30/11/2013 08:01 GMT+7

Bình Nhưỡng tái khởi động lò phản ứng hạt nhân?

TRẦN PHƯƠNG - ANH DUY
TRẦN PHƯƠNG - ANH DUY

TT - Ngày 28-11, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết họ phát hiện hơi nước và nước tại khu vực lò phản ứng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng có thể khởi động lại cơ sở này.

Triều Tiên “tái khởi động lò phản ứng hạt nhân”

rwN5biwM.jpgPhóng to
Ảnh chụp khu lò phản ứng Yongbyon - Ảnh: AFP

Các dấu hiệu được ghi lại trong ảnh chụp vệ tinh tại khu vực lò phản ứng Yongbyon. “Các hoạt động quan sát được cho thấy rõ nỗ lực khởi động lại lò phản ứng - Reuters dẫn lời tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano - Tuy nhiên chúng tôi không được tiếp cận khu vực này nên không thể xác định liệu lò phản ứng đã được tái kích hoạt hay chưa”.

Lò phản ứng này đã ngưng hoạt động trong nhiều năm sau khi Bình Nhưỡng phá bỏ tháp làm mát năm 2008 để bày tỏ thiện chí khi tham gia đàm phán cùng Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Nga.

Trước đó, Viện Mỹ- Hàn thuộc Trường John Hopkins cũng đưa ra phán đoán tương tự khi phát hiện có hoạt động tại khu chứa các động cơ hơi nước của lò phản ứng.

Hồi tháng 4-2013, Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ khôi phục lò phản ứng ở khu phức hợp Yongbyon, được đánh giá có khả năng tạo ra plutonium để sản xuất bom hạt nhân. Các chuyên gia khi đó ước tính Bình Nhưỡng sẽ cần khoảng nửa năm để làm điều này nếu lò phản ứng không bị hư hại gì trong quá trình ngừng hoạt động.

Tiếp đó vào tháng 7-2013, nước này khẳng định không từ bỏ hạt nhân cho đến khi Washington chấm dứt thái độ thù địch. Bình Nhưỡng khẳng định mục đích chương trình hạt nhân là để phòng vệ.

* Trong động thái nhằm thực hiện các cam kết đạt được với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân tại Geneva chiều 28-11, ông Yukiya Amano xác nhận Iran đã mời các chuyên gia của IAEA đến thanh sát Nhà máy nước nặng Arak vào ngày 8-12.

Theo AP, Nhà máy Arak là địa điểm mà nhóm P5+1 dự đoán có thể sản xuất lượng plutonium làm giàu đủ chế tạo trung bình hai vũ khí nguyên tử mỗi năm khi hoàn thành. Trước đó, các nhân viên của IAEA từng được Teheran cho thanh sát các lò phản ứng nhưng từ chối cho tiếp cận Arak từ năm 2011. Việc “che đậy” của Iran tại một số địa điểm như Nhà máy Arak là nguyên nhân chính khiến căng thẳng giữa P5+1 và nước này tăng cao.

Sau thỏa thuận bước đầu đạt được, theo Reuters ngày 29-11, các doanh nghiệp châu Âu rất hào hứng với một thị trường đầy tiềm năng trị giá nhiều tỉ USD của Iran. Tổng giám đốc Tập đoàn khai thác dầu Lukoil của Nga hôm qua cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Iran một khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

TRẦN PHƯƠNG - ANH DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên