29/07/2018 06:27 GMT+7

Cái nắm tay trên bàn mổ

NGUYÊN HẬU (tỉnh Phú Yên)
NGUYÊN HẬU (tỉnh Phú Yên)

TTO - Trong cơn hoảng loạn lúc ấy, tôi chạm được bàn tay của ai đó trong kíp mổ và nắm chặt lấy. Tôi nắm rất chặt bàn tay đó như một điểm tựa để giữ mình lại bên bờ vực thẳm.

Sau khi ra trường, tôi về công tác tại một thị trấn, trung tâm huyện lỵ miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, một nơi khá thi vị, hữu tình về ngẫu nhiên thiên tạo song còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất hạ tầng.

Khi tôi mang thai đứa con đầu lòng, vì sức khỏe yếu cùng một số bệnh lý sẵn có nên bản thân đã chuẩn bị tâm lý sẽ sinh bằng phương pháp mổ.

Nhiều bạn bè khuyên tôi nên chọn sinh ở bệnh viện tỉnh, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về trang thiết bị lẫn đội ngũ y bác sĩ song tôi vẫn quyết định chọn bệnh viện huyện vì gần cơ quan làm việc.

Một ngày cuối tháng 12-2013, tôi chủ động nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân. Sau khi làm các thủ tục thăm khám, xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã chỉ định mổ.

Với phương pháp sinh mổ gây tê cột sống, nhiều người từng trải qua cho biết là họ khá thoải mái, bình tĩnh cảm nhận được quá trình chào đón con và không hề đau trong lúc thực hiện. Nhưng với tôi do thần kinh yếu, ngay sau khi gây tê hoàn tất, tôi nhắm mắt để không bị tác động từ bên ngoài.

Nhưng sau khoảng 20 phút, tiếng va chạm của dụng cụ y tế tác động mạnh lên các giác quan, tôi bắt đầu thấy mệt, sức yếu dần, cảm giác khó thở mỗi lúc một tăng.

Sau này tôi mới biết là tình hình lúc đó không xấu như tôi nghĩ nhưng do nỗi lo lắng, sợ hãi của lần đầu sinh nở, tôi không làm chủ được tinh thần.

Trong cơn hoảng loạn lúc ấy, tôi chạm được bàn tay của ai đó trong kíp mổ và nắm chặt lấy.

Trong giây phút căng thẳng sợ hãi, tôi cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay đó như một sự trấn an kịp lúc. Tôi nắm rất chặt bàn tay đó như một điểm tựa để giữ mình lại bên bờ vực thẳm.

Tôi như thấy mình bay trong không trung nhưng không rơi xuống đất vì nắm được con diều rất lớn, bay qua mênh mông đồng rộng, qua nhiều miền lẫn lộn vừa quen vừa lạ... Và rồi tôi nghe được tiếng khóc của con mình, cùng một giọng nói rất nhỏ và nhẹ với một ai đó "thay tôi nắm giùm". Sau đó, một bàn tay khác nắm lấy tay tôi.

Năm năm đã trôi qua, con gái bé nhỏ của tôi khỏe mạnh, hoạt bát và có tính cách khá kiên cường như chính lúc cháu vùng vẫy, khóc vang lên để chào cuộc sống đầy những điều thú vị này. Cũng là ngần ấy thời gian, tôi giữ mãi cái cảm giác được trấn an và đồng hành từ cái nắm tay trên bàn mổ, dẫu tôi chưa kịp hỏi xem đó là bàn tay vị bác sĩ nào.

Tôi vẫn thường tự hỏi liệu năm xưa, nếu bàn tay vị bác sĩ kia khước từ sự nương tựa của tôi, dù chỉ là sự nương tựa trong khoảnh khắc, nếu ông không đủ ân cần để trấn an tôi thì liệu tôi có đủ niềm tin, đủ cảm giác an toàn để vượt qua sự căng thẳng, đau đớn của hành trình làm mẹ?

Cho đến bây giờ trong vòng quay của công việc, của vô vàn mối quan hệ với những buồn vui lẫn lộn, những va vấp khó nhọc, tôi vẫn hay nghĩ về cái nắm tay đã cũ để tập cho bản thân mình sự kiên cường đối mặt.

Thỉnh thoảng, thấy trên mặt báo những tin tức về sai phạm của bệnh viện này, chuyện thiếu y đức của bác sĩ nọ hay người nhà hành hung bác sĩ, tôi lại thấy vết mổ năm xưa đau nhói.

Tôi dựa vào những trải nghiệm của bản thân cùng các bác sĩ đã giúp mình, dành cho họ sự trân quý và cảm thông, chia sẻ cùng họ những áp lực lớn từ công việc. Tôi dặn mình trong bất cứ sự việc nào, cần nhìn nhận ở nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện.

Và tôi viết những dòng này như một lời cảm ơn gửi đến người bác sĩ năm xưa đã trấn an tôi bằng cái nắm tay rất chặt.

Và còn để cho con gái bé nhỏ của mình trong quá trình khôn lớn, dặn con học cách biết ơn, học cách kiên cường đối mặt với những khó khăn dông gió trên cuộc đời.

Cái nắm tay trên bàn mổ - Ảnh 1.


NGUYÊN HẬU (tỉnh Phú Yên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên