10/06/2019 18:18 GMT+7

Cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật, giáng chức thì phải thu hồi các chế độ đang hưởng

N.AN - T.LONG
N.AN - T.LONG

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng với những cán bộ về hưu bị kỷ luật không những phải xóa tư cách chức vụ mà còn cần có quy định để truy thu các chế độ, chính sách họ đã hưởng.

Cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật, giáng chức thì phải thu hồi các chế độ đang hưởng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định thu hồi chế độ đối với cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật - Ảnh: QH

Chiều 10-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Về hưu bị kỷ luật thì văn bản đã ký còn hiệu lực?

Cho rằng việc xử lý kỷ luật với cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu có bản chất là hồi tố nên đại biểu Mong Văn Tình (tỉnh Nghệ An) đề nghị cân nhắc luật hóa việc xóa tư cách chức vụ. Cũng bởi, thực chất quy định trên chỉ là xóa cái danh còn thời gian sai phạm, người bị kỷ luật được hưởng các chế độ chính sách kèm theo, như hệ số phụ cấp, thưởng và chế độ khác.

Ông Tình đặt vấn đề truy thu toàn bộ chế độ chính sách mà đối tượng này được hưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Thái Nguyên) thì băn khoăn về hiệu lực của những văn bản mà cán bộ bị kỷ luật khi về hưu đã ký khi còn đương chức. Việc tiếp tục áp dụng những văn bản như vậy có tác động như thế nào cần quy định rõ, cụ thể hóa để hình thức kỷ luật đảm bảo tính thực tiễn.

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (tỉnh Bình Định) cũng thấy hình thức xóa tư cách chức vụ hiện nay là chưa rõ ràng. Tư cách thì gắn với hành vi, tư chất mỗi cá nhân trong khi chức vụ là vị trí công việc của mỗi cá nhân nên việc xóa tư cách chức vụ là không phù hợp, cần nghiên cứu thêm.

Thay giáng chức bằng cách chức để tránh nể nang

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đồng tình với việc bỏ quy định về "giáng chức" và thay bằng hình thức "cách chức" để phù hợp với các quy định về kỷ luật cán bộ, tránh tình trạng nể nang, né tránh. 

Việc chỉ dùng hình thức giáng chức và tiếp tục làm việc cũng gây khó khăn cho cơ quan cũ trong bổ nhiệm cán bộ và phân công công tác.

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) thì có ý kiến khác. Việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức chưa có lý do thuyết phục, vì nếu do nể nang mà giáng chức thì chưa đúng thẩm quyền; còn nếu giáng chức là chuyên viên thì khó bố trí công việc.

Do đó, đại biểu Tám đề nghị giữ lại hình thức giáng chức, phù hợp với nguyên tắc có thăng có giáng. Đồng thời bổ sung trường hợp bị "kết án" oan thì được khôi phục.

Giải trình về các vấn đề được đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sau phiên thảo luận này, bộ sẽ phối hợp các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để sớm trình Quốc hội thông qua dự thảo luật tại kỳ họp sau.

Liên quan đến những ý kiến khác nhau xung quanh quy định về giáng chức, ông Lê Vĩnh Tân cho biết từ những báo cáo về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan gửi lên thì từ trước đến nay Bộ Nội vụ chưa ghi nhận trường hợp nào bị giáng chức. Do vậy, bộ trưởng đề nghị các đại biểu tìm hiểu thêm về quy định này.

Với các ý kiến về quy định xử lý sai phạm của cán bộ, công chức khi đương chức nhưng hiện đã nghỉ hưu, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết "sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định trong dự thảo, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật".

'Về hưu rồi thì rút kinh nghiệm sâu sắc làm gì nữa?'

TTO - Cán bộ vi phạm nhưng đã về hưu, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ có thể xử lý về mặt Đảng, không có nhiều tác dụng vì hưu rồi thì "rút kinh nghiệm sâu sắc" cũng không để làm gì, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu Giàng Páo Mỷ nói.

N.AN - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên