Theo các chuyên gia, nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư tại Việt Nam nên nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch trong nước đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ngành vi mạch trong nước cần 1.000 kỹ sư mỗi năm
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết có khoảng 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Các chuyên gia kinh tế dự báo 5 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn sẽ cần 20.000 người và 10 năm tới nhu cầu nhân lực có thể là 50.000 người từ trình độ đại học trở lên.
"Hiện số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, nhu cầu mỗi năm tăng 10 - 15%. Trong đó chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử, khoảng 30% trong số này có trình độ sau đại học. Dự kiến thời gian tới nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn.
Để đón đầu xu hướng này, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng. Nhiều cơ sở đào tạo đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc này", bà Thủy cho biết thêm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cũng cho biết hiện tại TP.HCM đã có hàng chục công ty FDI 100% vốn nước ngoài hoạt động ở lĩnh vực thiết kế vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… với nhân sự hơn 5.000 kỹ sư và chuyên gia về thiết kế vi mạch.
Theo khảo sát từ các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này thời gian tới tại Việt Nam là khoảng 1.000 kỹ sư/năm.
TS Lê Đức Hùng - trưởng phòng thí nghiệm xử lý tín hiệu số và hệ thống nhúng (DESLAB), khoa điện tử - viễn thông, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay nhu cầu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt ở TP.HCM.
"Thống kê của Cộng đồng vi mạch Việt Nam cho thấy hiện nay có khoảng 40 công ty doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, trong đó ở TP.HCM có hơn 30 công ty, và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt ở TP.HCM ngày càng tăng dẫn đến thị trường cần nguồn cung nhân lực khá lớn", ông Hùng nhận định.
Hàng loạt trường đại học mở ngành vi mạch bán dẫn
Ban đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay đại học này đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc đại học và sau đại học, nhằm góp phần tăng cường nhân lực cho ngành này. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp.
Năm nay, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức triển khai đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ở ba trường: Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin (xét tuyển 150 chỉ tiêu với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01).
Các trường thuộc Đại học Đà Nẵng sẽ tuyển sinh gần 200 chỉ tiêu cho chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn trong năm 2024, cụ thể: Trường đại học Bách khoa 100 chỉ tiêu, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật 50 chỉ tiêu, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn 40 chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng đã công bố tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch trong năm nay như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Công nghệ TP.HCM, Trường đại học Quy Nhơn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận