16/01/2018 09:45 GMT+7

Biên chế không giảm mà còn phình ra, phải làm sao?

KHƯƠNG XUÂN - NGỌC HÀ thực hiện
KHƯƠNG XUÂN - NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Nhiều năm thực hiện tinh giản biên chế, nhưng biên chế không những không giảm mà còn phình ra, tăng gánh nặng cho ngân sách. Tương lai của mục tiêu này sẽ ra sao?

Biên chế không giảm mà còn phình ra, phải làm sao? - Ảnh 1.

Sắp tới các ngành thuế (ảnh), thống kê, kho bạc... sẽ thực hiện sắp xếp lại theo liên tỉnh, liên huyện. Trong ảnh: cán bộ Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM hỗ trợ người nộp thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được làm tăng thêm đầu mối và biên chế. Trường hợp đặc biệt nếu thành lập một đơn vị cấp vụ hoặc tương đương thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị

Ông THÁI QUANG TOẢN

Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị trung ương 6 đã đưa ra nhiều biện pháp sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, từ bộ máy của hệ thống chính trị đến các đơn vị sự nghiệp công. Liệu kết quả của lần thực hiện này có khác biệt so với trước? 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Quang Toản, vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế Bộ Nội vụ, cho biết:

- Giảm "cấp hàm", sáp nhập các tổ chức liên ngành về các bộ, như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao về Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giao về Bộ Giáo dục - đào tạo... là hướng trong thời gian tới.

Biên chế không giảm mà còn phình ra, phải làm sao? - Ảnh 3.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Giảm cấp "hàm"

* Thời gian qua, dư luận xôn xao ở một số cơ quan trung ương có tình trạng lạm phát cấp phó, hàm vụ trưởng, hàm vụ phó... Bất cập này đã có hướng giải quyết chưa, thưa ông?

- Tất cả các cục, vụ phải thực hiện nghiêm số lượng cấp phó. Căn cứ vào tiêu chí, nguyên tắc chung, bộ, ngành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng cấp phó và người giữ "hàm" lãnh đạo, quản lý. Theo quy định hiện nay mỗi đơn vị chỉ được phép có tối đa không quá 3 vụ phó, cục phó...

Phụ cấp cho vị trí "hàm vụ trưởng", "hàm vụ phó" sẽ được hưởng cho đến hết thời gian của quyết định bổ nhiệm các chức vụ này từ trước. Sau đó sẽ phải thực hiện nghiêm quy định hiện hành.

* Kết quả cụ thể của việc thu gọn đầu mối, sắp xếp lại bộ máy bên trong các bộ được thực hiện ra sao trong thời gian qua, thưa ông?

- Hiện tại đã giảm được 11 vụ thuộc bộ, 56 phòng thuộc vụ so với thời điểm trước tháng

10-2017. Đáng kể nhất là Bộ Công thương giảm được 5 đơn vị, trong đó giảm được cả Tổng cục Năng lượng.

Chẳng hạn, trong một cơ quan thuộc bộ mà có các bộ phận như văn phòng, kế hoạch tài chính, hậu cần, chính trị, công tác Đảng, công đoàn... thì các bộ phận đó sau này sẽ phải giảm đi, chỉ còn một đầu mối.

* Là cơ quan thẩm định các đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đánh giá mức độ giảm đầu mối đã đạt được mục tiêu đề ra chưa?

- Đúng là kết quả này vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Hiện Chính phủ đang xây dựng hai chương trình hành động để thực hiện nghị quyết 18, nghị quyết 19 của trung ương và nghị quyết số 56 của Quốc hội liên quan đến việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. 

Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng bộ nhưng trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục rà soát. Vì vậy, con số giảm đầu mối như trên vẫn không phải là con số cuối cùng, mà sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới.

Biên chế không giảm mà còn phình ra, phải làm sao? - Ảnh 5. Bức tranh biên chế bộ máy của hệ thống chính trị

TTO - Cùng nhìn lại thực tiễn "biên chế ngày càng phình to" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương 6 ngày 4-10, từ đó dẫn đến yêu cầu bức thiết tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Biên chế không giảm mà còn phình ra, phải làm sao? - Ảnh 5.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (có trụ sở tại 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) sẽ được giao về Bộ Giao thông vận tải - Ảnh: VIỆT DŨNG

123 tổ chức liên ngành: sáp nhập về các bộ

* Nhiều người cho rằng cũng phải sắp xếp lại các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương để tránh cồng kềnh...

- Trong thời gian tới, các cơ quan tổ chức có ngành dọc đóng tại địa phương sẽ không thực hiện theo đơn vị hành chính nữa, hướng tới sắp xếp lại theo liên tỉnh, liên huyện.

Ngành hải quan đã làm, không sắp xếp theo tỉnh mà liên tỉnh. Sắp tới các ngành thuế, thống kê, kho bạc... cũng sẽ thực hiện như vậy.

* Còn các tổ chức phối hợp liên ngành thì sao, thưa ông?

- Hiện có 77 tổ chức do Thủ tướng và phó thủ tướng đứng đầu, 46 tổ chức do bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ đứng đầu. Tổng cộng 123 tổ chức phối hợp liên ngành.

Trong số này, 23 tổ chức có biên chế công chức chuyên trách. Trong thời gian tới sẽ rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách sẽ không còn biên chế nữa.

Chức năng của tổ chức phối hợp liên ngành sẽ được giao về các bộ chủ trì. Nếu có liên quan đến các bộ khác thì các bộ có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bố trí làm việc kiêm nhiệm, giải quyết dứt điểm biên chế của các tổ chức này.

Ví dụ: Văn phòng thường trực Ban cải cách hành chính của Chính phủ giao về Bộ Nội vụ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao về Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giao về Bộ Giáo dục - đào tạo, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu giao về Bộ Tài nguyên - môi trường...

Biên chế không giảm mà còn phình ra, phải làm sao? - Ảnh 7.

* Năm 2017, Bộ Nội vụ từng lấy ý kiến về việc sáp nhập một số sở. Hiện đã có phương án chốt cho ý tưởng này chưa?

- Theo nghị quyết 18 của trung ương và nghị quyết 56 của Quốc hội, sẽ rà soát, sắp xếp lại một số đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau ở một số lĩnh vực để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Ví dụ: kế hoạch đầu tư - tài chính; giao thông - xây dựng... nghiên cứu để hợp nhất đưa về một đầu mối.

Không nhất thiết trung ương có đơn vị nào thì địa phương phải có tổ chức đó. Số lượng các cơ quan ở địa phương không vượt quá quy định khung số lượng các cơ quan thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Nếu thành lập thêm 1 đơn vị thì phải tự giảm bớt 1 đơn vị.

Cả nước hiện nay có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, 713 đơn vị hành chính cấp huyện, 11.162 đơn vị hành chính cấp xã. Các đơn vị hành chính không đáp ứng theo tiêu chí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải sắp xếp lại, tránh manh mún, nhỏ lẻ.

Không phân biệt biên chế hay hợp đồng

* Việc tinh giản biên chế được kêu gọi thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa đạt mục tiêu. Vậy theo ông, giải pháp nào quan trọng nhất để chấm dứt tình trạng biên chế không những không giảm mà còn phình to ra?

- Nguyên nhân của tăng biên chế nằm ở số lượng tổ chức. Ở đâu sinh ra tổ chức, ở đó có thêm biên chế. Khi giảm được đầu mối tổ chức, chắc chắn biên chế sẽ giảm.

Do đó, quan trọng nhất là phải sắp xếp lại tổ chức, rà soát chức năng, nhiệm vụ, bỏ khâu trung gian. Việc này trước đây chưa được chú trọng.

Tuy nhiên, giảm biên chế không có nghĩa đẩy người lao động ra ngoài. Các đơn vị sự nghiệp công lập phải tạo việc làm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cần cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa.

Còn đơn vị nào làm tốt (tự bảo đảm toàn bộ về tài chính) vẫn có thể tăng số lượng người làm việc, tiền lương theo kết quả hoạt động.

Sắp xếp tinh gọn biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của Chính phủ phải bảo đảm sự công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật, không có sự phân biệt đối xử giữa người biên chế và hợp đồng làm việc; khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, bảo đảm công bằng giữa công lập và ngoài công lập.

KHƯƠNG XUÂN - NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên