24/07/2013 19:56 GMT+7

"Bóng hồng" hiếm hoi của ngành ôtô Mỹ

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TTO - Nữ giám đốc sản xuất đầu tiên Hãng ôtô General Motors - bà Mary Barra đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành “nữ tướng” đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp "không dành cho phái yếu".

jwP6iQ5v.jpgPhóng to
Bà Mary Barra nhiều khả năng sẽ trở thành “nữ tướng” đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô - Ảnh: Automotive

Vị thế của nhà lãnh đạo 51 tuổi này ngày càng vững chãi hơn, khi bà thể hiện được hiệu suất kinh doanh khả quan, đặc biệt sau gia đoạn GM đứng trước nguy cơ phá sản cách đây 3 năm. Phong cách yên lặng, ít nói nhưng bà có tư duy phân tích sâu sắc.

Ứng cử viên nặng ký

Với vị trí phó chủ tịch cấp cao phát triển sản phẩm toàn cầu, bà Mary Barra giám sát một ngân sách khổng lồ 15 tỉ USD với 29.000 nhân viên tại 5 châu lục, phụ trách thiết kế và phát triển các mẫu xe bán tại 130 quốc gia. Vai trò của bà được đánh giá có tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của tập toàn trong một thập kỷ tới.

Ngoài ra, bà còn là người lên kế hoạch giúp GM tăng lợi nhuận toàn cầu để cạnh tranh với Volkswagen và Toyota.

Theo Automotive, Barra đang đi theo con đường của Billy Durant - nhà sáng lập thương hiệu GM cách đây 140 năm. Đó là cắt giảm chi phí phát triển bằng cách khéo léo mở rộng dòng sản phẩm xe hơi và xe tải sử dụng chung thiết kế lõi... Đồng thời tránh đi lại vết xe đổ của hãng những năm 1970-1980, khi GM bị chỉ trích vì tung ra các thiết kế Chevy, Cadillac và Oldsmobile hao hao như nhau nhằm tiết kiệm ngân sách.

Bà Barra đã gắn bó với GM 33 năm, từ năm 1980 khi còn là sinh viên Học viện GM tại Flint, Michigan. Sau đó nhận công việc chính thức đầu tiên với vai trò kỹ sư nhà máy tại Pontiac Motor Division thuộc GM - nơi cha của bà đã làm việc 39 năm. Thời điểm đó có rất ít phụ nữ làm việc trong nhà máy và nữ nhân viên 18 tuổi lại càng là trường hợp hiếm hoi. Bà Barra nhớ lại: "Đó là một môi trường khắc nghiệt".

Thế nhưng Barra sau đó đã được GM đề xuất tham gia chương trình đào tạo nhân viên tiềm năng và trao cho bà học bổng MBA tại Đại học Stanford Graduate School of Business. Barra trở thành trợ lý cho CEO Jack Smith.

Không có nhiều khác biệt giữa Chevy Cavalier và Cadillac Cimarron - chiếc xe bị tạp chí Time liệt vào danh sách 50 xe hơi xấu nhất mọi thời đại.

Năm 2010, GM có đến 30 tiêu chuẩn (platform) sản xuất. Bà Barra cho biết GM đang trên đà giảm con số này còn lại 10 vào năm 2020, đồng nghĩa với việc cắt giảm 1 tỉ USD/năm. GM có thể tiết kiệm được thêm 1 tỉ USD bằng cách tránh việc khởi động rồi dừng các dự án phát triển gây thất thoát nguồn chi phí.

Bên cạnh đó, bà cũng tinh gọn các cấp quản lý. GM thường sử dụng 3 giám đốc điều hành giám sát quá trình phát triển của mỗi loại xe nhưng đến tháng 7-2013 bà cắt giảm còn 1. Đồng thời "tấn công" vào bộ máy quan liêu của GM, cắt giảm 90% các báo cáo nhân sự và thu hẹp chính sách nhân sự đến 80%.

Trao quyền lực cho nhân viên

Sự nghiệp cấp cao của bà Barra bắt đầu vào năm 2009 sau khi được CEO - lúc bấy giờ là ông Fritz Henderson - bổ nhiệm vào bộ phận nhân sự, để bà tạo điều kiện phát triển một thế hệ lãnh đạo mới, đưa tập đoàn hồi sinh từ bờ vực sụp đổ.

Barra cố gắng xây dựng một môi trường có thể phát huy tối đa năng lực của tất cả thành viên. “Bà tin rằng lãnh đạo nhân viên phải bằng con đường thuyết phục chứ không phải bằng quyền lực. Có một nền văn hóa trong quá khứ, nơi quy định là quy định và khi bạn không được trao quyền để ra quyết định, bạn có thể sẽ luôn miệng phàn nàn về các quy định đó. Nhưng nay, chúng tôi đã thực sự trao quyền cho mọi nhân viên".

Bà cho phép nhân viên mặc quần jean đi làm. "Chính sách đồng phục của chúng tôi là trang phục phải phù hợp" theo đề nghị của phần lớn nhân viên. Theo bà, đó không phải là vấn đề thời trang. Barra nhìn việc thay đổi đồng phục như một cơ hội để trao quyền cho các nhân viên.

Tạp chí Fortune dẫn lời ông Dan Akerson - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc GM - nhận xét về bà Barra: "Một nhà lãnh đạo giỏi, mạnh mẽ, có khả năng tạo nên sự thay đổi, hiểu biết chi tiết mọi việc, từ chuyện nhỏ nhất tại nhà máy, thiết kế sản phẩm đến chuyện cơ cấu nhân sự trong hội đồng quản trị".

Thậm chí ông còn tin rằng trong giai đoạn thay đổi mang tính cơ cấu thì "phụ nữ kiểm soát và xử lý quá trình thay đổi tốt hơn đàn ông".

Theo Business Week, Automotive

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên