15/07/2013 07:51 GMT+7

Bớt lo tỉ giá

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Sau hai tuần “chộn rộn”, tỉ giá đã bắt đầu hạ nhiệt sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước mạnh tay hút tiền về. Tuy nhiên liệu từ nay đến cuối năm tỉ giá sẽ còn tăng? Nếu có thì sẽ tăng đến mức nào?

8lc9MQF6.jpgPhóng to
Dự báo từ nay đến cuối năm, đồng USD sẽ ổn định do các ngân hàng đang thừa USD - Ảnh: Thanh Đạm
PkgIXHRS.jpgPhóng to
Diễn biến giá USD trong những ngày gần đây - Ảnh: thanh đạm - đồ họa: Như Khanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia VN, nói sự “tăng nhiệt” trước đó của đồng USD là do nhiều NH thương mại đồng loạt mua USD để phục hồi trạng thái ngoại hối trước động thái hút tiền về của NH Nhà nước. Sở dĩ có hiện tượng này là do trước đây chênh lệch lãi suất (LS) giữa VND và USD cao, giữ VND có lợi hơn nên các NH thường duy trì trạng thái ngoại tệ âm, tức bán ngoại tệ lấy tiền đồng cho vay. Thường ở những thời điểm chênh lệch LS giữa VND và USD tăng cao, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống NH thường âm dăm bảy trăm triệu đến trên 1 tỉ USD, do theo quy định các NH thương mại được phép duy trì trạng thái ngoại hối +-20%. Vừa qua LS huy động VND giảm mạnh, đồng VN không còn lợi thế so với USD nên các NH mua USD để phục hồi trạng thái ngoại hối. Trong thời gian rất ngắn, trạng thái ngoại hối từ mức âm khoảng 1,2 tỉ USD giảm xuống mức âm 100 triệu USD. Như vậy, một luồng ngoại tệ lớn ước đến 1,1 tỉ USD đã dịch chuyển vào trong hệ thống các NH thương mại làm tỉ giá tăng lên chút ít. Đến thời điểm hiện nay, nguồn vốn ngoại tệ trong các NH đang dư thừa và khả năng tỉ giá tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm là rất khó.

* Liệu tỉ giá từ nay đến cuối năm còn tăng nữa không, thưa ông?

- Ở VN luôn có sự dịch chuyển tài sản từ nội tệ sang ngoại tệ và ngược lại, điều này phụ thuộc rất lớn vào chênh lệch LS đồng nội tệ và ngoại tệ. Đó là lý do dẫn đến biến động tỉ giá thời gian qua. Nhìn ở khía cạnh khác, so với các đồng tiền tại các quốc gia mà VN có quan hệ thương mại, thì VND đang được đánh giá cao hơn 1,4-1,5%. Đợt vừa rồi NH Nhà nước đã tăng tỉ giá 1% nên từ nay đến cuối năm có thể NH Nhà nước không điều chỉnh hoặc nếu có điều chỉnh thì rất nhẹ, không đáng kể.

Xét về yếu tố vĩ mô, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2013, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế có tăng chút ít, tính chung sáu tháng đầu năm 2013 mức thâm hụt xấp xỉ 2 tỉ USD, nhưng thặng dư cán cân vốn còn rất lớn. Dự kiến cả năm 2013 thặng dư cán cân thanh toán quốc tế vẫn dương 5 tỉ USD. Ngoài ra một yếu tố khác là lạm phát đang rất thấp, dự đoán chỉ khoảng 5,5% cả năm. Một yếu tố thuận lợi nữa là sau đợt dịch chuyển tài sản vừa rồi, các NH sẽ duy trì khả năng cân bằng.

Hơn nữa vốn ngoại tệ đang dư thừa lớn, hiện các NH đang duy trì tiền gửi ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc tại NH Nhà nước đến trên 400 triệu USD, thậm chí nhiều NH dư thừa vốn ngoại tệ buộc phải gửi ra nước ngoài khoảng 2,5 tỉ USD với LS rất thấp. Như vậy, xét trên các yếu tố vừa kể có thể thấy sức ép buộc NH Nhà nước phải tăng tỉ giá trong thời gian tới gần như không còn.

* Theo ông, việc điều chỉnh tỉ giá nên như thế nào để tránh những tác động không đáng có tới thị trường như thời gian qua?

- Theo tôi, NH Nhà nước nên công bố định hướng tỉ giá ngay từ đầu năm, chẳng hạn năm nay sẽ tăng khoảng 2%, sau đó dựa trên định hướng này điều chỉnh theo kiểu “bò trườn”, tức tăng từng tí sao cho khớp với mức đã định hướng ngay từ đầu năm.

Về phía người dân cũng không nên quá lo ngại. Giai đoạn hiện nay ưu tiên lớn nhất của Chính phủ và NH Nhà nước là giữ ổn định tỉ giá để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cũng từ mục tiêu ưu tiên này, NH Nhà nước sẽ có các chính sách nhằm khuyến khích người dân giữ VND. Tất nhiên cũng có ý kiến cho rằng nên tăng tỉ giá để khuyến khích xuất khẩu nhưng theo tôi, đó không phải là mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn hiện nay

* Ông đánh giá thế nào về động thái phát hành tín phiếu để hút tiền về của NH Nhà nước?

- Trong thời gian qua NH Nhà nước đã bán ra khá nhiều USD để cân bằng thị trường, qua đó hút khá nhiều VND vào hệ thống nhưng cũng có thể do tốc độ giảm LS tương đối nhanh, NH Nhà nước lo ngại sẽ có những tác động nhất định đến lạm phát, đặc biệt khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bắt đầu có hiện tượng dò đáy. Tôi cho rằng các động thái vừa qua của NH Nhà nước nhằm đề phòng khả năng có một tác động nào đó đến CPI trong những tháng cuối năm, nên tạm thời phải rút tiền về để tránh áp lực lên tỉ giá.

Về giải pháp phát hành tín phiếu của NH Nhà nước thay vì tăng dự trữ bắt buộc, tôi cho là giải pháp mang tính chất ngắn hạn với tình trạng dư thừa tiền đồng như hiện nay. Cũng có thể NH Nhà nước muốn duy trì dự trữ bắt buộc như hiện tại chứ chưa muốn điều chỉnh. Trên thế giới, việc phát hành tín phiếu là bất đắc dĩ và ít NH trung ương nào sử dụng. Thay vào đó, họ thường sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc vì công cụ này có tác động mạnh và dài hạn hơn.

* Vietcombank vừa giảm LS huy động về mức 5%/năm. Theo ông, liệu đây có phải là dấu hiệu của một đợt giảm LS mới?

- Theo tôi, động thái giảm LS của Vietcombank căn cứ vào hai chỉ số quan trọng, thứ nhất là chỉ số lạm phát trong những tháng tới dự kiến rất thấp vì sáu tháng đầu năm mới chỉ 2,4%. Nếu cả năm gấp đôi con số này cũng chỉ trên dưới 5%. Bên cạnh đó LS đang có chiều hướng đi xuống, nhất là NH quốc doanh có giá vốn tương đối thấp do có các khoản tiền gửi giá rẻ như tiền gửi kho bạc nhà nước, công ty bảo hiểm, kể cả bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi thanh toán của các tập đoàn lớn. Như vậy họ có thể giảm LS huy động để tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả của các danh mục đầu tư, tín dụng.

Sau động thái giảm LS của Vietcombank, theo tôi, mặt bằng LS có thể tiếp tục giảm nhưng mức giảm sẽ không nhiều. Bởi lẽ LS huy động 5%/năm là một mức khá ưu việt trong điều kiện hiện tại. Nhưng cuộc cạnh tranh cho vay tới đây sẽ rất khốc liệt vì các NH lớn có ưu thế hơn hẳn với vốn rẻ và khách hàng tốt trong tay. Theo tôi, LS cho vay thời gian tới sẽ còn giảm xuống mức 8%/năm với cho vay ngắn hạn và 10% với vay dài hạn.

Ngân hàng mua bán USD theo giá niêm yết

Cuối tuần qua, giá USD mua vào của các NH lớn dao động 21.190-21.210 đồng/USD. Giá bán USD tại các NH vẫn giữ ở mức trần 21.246 đồng/USD nhưng theo các NH, nguồn cung ngoại tệ đã không còn căng thẳng như thời gian trước.

Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một NH lớn cho biết một tuần trước vẫn phải thu phí khi bán USD với mức 150-200 đồng/USD, nhưng đến nay đã có thể bán cho doanh nghiệp theo đúng giá niêm yết. Cá nhân có nhu cầu mua ngoại tệ phục vụ việc du lịch, du học, khám chữa bệnh ở nước ngoài cũng được đáp ứng.

Cuối tuần qua, trong vai người có nhu cầu mua ngoại tệ để chuyển tiền du học tại chi nhánh của một số NH lớn, PV được báo theo đúng giá niêm yết và không phải trả thêm phí.

Giá USD tự do ngày 14-7 chỉ còn xoay quanh 21.500 đồng/USD, giảm khoảng 400 đồng/USD so với mức đỉnh của tuần trước. Giá mua USD tại thị trường tự do 21.400-21.450 đồng/USD.

TS Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM):

Cần chú trọng việc công bố thông tin

Đợt sốt USD vừa rồi, theo tôi, là vô lý nếu xét về cung cầu vì nguồn cung ngoại tệ lớn hơn cầu rất nhiều, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân thực rất cao, lên đến 5,7 tỉ USD, kiều hối tăng nhẹ, thâm hụt cán cân thương mại không nhiều và ngoại tệ dự trữ tăng của NH Nhà nước lên đến 14-16 tuần nhập khẩu.

Khác với những lần trước, lần điều chỉnh tỉ giá này NH Nhà nước hoàn toàn chủ động, mức điều chỉnh không lớn, chỉ 1% và được xem xét cẩn thận dựa trên cán cân thanh toán, tình hình thị trường và mục tiêu giữ ổn định giá trị VND. Tuy nhiên, thị trường vẫn sốt vì bị yếu tố tâm lý cộng với hàng loạt thông tin suy đoán theo hướng bất lợi cho tỉ giá cùng phát ra.

Giữa lúc có hàng loạt biến động như tăng tỉ giá 1%, thị trường vàng biến động mạnh, NH Nhà nước giảm LS ngắn hạn VND, các thông tin trên tạo sức ép tâm lý rất mạnh. Ở vai trò nhà điều hành, tiếc rằng công tác công bố thông tin chưa tốt.

Lẽ ra trước khi điều chỉnh tỉ giá, NH Nhà nước nên làm công tác tư tưởng thông qua việc công bố rõ số liệu cụ thể, giải thích rõ ràng. Thế nhưng công tác này không được chú trọng, các thông tin liên quan chỉ được công bố sau khi đã điều chỉnh tỉ giá và độ phủ sóng không mạnh.

Do vậy, lực lượng đầu cơ lập tức tận dụng cơ hội đẩy giá USD lên. Chỉ sau khi NH Nhà nước mời lãnh đạo 14 NH lớn đến yêu cầu chấp hành các quy định về tỉ giá, diễn biến thị trường mới thay đổi.

Như vậy, ở đây kinh nghiệm cần rút ra là ngoài công tác thông tin, NH Nhà nước cũng phải chú trọng đến quản trị điều hành các NH thương mại, nếu cần có thể huy động lực lượng công an vào cuộc dẹp đầu cơ trên thị trường tự do như đã làm một năm rưỡi trước.

Đừng hành động quá đột ngột sẽ tạo đất cho đầu cơ lợi dụng. Cần lưu ý là lực lượng đầu cơ trên thị trường rất nhạy, chỉ cần có tin đồn là đẩy giá, vì vậy công bố thông tin của NH Nhà nước phải mạnh hơn mới có thể thổi dạt được lực lượng đầu cơ.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên