19/10/2014 10:18 GMT+7

Ca sĩ Ánh Tuyết: Người đi trong dông gió

CÁT VŨ
CÁT VŨ

TT - Gặp Ánh Tuyết lúc nào cũng thấy chị nói cười tíu tít, thích kể những câu chuyện tiếu lâm để mọi người vui.

Ca sĩ Ánh Tuyết trong chương trình vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai - Ảnh: T.T.D.
Ca sĩ Ánh Tuyết trong chương trình vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai - Ảnh: T.T.D.

Ai không biết tưởng chị “xã giao”, nhưng người quen lâu thì hiểu tính chị nghĩ sao nói vậy, không kiểu cách, màu mè. 

Ánh Tuyết nói từ lâu đã tập thói quen gặp ai cũng chào, không nề hà ai lớn ai nhỏ, ai nổi tiếng ai không, kể cả những người không ưa mình.

“Gặp họ, mình chào trước có ngày rồi người ta cũng hiểu cho tấm lòng của mình, dù có khi phải mất một hai năm. Cứ sống thật, sống hết lòng sẽ nhẹ nhàng cho tất cả mọi người. Trải lòng với người khác cũng làm mình vui bởi chẳng mất gì với một nụ cười, một lời chào thân thiện” - Ánh Tuyết tâm sự mà như thể tự nhắc nhở mình.

Nỗi lòng “cô bé nhà quê”

Dông gió còn lại

Ánh Tuyết đang hoàn thiện khu đất 7.000m2 ở Bình Mỹ, Củ Chi để đưa mẹ và gia đình của cả năm anh chị em trong nhà về an cư “một mối”.

Hỏi chị bây giờ đã hết “dông gió” chưa, Ánh Tuyết lắc đầu: “Tôi làm nghề từ năm 1978 đến nay, miệt mài chưa một ngày ngơi nghỉ, có được hơn nửa chục HCV nhưng chẳng được danh hiệu gì vì tôi không chấp nhận chuyện phải đi xin để được người ta phong tặng cho những đóng góp của mình. Vậy nên dông gió còn lại là nỗi lòng với nghề, với cuộc đời mà không thể giãi bày được hết.

Cuộc đời nghệ sĩ luôn có những nỗi buồn rất riêng, càng muốn đi lên, càng vùng vẫy, càng đau mà ít ai thấu hiểu. Nghề này làm dâu cả triệu họ, nhưng ở vào thời buổi công nghệ, người ta càng dễ làm cho người nghệ sĩ bị tổn thương.

Bằng tiếng hát, bằng nghị lực và sức chịu đựng, tôi đã vượt qua dông gió trong một chặng đường khá dài nhưng nỗi lòng với nghề hiện nay, thời mà nghệ sĩ ở mình không được tôn trọng đúng nghĩa, có tài mấy cũng bị đánh đồng... thật sự là một thứ dông gió có sức hủy diệt còn bạo liệt hơn nhiều so với những gì tôi từng trải qua”.

Ánh Tuyết không nhớ rõ mình hát được là từ khi nào, chỉ mang máng rằng khi nhận biết mọi việc xung quanh thì đã nghe trong nhà ngày ngày vang lên tiếng đàn ca. Ba là công chức nhưng có “máu” văn nghệ, biết chơi nhiều nhạc cụ nên lấy việc mở lớp dạy kèm văn hóa và âm nhạc làm vui.

Tiếng hát và tiếng đàn mandolin của mẹ, thời thiếu nữ đi giao liên cho kháng chiến nghe đâu từng làm liêu xiêu không biết bao trái tim trai làng. Vậy nên hai người anh trai, hai người em trai mới nhớm tuổi thiếu niên đã vây lại thành một ban nhạc gia đình.

Ánh Tuyết là con gái duy nhất ở giữa trở thành giọng ca “đinh”. Tiếng xập xình ở ngôi nhà nhỏ, trong kiệt (hẻm) nhỏ đã đồn xa, đưa ban nhạc của năm anh chị em đi diễn khắp xóm ở Hội An. Ánh Tuyết “nổi tiếng” từ đó.

Ánh Tuyết kể: “Thầy dạy hát đầu tiên của tôi là... chiếc máy cassette. Quán cơm của mẹ ngày nào cũng mở nhạc từ sáng tới chiều, tôi nghe đi nghe lại đến thuộc lòng bài hát và cách hát của các giọng ca nổi tiếng lúc bấy giờ như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hà Thanh... nên bắt chước hát theo họ”.

Vì vậy mà có thể nói tiếng hát của Ánh Tuyết không có... tuổi thơ. Bởi từ lúc 8 tuổi, chị đã đoạt quán quân các cuộc thi hát ở thị xã quê nhà và 12 tuổi giành giải nhất toàn quốc (toàn miền Nam lúc ấy) bằng những bài hát đầy tâm sự của người lớn... 

Thế nhưng, những thành công “vang dội” ngay buổi ban đầu chập chững đứng trên sân khấu cũng chỉ đem lại cho giọng ca thiên bẩm của Hội An ngày ấy chút niềm vui ngắn ngủi.

Nó không khỏa lấp được những giọt nước mắt tủi hờn, cảm giác bị bỏ rơi khi thường phải ngồi thu lu một góc buồn bã trong các sinh hoạt cộng đồng, chỉ vì bé Tiết (tên khai sinh của Ánh Tuyết) không thuộc dạng “bé xinh”, người ta chỉ nhớ đến cô bé “đẹt lét, đen thui” ấy mỗi khi cần lấy giải trong các cuộc thi hát mà thôi.

Tuổi chính thức “vào đời” chị tính là năm lên 17, khi được Đoàn ca múa Quảng Nam - Đà Nẵng về Hội An tuyển chọn, nhưng Ánh Tuyết thật sự xuất hiện như một người hát đơn ca chuyên nghiệp lại trên một sân khấu ở thành nội Huế.

Số là vào một đêm tối trời ở cố đô, Ánh Tuyết khi ấy mới chân ướt chân ráo ra nhập học Trường Âm nhạc Huế, đi theo xách giỏ cho một ca sĩ đàn chị đến biểu diễn tại cung An Định. Chương trình hôm đó bất ngờ vắng một ca sĩ, sợ bị khán giả la ó, bầu sô quýnh quáng không biết làm sao. Chị bạn ca sĩ liền chỉ vào Ánh Tuyết giới thiệu: “Con bé hát được lắm”. 

Nhìn “con bé” mặt mũi quê kệch, dáng vẻ sợ sệt vì chưa bao giờ đi xa khỏi Hội An, ông bầu hất đầu nghi ngại .

Đọc rõ sự khinh thường trong mắt ông, “con bé nhà quê” tự ái muốn bỏ về song lại chợt nghĩ mình ráng chịu đựng, nếu không tận dụng cơ hội này thì biết bao giờ nó đến nữa! Sự việc diễn ra quá đột ngột, Ánh Tuyết không có trang phục diễn, đành mặc như “bơi” trong bộ áo dài với khổ người to rộng mượn vội của chị bạn, lúng túng bước ra sân khấu, ngúc ngắc đi như người máy vì sợ vấp té.

Cũng chẳng kịp suy nghĩ đắn đo chọn lựa, Ánh Tuyết hát một mạch bài “ruột” của mình là Lịch sử một chuyện tình. 

Hát xong, tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, tiếng hô “bis, bis” ầm ĩ nổ ra phía dưới không cho chị vào. Thì hát tiếp, Ánh Tuyết cất lên bài Nhạc rừng, lại rào rào tiếng vỗ tay...

Sau đêm đó, ông bầu liền “kết” chị, tổ chức sô diễn nào cũng mời cho bằng được Ánh Tuyết. Đó là một kỷ niệm vừa ngọt ngào, vừa nồng nàn hơi men chiến thắng ở thuở mới vào đời, khiến đến tận bây giờ chị vẫn có cảm giác thích thú mỗi khi nhớ đến.

Một cuộc “trả thù đời”

Không ít người từng nghĩ sự nghiệp của Ánh Tuyết “nở hoa” từ ngày được giới hâm mộ tặng cho biệt danh “Ánh Tuyết Văn Cao”, song chị tự hiểu điều đó tuy không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng.

Bởi sau “đợt sóng” lớn cuốn hút dư luận về việc nhạc sĩ Văn Cao, lần đầu xuất hiện tại TP.HCM trong đêm nhạc của mình và đã dành cho tiếng hát Ánh Tuyết những lời khen tặng hiếm có, dòng nhạc của ông sau đó vẫn lại tiếp tục chảy một cách lặng lẽ ở đâu đó trong vài quán nhạc nhỏ mà chị vẫn là người đi hát thuê. 

Chỉ đến khi tích cóp đủ vốn liếng mở được phòng trà ATB (Ánh Tuyết Band), Ánh Tuyết mới thật sự thỏa nguyện vì có được một nơi riêng để làm cái mình muốn.

Chị “gom” những nghệ sĩ cùng sở thích, đồng lòng cùng nhau “đào bới”, khơi lại một dòng nhạc mà giá trị từng được khẳng định nhưng đang bị bụi thời gian và thời cuộc làm cho phai mờ. 

ATB là phòng trà quy mô đầu tiên sau năm 1975 “chuyên trị” dòng nhạc xưa.

Ánh Tuyết nói vui rằng chị thấy hài lòng nhất là đã “trả thù đời” thành công bằng cách xây dựng ATB như một gia đình, nơi mọi người sống chan hòa, thương yêu đùm bọc nhau hết lòng chứ không để họ phải chịu những đắng cay như mình ngày trước, để rồi phải sống trong nỗi ám ảnh chỗ nào cũng có người ác ý, người xấu bụng... 

Bao nhiêu năm trôi qua, Ánh Tuyết vẫn nhớ như in cách đối xử “vắt chanh bỏ vỏ” sỗ sàng đến... sững sờ của ông đoàn trưởng khi bất ngờ gạch bỏ tiết mục của chị vì muốn lăngxê một ca sĩ trẻ đẹp, kiếm huy chương cho cô ấy trong một cuộc thi ca nhạc.

Chị cũng không thể nào quên thái độ tị hiềm của một ngôi sao ca nhạc khi vừa chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đến đoàn hát của cô thử việc. Cô đứng ngay trước mặt chị, chị mở khẩu hình ra sao, đưa hai tay điệu bộ như thế nào, “ngôi sao” đều nhái lại y chang khiến cô ca sĩ tỉnh lẻ sợ quá, bỏ chạy. 

Rồi những đêm phải diện áo dài, mang guốc cao gót lội bộ năm, bảy cây số đến tụ điểm ca nhạc ngồi chờ, có khi chờ hết buổi cũng không được hát, bụng đói lại lội về, đuổi theo sau là nụ cười hả hê của những kẻ hẹp dạ ganh ghét.

Từ nỗi đau mình từng chịu, chị không muốn ai bị mặc cảm hoặc hụt hẫng khi bước vào nghề. 

Ở ATB, ca sĩ trẻ nào muốn hát bài của chị, chị càng khuyến khích và chỉ dẫn tận tình. Chính vì sự gắn kết nhờ vào cái tình nên mặc dù lợi nhuận không nhiều, thậm chí có lúc bị lỗ, thu nhập thấp, ATB vẫn trụ được đến hơn 11 năm và chỉ chịu “đầu hàng” khi tiền thuê mặt bằng tăng lên quá cao.

Mặc dù vậy, người hát cũng như người nghe của ATB đến nay vẫn luôn khao khát được “tái ngộ”. Và bà chủ của nó lúc nào cũng nuôi ý định tìm địa điểm mới để dựng lại bảng hiệu. 

Neo lại một con thuyền

Ánh Tuyết là người luôn lạc quan, hài hước. Chị tự giễu rằng vì là con gái duy nhất ở giữa hai người anh, hai người em trai nên số phận bắt làm chiếc đòn gánh, gánh hết trên vai những nhọc nhằn lo toan cho gia đình nhỏ lẫn gia đình lớn.

Nhà năm anh em nhưng hễ chị đi đâu là đưa ba mẹ theo đó phụng dưỡng. Cuộc đời ca hát của chị ba chìm bảy nổi, không ở đâu được lâu vì vậy mà song thân chị cũng bao phen sấp ngửa dọn nhà theo con gái. 

Hồi chị lấy chồng, không chỉ dư luận xung quanh mà ngay gia đình chồng ở bên Pháp cũng nghĩ chắc chị muốn ra nước ngoài định cư. Nhưng hơn 20 năm rồi, Ánh Tuyết vẫn ở đây và chưa bao giờ có ý định đi đâu cả. 

Hiểu lầm, lận đận trôi đi, giờ Ánh Tuyết cười vui: “Vợ chồng tôi có cái bất tiện là không chia sẻ được nhiều, song lại có cái rất tiện là muốn gì thì nói thẳng, khỏi lòng vòng, không có chuyện chửi lộn hay đập lộn. Cái hay là cả hai đều tôn trọng sự riêng tư của nhau, chuyện ai nấy làm”.

Chồng chị là kỹ sư xây dựng, thấy anh đi làm công cho người ta vất vả quá, nên từ hơn 10 năm nay, chị lập công ty chuyên về kỹ thuật cao cấp xây dựng để anh có đất dụng võ.

Cậu con trai duy nhất của chị đã sang ở với nhà nội bên Pháp để học đại học. Chị tự “đánh giá” cuộc sống gia đình của mình như vậy là ổn. 

“Trên đời không có gì là hoàn hảo nên phải biết chấp nhận, biết mở lòng, nếu không cứ phải giãy giụa. Tôi là người thích cầu toàn, sẽ có hàng trăm thứ không hài lòng, nếu đòi hỏi hơn chỉ làm mình khổ thôi” - chị lý giải về cách neo con thuyền hôn nhân để tránh được dông bão trong hơn 20 năm ròng như vậy.

CÁT VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên