13/03/2016 08:51 GMT+7

Bỏ phiếu giới thiệu chức danh lãnh đạo chủ chốt Nhà nước

TTXVN
TTXVN

TT - Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc chiều 12-3 sau ba ngày làm việc. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc hội nghị.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị trung ương lần thứ hai - Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị trung ương lần thứ hai - Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, các ủy viên Trung ương Đảng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các tờ trình, báo cáo và các nội dung của hội nghị. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành trung ương đã thống nhất cao thông qua nghị quyết của hội nghị. 

Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước ta với số phiếu tập trung rất cao, đồng thời Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật
Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết

Về chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành trung ương khóa XII, trung ương cơ bản tán thành với tờ trình và dự thảo chương trình làm việc, cho rằng dự thảo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; nội dung khá toàn diện, cơ bản thể hiện được chủ đề, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ trọng tâm do nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra.

Những vấn đề đưa vào chương trình toàn khóa là những vấn đề quan trọng và cần thiết nhất, nhằm tập trung thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trung ương nhấn mạnh việc xác định nội dung chương trình toàn khóa cần bám sát nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XII, tập trung cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm và những vấn đề thực tiễn bức thiết đặt ra, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết những khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu như: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị thật sự vững mạnh; tinh giản biên chế ở khu vực sự nghiệp công; làm tốt công tác cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tùy tình hình cụ thể, Bộ Chính trị cần xem xét, cân nhắc để kịp thời có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Những vấn đề lớn, quan trọng đã được xác định rõ về chủ trương, định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XII và các nghị quyết của các khóa trước vẫn còn giá trị, hiệu lực sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoặc định kỳ sơ kết, tổng kết, ban hành kết luận; không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết; nghị quyết phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian thực hiện.

Nâng cao tính khả thi của kế hoạch đầu tư phát triển

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Ban Chấp hành trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cải cách khu vực sự nghiệp công; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các đột phá chiến lược.

Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý tình hình bội chi ngân sách cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu ngân hàng còn lớn, nợ công tăng cao; giá dầu thế giới tiếp tục biến động khó dự báo, thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn so với trước; tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta sớm và gay gắt hơn so với dự báo, gây ra ngập mặn nặng ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán lớn ở Nam Trung bộ và Tây nguyên; tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông ở các thành phố, đô thị lớn.

Hội nghị nhất trí khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của việc lần đầu tiên sau 30 năm đổi mới, chúng ta xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, coi đây là bước đổi mới công tác kế hoạch hóa các nguồn lực tài chính quốc gia phù hợp với kinh tế thị trường, nâng cao tính sát hợp, khả thi của kế hoạch đầu tư phát triển và hiệu quả đầu tư công.

Xây dựng, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công trung hạn lần này, sẽ chuyển từ cân đối vốn đầu tư hằng năm sang cân đối vốn trong 5 năm ở cả tầm quốc gia và các cấp ngân sách nhà nước, để ngay từ đầu nhiệm kỳ có được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối vốn ngân sách nhà nước trong 5 năm 2016-2020.

Tạo điều kiện để các bộ, ngành trung ương và địa phương sớm xác định được tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của mình, chủ động phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất trong 5 năm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; xử lý cơ bản tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước vốn kế hoạch quá lớn trong thời gian qua. 

Kiện toàn chức danh lãnh đạo tại kỳ họp Quốc hội

Ban Chấp hành trung ương khẳng định cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng; nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị lần này, theo quy chế làm việc, trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước ta với số phiếu tập trung rất cao, đồng thời Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước.

“Có thể nói đây là một bước quan trọng trong việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ này và cho chúng ta thêm kinh nghiệm để tiến hành các bước tiếp theo” - Tổng bí thư phát biểu.

Sau hội nghị này, cùng với việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự cấp cao tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sẽ tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, các ban cán sự Đảng và Đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên