu;

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu, dân chủ ngày càng phát huy cũng có nghĩa là những quan điểm, quan niệm về tự do sáng tác, về phương thức phát hành, quảng bá tác phẩm, về khuynh hướng thể nghiệm đề tài, hình thức chuyển tải tư duy... với biên độ ngày càng rộng và chúng ta cần phải tôn trọng nếu những quan điểm, quan niệm đó không trái với quy định của pháp luật, không đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, của dân tộc; mặc dù dòng chủ lưu của văn học, nghệ thuật vẫn là tích cực, nhưng tác phẩm thấp kém ngày một lan tràn, tạo ra công chúng có thị hiếu thẩm mỹ kém.

Bà Thư nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải làm gì để góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho xã hội? Câu trả lời từ TP.HCM là lâu nay vẫn chăm lo bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ bằng nhiều hoạt động đầu tư, hỗ trợ, tập huấn... với tinh thần “Hãy xây dựng nhân cách đội ngũ văn nghệ sĩ tốt thì mới có tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng quan tâm đến các biện pháp cụ thể sau hội thảo để tạo ra sự chuyển biến trong thực tế.

“Tôi nghe những ý kiến sáng giờ đều tích cực, nhưng làm sao để những ý kiến, ý tưởng này đi vào đời sống? Ngày xưa chúng ta chỉ có cái radio, giờ có hơn 200 kênh truyền hình, làm sao để chuyển tải tất cả ý tưởng chủ trương bàn bạc ở đây đi vào đời sống?” - ông Sang đặt vấn đề.

Ông cũng bày tỏ băn khoăn khi thấy một số tham luận đề cập đến trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trước những suy thoái yếu kém của đạo đức, nhân cách con người.

“Nhưng các tham luận này có đến tay những người có trách nhiệm không, rồi đến tay thì có đọc không hay bỏ vào tủ khóa lại?” - ông Trương Tấn Sang nêu câu hỏi.

Trong bài tổng kết hội thảo, PGS.TS Hồng Vinh - chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương - cũng nhấn mạnh đến cụm giải pháp chủ yếu, trong đó có: trách nhiệm của văn nghệ sĩ; công tác quản lý của ngành giáo dục và các ngành liên quan, sự phối hợp các ban, bộ ngành hữu quan; đổi mới bổ sung cơ chế chính sách và công tác lý luận phê bình.

Chia sẻ với hội thảo hai hướng quan trọng để tiếp cận văn hóa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng:

“Từ cấu trúc luận thì yếu tố hàng đầu của văn hóa là sự hiểu biết, khả năng sáng tạo mà con người tích lũy được trong quá trình học tập, lao động và đấu tranh. Nhưng những sự hiểu biết của con người chỉ trở thành văn hóa khi nó trở thành nền tảng cho hành vi ứng xử của con người trong các quan hệ của con người với xã hội, với tự nhiên và với chính bản thân mình.

Tiếp cận từ quan điểm giá trị thì văn hóa là trình độ phát triển các quan hệ nhân tính của một xã hội, của mỗi con người, được cộng đồng khẳng định thành một hệ giá trị, mà chuẩn mực cơ bản là chân, thiện, mỹ.

Theo chuẩn mực đó, chúng ta phân biệt được cái gì là văn hóa, cái gì là phản văn hóa, là vô văn hóa...”.

LAM ĐIỀN - QUANG THI (lamdien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên