22/03/2017 10:37 GMT+7

Bêu tên người vi phạm trên báo đài là phạm luật

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Theo quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, người vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định hình thức chế tài này trái luật.

minh hoa 21-3

Việc UBND TP Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội nhằm mục đích từng bước hình thành những chuẩn mực văn hóa để điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức đã nhận được nhiều sự ủng hộ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy tắc này đã vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính khi đòi bêu tên người vi phạm trên báo đài.

Điều chỉnh nhiều hành vi

Với quy tắc trên, chính quyền Hà Nội đưa ra nhiều nội dung để khuyến nghị nên làm và không nên làm.

Trong số đó có những nội dung đã được các nghị định của Chính phủ quy định để bắt buộc mọi người thực hiện, nếu thực hiện không đúng có thể bị xử phạt. Cũng có nhiều nội dung chủ yếu do dư luận, đạo đức xã hội điều chỉnh.

Chẳng hạn trong phần quy tắc ứng xử chung, những điều nên làm là tôn trọng không gian chung của cộng đồng, ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái...

Những điều không nên làm là nói to, gây ồn ào, mất trật tự; kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện...

Tại một số nơi cụ thể như tại vỉa hè, lòng đường, những điều nên làm là giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường; duy trì trật tự, vệ sinh thường xuyên; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Ngược lại, những điều không nên làm là chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; đun, nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường; tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường...

Chế tài phạm luật

Đáng lưu ý là tại điều 13 của quy tắc, UBND TP Hà Nội cho biết: “Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng...”.

“Chế tài như thế là vượt luật rồi!” - luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét.

Ông phân tích: “Theo điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc công bố công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết.

Đó là đối với các trường hợp xử phạt về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Chưa kể các phương tiện thông tin đại chúng cũng được quy định rõ là trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính, chứ không phải bất kỳ báo đài nào”.

Trên cơ sở đó, luật sư Ly Tao lưu ý: “Nếu cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm những quy tắc ứng xử không thuộc những trường hợp luật định nêu trên thì chính quyền không được phép bêu tên họ trên báo đài”.

Luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng có ý kiến tương tự: “Thấy vi phạm thì chính quyền phải rà soát, căn cứ theo các quy định của pháp luật để xử phạt.

Ví dụ thấy ai đó có cử chỉ, lời nói khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự ở rạp hát, nhà văn hóa... thì có thể phạt cảnh cáo hoặc phạt 100.000 - 300.000 đồng theo nghị định 167/2013.

Hoặc có người phóng uế tùy tiện ở nơi công cộng thì phạt 1 - 3 triệu đồng theo nghị định 155/2016. Đối với các vi phạm còn lại không có trong quy định thì lực lượng chức năng hoặc cộng đồng nên thường xuyên nhắc nhở, phê bình trực tiếp với người đó để vừa phải mà cũng đảm bảo hiệu quả”.

Cũng theo luật sư Miền, gần đây nhiều địa phương lạm dụng việc đòi bêu tên người vi phạm, bất kể việc bêu tên không đúng quy định dễ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường cho cả hai phía.

Đơn cử là ở Bà Rịa-Vũng Tàu, khi tổ chức giành lại vỉa hè cho người đi bộ, một phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu đã phát biểu với báo chí là sẽ bêu tên người cố tình vi phạm lên đài truyền thanh, trang tin điện tử của TP này.

“Với Luật thủ đô, Hà Nội có những chính sách phù hợp để quản lý, phát triển nhưng không được tự đề ra hình thức chế tài riêng trái Luật xử lý vi phạm hành chính.

Do vậy, quy định bêu tên người vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn cần được UBND TP Hà Nội xem xét bãi bỏ” - luật sư Miền đề nghị.

Bộ Công an từng rút việc bêu tên người vi phạm giao thông

Năm 2013, khi dự thảo lần 4 thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 38/2010, Bộ Công an dự kiến: Đối với các trường hợp vi phạm giao thông, cảnh sát giao thông sẽ thông báo danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm đến các cơ quan thông tin truyền thông để đăng tải.

Sau đó, căn cứ vào điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử phạt vi phạm giao thông, theo đó không có quy định nào cho phép công bố công khai việc xử phạt, bộ đã bỏ ý định bêu tên người vi phạm giao thông.

Danh dự cá nhân được pháp luật bảo hộ

Việc công khai danh tính, hành vi sai phạm trên báo đài không theo đúng quy định có thể dẫn đến nguy cơ gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

Trong khi đó, theo khoản 1 điều 20 Hiến pháp 2013, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ danh dự và nhân phẩm; không bị áp dụng bất kỳ hình thức đối xử nào khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Khoản 1 điều 34 Bộ luật dân sự 2015 cũng khẳng định “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên