Bà ngoại tôi có bệnh cơ xương khớp, thoái hóa đa khớp. Khi chứng đau, tê mỏi tái diễn lại gây mất ngủ, đi đứng khó khăn, nói chung là ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống.
Dạng bệnh này không phải bệnh nan y nhưng lại là bệnh cần chăm sóc y tế lâu dài, nếu không có sự chi trả của BHYT sẽ không dễ lo nổi cho những đợt trị liệu nhiều tuần.
Mỗi tuần bà tôi đi bệnh viện (một bệnh viện tuyến huyện ở TP.HCM), được hưởng đủ các kỹ thuật và được tập vật lý trị liệu tổng cộng 90 - 120 phút, cả thuốc mang về, chi phí theo BHYT từ vài mươi đến 200.000 - 300.000 đồng/tuần. Bà tôi nói thật sự biết ơn và áy náy khi thấy y bác sĩ vất vả, tận tụy.
Đi bệnh viện riết thành thân quen, sau vài tháng lại đau, lại đi viện bà rất vui khi các kỹ thuật viên nhớ đúng tên và bệnh trạng của bà cùng nhiều bệnh nhân khác.
Qua câu chuyện hỏi han lại được biết tiền lương hằng tháng của kỹ thuật viên vẫn còn quá khiêm tốn, chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, trong khi số bệnh nhân ngày càng đông.
Thực tế có những người mắc bệnh hiểm nghèo phải mổ và chăm sóc y tế đặc biệt, những ca mổ lớn với chi phí gần cả trăm triệu đồng, nhờ có thẻ BHYT mà nhẹ gánh lo. Có những căn bệnh nan y như xơ gan, suy thận... cần điều trị nhiều năm, BHYT chi trả phần nhiều. Giá trị của BHYT có lẽ chỉ được trân quý nhất khi bạn có người nhà mắc bệnh cần điều trị dài lâu.
Thực tế rất nhiều người có thẻ BHYT nhưng khi có bệnh cũng không dùng tới. Có thể họ không có thời gian chờ đợi (vì khám BHYT luôn đông hơn khám dịch vụ) hoặc chưa hài lòng về dịch vụ khi khám BHYT, nhưng số bệnh nhân nhẹ gánh lo vì có BHYT đang tăng dần và tin tưởng của bệnh nhân với BHYT cũng tăng lên. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.
Và công sức của y bác sĩ cũng như nhân viên liên quan các khâu khám chữa bệnh BHYT cũng cần được ghi nhận xứng đáng. Bệnh nhân BHYT đông hơn, y bác sĩ vất vả hơn, nhưng thù lao cho họ chưa tăng tương ứng, đây cũng là một thực tế chưa vui. Và dẫu thu nhập có tăng thêm đi nữa thì áp lực công việc ở những ca trực BHYT cũng không hề nhẹ nhàng.
Và cũng phải nói thực tế là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế hiện có độ chênh lệch. Có nhiều nơi rất thân thiện, quy trình nhanh gọn, bệnh nhân được hướng dẫn tận tình, nhưng cũng còn những nơi dịch vụ cần cải thiện nhiều.
Cùng với yêu cầu phải cải thiện chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh BHYT cũng cần có sự thấu cảm và hiểu biết từ phía bệnh nhân. Với những người thường đi khám bệnh BHYT, họ đã quen quy trình thủ tục nên mọi thứ nhanh gọn hơn, giảm thiểu những phàn nàn, khó chịu. Và vì vậy, y bác sĩ cũng đỡ phần vất vả.
Những người cần điều trị dài lâu cũng thường chọn cơ sở y tế nơi gần nhất có thể, trừ khi bệnh trạng của họ cần phải đưa lên tuyến trên. Nếu phần đông bệnh nhân chọn cơ sở y tế tuyến dưới (khi có bệnh không quá nặng) cũng sẽ là một cách đỡ phải đợi chờ mệt mỏi so với việc đi khám ở tuyến trên.
Đi khám ở bệnh viện lớn, chờ đợi là chuyện ngày nào cũng vậy, mất cả buổi cho một lần tái khám định kỳ cũng không là chuyện lạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận