24/07/2023 11:57 GMT+7

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 6: Đời cầu thủ đâu chỉ quanh quả bóng

Với thân hình thon thả và nụ cười tươi tắn quen thuộc, Đỗ Thị Ngọc Châm thu hút ánh nhìn mọi nơi khi cô khoác trên mình màu áo cầu thủ, bộ suit công sở hay chiếc áo đầy màu sắc của một HLV bóng đá cộng đồng.

Ngọc Châm cùng các học trò nhỏ ở trung tâm bóng đá cộng đồng do cô thành lập - Ảnh: ĐỨC KHUÊ

Ngọc Châm cùng các học trò nhỏ ở trung tâm bóng đá cộng đồng do cô thành lập - Ảnh: ĐỨC KHUÊ

Đa tài như Ngọc Châm

Trong dòng chảy lịch sử bóng đá, cái tên Đỗ Thị Ngọc Châm nằm ở khoảng giữa. Cô là tiền bối của thế hệ các cô gái giành vé dự World Cup hiện tại và là đàn em của những nữ cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng nếu nói về một bộ mặt bóng đá nữ thời đại mới, Ngọc Châm chính là cái tên cần được nhắc đến đầu tiên.

Đoạt Quả bóng vàng 2008, Ngọc Châm được đánh giá là một trong những chân sút cự phách nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Và trong ký ức của người hâm mộ, hình ảnh cô gái Hà Nội duyên dáng rạng rỡ nâng cao danh hiệu cá nhân cao quý 15 năm trước có lẽ vẫn còn chưa phai nhạt. Một nữ tiền đạo tài sắc vẹn toàn, và còn là một "nữ cường" của giới thể thao.

Vì những chấn thương liên miên, Ngọc Châm dừng sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 25 vào năm 2010. Ngay sau đó, cô lấy bằng tốt nghiệp tại Trường đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và bước vào cuộc đời hậu cầu thủ đầy sôi động.

Có tài, có sắc vóc, có cả khả năng ăn nói, Ngọc Châm mạnh dạn thử sức ở những lĩnh vực mà xưa nay hiếm VĐV thể thao, đặc biệt là cầu thủ nữ, nào lại nghĩ đến. Cô tham gia làm bình luận viên, MC bóng đá trên nhiều kênh truyền hình. 

Kế đó, Ngọc Châm thi tuyển vào sân bay quốc tế Nội Bài và có một thời gian khá dài công tác ở đây. Cô thậm chí còn cộng tác viết nhiều bài báo với bút danh NC. Năm 2011, Ngọc Châm lọt vào danh sách ứng cử vào Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016 và là cầu thủ bóng đá đầu tiên nhận được vinh dự này.

Và tất nhiên, không thể không kể đến giai đoạn Ngọc Châm theo đuổi công việc HLV, với chức danh trợ lý ở CLB Hà Nội một thời gian, rồi sau đó lại tiếp tục mở một trung tâm bóng đá cộng đồng. Vài năm gần đây, người hâm mộ thường xuyên thấy Ngọc Châm xuất hiện với vai trò khách mời trong các sự kiện liên quan đến bóng đá nữ.

Hiếm có VĐV nữ nào ở Việt Nam lại khiến giới báo chí tốn nhiều bút mực đến vậy khi… mô tả về lý lịch đời hậu sự nghiệp thi đấu. Ngọc Châm là một trường hợp thực sự quá đặc biệt của bóng đá. 

Về học vấn, cô giỏi giang khi ngoài trường đại học thể dục thể thao còn có thêm bằng tốt nghiệp của Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, bằng C HLV bóng đá và bằng sơ cấp báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Về gia đình, cô có một cậu con trai kháu khỉnh để đủ việc bận rộn lo toan với trách nhiệm làm mẹ. Và về công việc, Ngọc Châm đã thử sức với hầu như mọi lĩnh vực liên quan bóng đá.

"Với tôi, tôi vẫn tự tin rằng mình chỉ đẹp nhất khi ra sân đá bóng. Nhờ có bóng đá mà mình được hỗ trợ với công việc MC, bình luận viên... Ban đầu làm những công việc này thì tôi rất ngại, thiếu tự tin. 

Nhưng càng làm nhiều, gặp gỡ nhiều thì tôi càng đỡ bỡ ngỡ. Bóng đá cũng giúp tôi có chuyên môn để làm bình luận viên. Lúc ra sân đá bóng thì tôi thấy mình rất mạnh mẽ. Nhưng lúc được lên hình thì lại rất nữ tính", Ngọc Châm chia sẻ khi được hỏi về ngoại hình ưa nhìn của mình.

Tiền đạo Phạm Hải Yến mặc áo cử nhân trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: N.K

Tiền đạo Phạm Hải Yến mặc áo cử nhân trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: N.K

Nâng cao đường học vấn

Hình ảnh của các cô gái đá bóng đã dần thay đổi từ câu chuyện của Ngọc Châm - khi một nữ cầu thủ cho thấy họ có thể cân bằng giữa đam mê quả bóng tròn, việc học và rất nhiều công việc liên quan đến bóng đá khác trong cuộc sống. Nhiều năm trời cầu thủ nữ bị đóng khung trong hình ảnh "nghèo khổ", không thể làm gì khác sau khi giải nghệ vì gia cảnh, vì ít học, và vì cả kinh nghiệm sống vốn chỉ quanh quẩn sân bóng.

Dần theo năm tháng, việc học đã khiến cuộc đời các cô gái quần đùi áo số sang trang. Các HLV không còn chỉ biết thôi thúc những cô học trò trẻ tuổi của mình ra sân nữa. Thêm vào đó, họ tư vấn để những nữ cầu thủ có tương lai thuận lợi hơn. Huỳnh Thị Thanh Khiết - người nổi tiếng với việc đi lên từ đời cầu thủ rồi trở thành HLV futsal nữ đầu tiên của Việt Nam - chia sẻ:

"Hồi đó, thầy Phương (Trịnh Công Phương, từng làm phó chủ nhiệm Tao Đàn, HLV thể lực cho CLB TP.HCM) cho tôi đi học. Giữa chuyện học và tập mình phải ráng vì làm hai chuyện một lúc mệt lắm. Nếu cầu thủ không có ý chí tốt sẽ không bao giờ học được đâu. Cầu thủ tập chuyên nghiệp sau một ngày chỉ muốn ăn và ngủ thôi, để còn dành sức khỏe hồi phục cho hôm sau tập tiếp.

Có lần tôi bỏ cuộc, cũng buồn lắm vì mình không làm được, không chịu được cái mệt khi vừa đá bóng vừa đi học. Thầy Phương mới gọi ra giải thích cho: giờ con không chịu học thì sau khi đá bóng về con không thể làm gì hết. Con về suy nghĩ đi rồi quyết định tương lai của con sẽ như thế nào. Bây giờ nhìn lại, tôi biết ơn thầy vô cùng".

Thanh Khiết, Ngọc Châm trở thành những trường hợp bảo chứng cho vai trò của học vấn với đời cầu thủ. Cả hai đều có sự nghiệp đỉnh cao khá ngắn ngủi, và nhờ kiên trì học tập mà họ đều thành công. Còn những người vốn đã viên mãn sự nghiệp như Kim Chi, Kim Hồng, Lưu Ngọc Mai càng tiến xa hơn trên đường HLV nhờ có bằng đại học. Ngày nay, chuyện có bằng đại học không còn xa lạ với thế hệ bóng đá nữ đàn em nữa.

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 6: Đời cầu thủ đâu chỉ quanh quả bóng - Ảnh 4.

Một số cầu thủ như tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy của TP.HCM còn mạnh dạn chọn ngành học ngoài thể thao. Cô hiện là sinh viên vừa xong năm học đầu tiên ở ngành quản trị kinh doanh của Trường đại học Hoa Sen, ấp ủ một kế hoạch về công việc quản lý thể thao - vốn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Bất chấp lịch thi đấu và tập luyện dày đặc, việc học của Bích Thùy vẫn đang tiến triển tốt dưới hình thức học trực tuyến.

Theo dòng thời gian, bóng đá nữ đã lột xác hoàn toàn. Đó không chỉ là câu chuyện của tấm vé dự World Cup, của những khoản tiền thưởng khổng lồ, mà là ở chính hình ảnh của các cô gái quần đùi áo số. Ngày nay, người hâm mộ có thể nhìn thấy hình ảnh các cô gái bóng đá nữ trên áp phích quảng cáo khổng lồ, trên bìa tạp chí thời trang, hay tự mình kinh doanh nhiều lĩnh vực…

Một khi có kiến thức, cuộc đời cầu thủ nữ liền rộng mở. Ngay như Huỳnh Như, người tỏa sáng rực rỡ khi sang Bồ Đào Nha thi đấu cũng một phần nhờ vào việc học ngoại ngữ.

Đã xa rồi cái thời những bài viết về cầu thủ nữ chỉ loanh quanh đề tài than nghèo, kể khổ…

11/23 tuyển thủ học đại học

Trong số 23 cầu thủ dự World Cup nữ 2023, có 11 cầu thủ đã và đang học đại học. Trong số này, Huỳnh Như, thủ môn Trần Thị Kim Thanh và hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh đang học tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Nguyễn Thị Bích Thùy học tại Trường đại học Hoa Sen. Còn Trần Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Phạm Hải Yến, Thái Thị Thảo, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, Trần Thị Hải Linh học tại trường đại học thể dục thể thao. Trong đó Thùy Trang, Tuyết Dung, Hải Yến đã tốt nghiệp.

---------------

Có thể nói lần đầu tiên tham dự VCK World Cup nữ tại New Zealand, Huỳnh Như và đồng đội đã sống trong trái tim của kiều bào Việt xa xứ.

Kỳ tới: Tuyển nữ Việt Nam trong trái tim kiều bào

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 5: Nơi khởi nguồn giấc mơ World CupBóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 5: Nơi khởi nguồn giấc mơ World Cup

Sau hàng giờ trò chuyện bên một góc khán đài sân Tao Đàn, cựu nữ danh thủ - nay là HLV đội bóng đá nữ trẻ TP.HCM Lưu Ngọc Mai nói: "Phải chi mình được trẻ lại, cũng muốn một lần đá World Cup cho biết".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên