14/11/2018 09:45 GMT+7

Brexit bắt đầu tìm đường 'vượt vũ môn" Quốc hội Anh

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Anh đã chốt một dự thảo về thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (EU), nhưng chính quyền Thủ tướng Theresa May dự kiến tiếp tục chật vật.

Brexit bắt đầu tìm đường vượt vũ môn Quốc hội Anh - Ảnh 1.

Những người ủng hộ Anh ở lại EU giăng biểu ngữ kêu gọi ngừng Brexit và bỏ phiếu trưng cầu dân ý trở lại - Ảnh: REUTERS

Dự thảo trên là thành quả của hơn một năm đàm phán giữa Anh và EU, nhằm chuẩn bị các thỏa thuận để Anh rời khỏi liên minh này đi kèm các điều khoản giữ lại những lợi ích chính trị - kinh tế cho đôi bên.

Và dù London và Brussels cơ bản tìm thấy tiếng nói chung, phần việc khó khăn tiếp theo - mà thực chất là khó khăn lâu nay, vẫn nằm ở nội bộ người Anh.

Hãng tin Reuters ngày 14-11 nhận định bà May và Đảng Bảo thủ sẽ phải nỗ lực để nội các của bà thông qua, sau đó sẽ đến lượt phê duyệt của Quốc hội vốn là bài toán khó nhất.

Những người ủng hộ Anh rời EU (còn gọi là Brexit) trong đảng của bà May cáo buộc thủ tướng Anh "đầu hàng EU", đồng thời cho biết họ sẽ phủ quyết dự thảo Brexit. Trong khi đó đảng ở Bắc Ireland hoài nghi về khả năng bà May thoát ải Quốc hội.

"Đây là những ngày quan trọng và những quyết định được thực hiện sẽ tạo ra chia rẽ dài lâu. Thủ tướng phải có sự ủng hộ của nội các và Hạ viện. Phiếu bầu của mỗi cá nhân đều sẽ đóng vai trò", bà Arlene Foster, lãnh đạo Đảng DUP ở Bắc Ireland, nhận định.

Nội các Anh theo kế hoạch sẽ họp lúc 14h ngày 14-11, tức buổi tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, nhằm cân nhắc việc rút lại dự thảo của bà May.

Một lãnh đạo EU trong khi đó xác nhận nội dung của dự thảo đã bị rò rỉ ra truyền thông trước đó. Lãnh đạo EU sẽ nhóm họp ngày 25-11 để chốt thỏa thuận Brexit nếu nước Anh thông qua.

Bà May là người kế nhiệm cựu thủ tướng David Cameron sau khi ông này từ chức vì cử tri Anh chọn rời khỏi EU năm 2016. 

Nhiệm vụ của bà May là giúp nước Anh thực hiện Brexit thành công, nhưng "thành công" theo nghĩa nào thì luôn là nguồn cơn tranh cãi.

Thủ tướng May muốn Anh giữ lại một số quyền lợi từ EU, trong lúc phe cực đoan hơn mong muốn một cuộc chia tay không lưu luyến. 

Chưa kể sau 2 năm tranh cãi, số lượng người Anh "suy nghĩ lại" về quyết định rời EU được báo chí cho rằng càng lúc càng nhiều.

Tình thế này đặt bà May vào một vị trí rất khó khăn, khi phải làm hài lòng cả nội các "Brexit mềm", EU, những người ủng hộ Anh ở lại EU lẫn phe yêu cầu "Brexit cứng" - dứt tình với EU không kèm theo điều khoản ràng buộc nào.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên