06/10/2015 11:53 GMT+7

Bị cán bộ điều tra đánh thì lấy đâu người làm chứng?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Ý kiến trên của anh Khâu Sóc - người bị nhóm điều tra viên công an tỉnh Sóc Trăng dùng nhục hình khiến anh phải nhận tội tại phiên tòa xử nhóm công an này.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo tại tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
Các luật sư bào chữa cho bị cáo tại tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Sáng 6-10, ngày thứ tư phiên tòa của TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử vụ án dùng nhục hình của nhóm cán bộ điều tra công an tỉnh Sóc Trăng bắt đầu phần tranh luận, đối đáp giữa đại diện VKS với các luật sư bào chữa, bị cáo tại phiên tòa.

Hai bên đã tranh luận về vấn đề các bị cáo có bị oan hay không? Tại sao cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao không khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật? Ai là chủ thể của tội dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Bỏ đói, bắt ăn nhạt cũng là dùng nhục hình

Trước đó, trong phần bào cho bị cáo Triệu Tuấn Hưng (nguyên là điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng, các luật sư cho rằng cáo trạng cáo buộc tội Hưng là dựa vào lời khai của người bị hại và nhân chứng.

Theo luật sư thì hai nhân chứng (là cán bộ công an tỉnh Sóc Trăng) khai nhìn thấy và nghe thấy Hưng đánh nhưng theo hồ sơ và sổ trực của cơ quan thì vào ngày xảy ra sự việc hai nhân chứng này không có mặt tại PC45 công an tỉnh Sóc Trăng.

Về việc bị cáo Hưng khai mình không dùng nhục hình đối với Thạch Sô Phách, đại diện VKS khẳng định có những biên bản thu giữ dấu vết trên người của Thạch Sô Phách và cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã nhiều lần làm việc với trại tạm giam, khẳng định có việc anh Phách bị đánh đập gây thương tích.

Luật sư bào chữa cho Hưng khẳng định Hưng không thể là chủ thể của tội dùng nhục hình bởi không có biên bản hay quyết định phân công Hưng trong vụ án giết ông Lý Văn Dũng.

Đối đáp lại, VKS cho rằng căn cứ khoản 1 điều 289 BLHS thì chủ thể của tội danh này là “người nào trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… có hành vi vi phạm” và các văn bản hướng dẫn khác khẳng định đó là điều tra viên, kiểm sát viên và cả công an viên của xã phường, thị trấn.

Luật không quy định buộc phải có quyết định phân công mới là chủ thể của tội dùng nhục hình nên không thể coi có quyết định phân công công việc mới là chủ thể của tội phạm.

Theo đại diện VKS, về mặt khách quan, việc dùng nhục hình là đánh đập gây đau đớn về thể xác, bắt nhịn đói hoặc ăn cơm nhạt đều được coi là dùng nhục hình đối với những đối tượng đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

“Căn cứ vào các biên bản làm việc và hồ sơ, cho thấy, Hưng chính là chủ thể của tội dùng nhục hình mà VKSNDTC đã truy tố” - đại diện cơ quan công tố kết luận.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Hoàng Quân đặt câu hỏi tại sao không khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra việc dùng nhục hình bởi cho rằng việc treo tay bị hại lên khung cửa sắt là không thể.

Đối đáp với ý kiến này, đại diện VKS khẳng định rằng thời gian từ khi xảy ra việc dùng nhục hình đến khi cơ quan điều tra của VKS khởi tố vụ án là thời gian hơn 1 năm, vậy nên dấu vết của hiện trường không còn, hoặc cũng đã bị xóa.

Bằng lời khai của bị hại và cơ quan điều tra cho thực nghiệm điều tra, để cho thấy trong hoàn cảnh đó, những bị hại có bị dùng nhục hình hay không, và quá trình điều tra này đã xác định được thấy rõ hiện trường mà bị hại bị dùng nhục hình.

Về chủ thể tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của bị cáo Phạm Văn Núi, luật sư và bị cáo Núi khi bào chữa đều cho rằng Núi không phải là người có chức vụ quyền hạn, kiểm sát viên chỉ là chức danh tư pháp nên không thể là chủ thể của tội danh này.

Đại diện VKS đã khẳng định căn cứ quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của kiểm sát viên, bị cáo Núi đã thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là gây oan sai cho 7 người.

“Trong quá trình xét xử, bị cáo nói rằng có từ chối vụ án vì thấy 2 người không nhận tội, tuy nhiên, việc từ chối này lại không được làm thành biên bản hoặc đề xuất nên bị cáo Núi vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc gây oan sai cho 7 người trong vụ án giết ông Lý Văn Dũng” - đại diện VKS nói.

Bị cáo Núi là kiểm sát viên đã lập hồ sơ, kiểm soát việc tạm giữ tạm giam, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý. Nếu Núi phát hiện vi phạm và báo cáo lãnh đạo và sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc phải thi hành nếu vẫn buộc phải chịu trách nhiệm đó.

Bởi vậy, truy tố bị cáo Núi thiếu trách nhiệm là có căn cứ.

Bị công an đánh thì lấy đâu ra người làm chứng?

Được HĐXX mời có ý kiến tại phiên tòa trong phiên tranh luận, bị hại Khâu Sóc và Thạch Sô Phách tiếp tục khẳng định bị các bị cáo nguyên là cán bộ điều tra đánh đập.

Khâu Sóc nói trước tòa: "Khi đánh tôi trong nhà giam thì chỉ có tôi và các anh ấy, lấy đâu ra người làm chứng. Khi đó tôi đau quá tôi kêu lên nhưng không có ai hết.

Bây giờ ở tòa các anh ấy nói không đánh tôi, Tòa thấy thế có đúng được không? Tôi bị các anh ấy đánh, tôi nói thật, không nói dóc".

Không khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật

Về ý kiến của luật sư đề nghị khởi tố các cá nhân, tập thể của công an tỉnh Sóc Trăng và công an huyện Trần Đề có liên quan hành vi bắt giữ người trái pháp luật (bắt giữ 7 người không có quyết định) thì đại diện VKS khẳng định:

“Việc bắt giữ, dẫn giải, lưu giữ chưa có quyết định là có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật. 

Nhưng xét thấy, cần phải truy xét để xác minh đối tượng trong vụ án nghiêm trọng và do nôn nóng trong việc điều tra phá án, Công an tỉnh Sóc Trăng đã xử lý kỷ luật và bồi thường cho 7 người. Vậy nên không khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật là có căn cứ”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên