15/12/2023 15:18 GMT+7

Bệnh viện tỉnh cũng ghép tạng, Việt Nam đi sớm 20 năm?

“Ghép tạng ở Việt Nam đi sau thế giới hơn 40 năm nhưng sớm hơn 20 năm so với điều kiện trong nước. Lúc thực hiện ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, chúng tôi nói đùa rằng ghép tạng Việt Nam đang “chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ”".

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép tim cho một bệnh nhân. Đây là 1 trong 9 ca ghép tim xuyên Việt được thực hiện thành công tại bệnh viện này - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép tim cho một bệnh nhân. Đây là 1 trong 9 ca ghép tim xuyên Việt được thực hiện thành công tại bệnh viện này - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Đó là phát biểu của GS Phạm Gia Khánh - chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam - tại Hội nghị ghép tạng lần thứ 8 diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Huế ngày 15-12.

Tham dự hội nghị lần này có 700 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực ghép tạng trong và ngoài nước về Huế để cùng trao đổi, chia sẻ, đúc kết các kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tạng, từ đó định hướng phát triển tương lai của ghép tạng Việt Nam.

Theo thống kê, đến nay cả nước đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Đáng chú ý, nếu trước đây chỉ 4 bệnh viện lớn trên cả nước ở TP.HCM, Hà Nội và Huế mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm được.

GS Phạm Gia Khánh cho biết ghép tạng ở Việt Nam đi sau thế giới hơn 40 năm nhưng hiện nay đã sớm hơn 20 năm so với điều kiện ghép tạng trong nước.

"Tôi nhớ ca ghép thận đầu tiên vào ngày 4-6-1992 được thực hiện trong điều kiện vô cùng khó khăn. Gần như chúng ta không có đủ cơ sở vật chất để thực hiện ghép tạng nhưng chúng ta đã thành công. Đến bây giờ khi nhắc lại, chúng tôi thường dùng câu của trung tướng Phạm Tuân là "đi dép lốp lên tàu vũ trụ" để nói vui về ca ghép ấy", ông Khánh nói.

Các bác sĩ ở Huế đưa trái tim từ một bệnh nhân chết não tại TP.HCM về Huế bằng máy bay dân dụng - Ảnh: LAN HƯƠNG

Các bác sĩ ở Huế đưa trái tim từ một bệnh nhân chết não tại TP.HCM về Huế bằng máy bay dân dụng - Ảnh: LAN HƯƠNG

Ông Khánh cũng cho biết các kỹ thuật ghép tim, thận ở Việt Nam đã theo kịp trình độ thế giới, đặc biệt là những ca ghép tim xuyên Việt với độ khó cực kỳ cao.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng nói rằng những kỹ thuật ghép phổi, tụy và ruột ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Đặc biệt hơn nữa là nguồn hiến tạng từ người chết não ở Việt Nam đang vô cùng thấp.

GS Phạm Như Hiệp - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết bệnh viện đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên do ê kíp người Việt thực hiện trên cả nước vào năm 2014.

Bệnh viện cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện giải pháp "Ghép tim xuyên Việt" với nhiều kỷ lục được xác lập như: thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất, thời gian mổ ngắn nhất, thời gian ra viện nhanh nhất...

"Tính đến thời điểm này, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công gần 1.600 ca ghép các loại. Hiện nay chúng tôi vẫn thường xuyên học hỏi, tiếp thu các kỹ thuật tiên tiến nhất về ghép tạng trên thế giới để phục vụ bệnh nhân", ông Hiệp nói.

Cũng tại hội nghị, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam) đã trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh thận mạn và cơ hội nào cho tương lai ngành ghép tạng?Bệnh thận mạn và cơ hội nào cho tương lai ngành ghép tạng?

Ghép tạng khác loài ngày càng được coi là một giải pháp thực tế cho tình trạng thiếu nguồn hiến tạng hiện nay cho bệnh nhân suy nội tạng giai đoạn cuối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên