Thí sinh tại điểm thi THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) kiểm tra tên và số phòng để vào làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau một ngày Bộ GD-ĐT báo cáo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề xử lý gian lận thi cử và chấn chỉnh kỳ thi THPT quốc gia, ủy ban dự kiến có kiến nghị bằng văn bản gửi Bộ GD-ĐT về việc này.
Điều mong muốn nhất của các thành viên ủy ban là cần phải có căn cứ pháp lý để xử lý ngay những trường hợp gian lận.
Đề nghị hủy bài thi nâng điểm trong quy chế 2019
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết: Ủy ban đề nghị Bộ GD-ĐT phải sửa quy chế thi THPT quốc gia năm 2019.
Cụ thể, quan điểm của ủy ban là "hủy kết quả bài thi khi phát hiện có sự can thiệp của phụ huynh hoặc người thân để sửa điểm, nâng điểm".
"Phải đưa vào quy chế nội dung này ngay trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay để những ai còn có ý định can thiệp gian lận điểm thi thấy sợ mà dừng lại" - ông Phan Thanh Bình cho biết.
Với vụ gian lận năm 2018, việc thiếu cơ sở pháp lý là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc lúng túng, để kéo dài khi xử lý hậu quả gian lận thi đối với những thí sinh của Sơn La, Hòa Bình trong tình huống kết quả điều tra công bố muộn, thí sinh đã nhập học.
Tại cuộc họp báo gần đây nhất của Bộ GD-ĐT diễn ra trong tháng 3-2019, trả lời báo chí về việc bộ có điều chỉnh quy chế để có căn cứ pháp lý xử lý hậu quả gian lận xảy ra như ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình không, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - cho rằng quy chế chỉ quy định chung, còn các tình huống diễn ra trong thực tiễn thì đa dạng. Nên khi có những tình huống phát sinh từ thực tế, Bộ GD-ĐT mới có thể rà soát, điều chỉnh quy định.
Hiện tại, quy chế thi THPT năm 2019 đã ban hành. Tuy đã có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung so với quy chế năm 2018, nhưng vẫn chưa quy định rõ ràng vấn đề xử lý kết quả thi của thí sinh khi phát hiện có gian lận ở khâu chấm thi.
Về điều này, ông Phan Thanh Bình bày tỏ quan điểm "đề cao tính hiệu quả của văn bản pháp lý". Vì thế khi tình huống thực tế cho thấy cần phải có quy định rõ ràng, mạnh mẽ hơn về xử lý với kết quả thi của thí sinh có sự can thiệp nâng điểm thì cần phải điều chỉnh ngay trong năm nay chứ không để một năm nữa mới xem xét.
Công an tỉnh Hà Giang đọc quyết định khởi tố ông Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, do liên quan vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: Công an cung cấp
Bộ GD-ĐT phải hoàn thiện báo cáo về kỳ thi THPT quốc gia
Báo cáo của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT năm 2018 trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tóm tắt thông tin về gian lận thi cử và diễn biến xử lý gian lận cho tới thời điểm này.
Tại báo cáo, Bộ GD-ĐT cho biết có 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm chuẩn, các thí sinh này đã nhập học nên trước mắt vẫn để tiếp tục theo học. Trong kết luận tiếp theo của cơ quan điều tra, nếu thí sinh nào có tham gia quá trình gian lận thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ GD-ĐT cho biết quan điểm của bộ là không dung túng cho hành vi sai phạm. Trong khi cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của những người liên quan tới vụ gian lận, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành GD-ĐT có hành vi gian lận điểm cho con em mình, cương quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định kỳ thi năm 2019 cơ bản giữ ổn định như năm trước, nhưng sẽ điều chỉnh, bổ sung các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập.
Về báo cáo này, nhiều ý kiến thành viên ủy ban đã đề nghị Bộ GD-ĐT cần rà soát, thống kê, phân tích rõ dữ liệu về các thí sinh có liên quan đến sửa điểm: ai được sửa điểm, điểm sửa bao nhiêu, vẫn được tiếp tục học đại học hay bị buộc thôi học rồi...
Tại cuộc họp, sau các ý kiến góp ý, ủy ban đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo cho cuộc họp sắp tới của ủy ban vào tháng 6-2019. Báo cáo hoàn thiện không chỉ giúp các thành viên ủy ban nắm được đầy đủ vấn đề, mà còn giúp để cung cấp thông tin cần thiết đến cử tri về vụ gian lận thi đang rất được dư luận quan tâm này.
Phải có quy định để xử lý ngay
Ông Phan Thanh Bình chia sẻ "rất băn khoăn trường hợp 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học". Theo ông thì với các căn cứ pháp lý ở thời điểm hiện tại, nếu xử lý theo hướng hủy kết quả thi sẽ khó và phải chờ cơ quan công an điều tra tiếp. Nếu xác định thí sinh có tham gia quá trình gian lận thì mới xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng nếu có quy định rõ ràng trong quy chế thi thì việc này sẽ dễ xử lý.
Ông Phan Viết Lượng - thường trực ủy ban - cũng cho rằng Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu sửa đổi quy chế vì cứ như hiện nay, dù đã phát hiện tiêu cực thi cử, nhưng ngay với xử lý thí sinh cũng còn đang lúng túng, chưa thật nhanh, chưa đồng bộ khiến dư luận băn khoăn. Việc sửa phải quy định rõ "khi phát hiện và xác định phụ huynh có can thiệp với việc sửa điểm của học sinh thì điểm thi đó phải được xử lý thế nào?". Và đây là việc cần làm ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận