03/02/2016 06:17 GMT+7

Bệnh liên cầu lợn, cúm, 
viêm phổi...nguy cơ phát trong dịp tết

LAN ANH (lananh@tuoitre.com.vn)
LAN ANH (lananh@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ có thể bùng phát các loại dịch bệnh trong dịp tết. Các dịp tết trước hầu như năm nào cũng có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm...

Phun thuốc diệt muỗi tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Phun thuốc diệt muỗi tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với đại diện các bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, đại diện các tổ chức quốc tế ngày 2-2 nhằm ngăn chặn bệnh do virút Zika và cảnh báo các loại dịch bệnh có thể bùng phát trong dịp tết.

Cách đây bốn ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã phải tiễn một bệnh nhân bị sốc do xuất huyết mặt và toàn thân, suy đa phủ tạng về quê do không có khả năng tiếp tục cứu chữa. Còn cách đây một ngày, có thêm một bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn nhập viện.

Liên cầu lợn, cúm, viêm phổi...

Theo ông Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, từ Tết dương lịch tới nay có 4 bệnh nhân liên cầu lợn vào bệnh viện này và hầu hết đều rất nặng.

Với bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn, dù không nguy hiểm tính mạng nhưng 40% sẽ bị di chứng điếc sau khi điều trị xong viêm màng não mủ. Cả hai bệnh nhân này mắc bệnh và một trong hai đã tử vong vì lý do tưởng rất bình thường: ăn tiết canh lòng heo ở quán rượu gần nhà.

Tại phiên họp trực tuyến ngày 2-2, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính rất lo ngại bệnh do liên cầu lợn bùng nổ trong dịp tết. “Người miền Bắc có thói quen “đụng” lợn.

Vài nhà chung nhau mổ một con lợn ăn tết và cho đó là lợn sạch, họ mời nhau ăn tiết canh vì nghĩ rằng chẳng mấy khi có lợn sạch, trong khi vi khuẩn liên cầu lợn trú ở hầu họng bất kỳ con lợn nào và hoàn toàn có thể gây bệnh” - ông Kính cảnh báo.

Các loại cúm cũng có nguy cơ bùng phát trong dịp tết, bởi theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, gà lậu vẫn qua đường tiểu ngạch về VN, trong khi tại Trung Quốc có các chủng cúm H7N9, H5N8, H9N2... Khi giết mổ gà hoặc gia cầm mang virút cúm gia cầm (gia cầm lành mang trùng), nguy cơ lây sang người là hoàn toàn có thể.

Các dịp tết trước hầu như năm nào cũng có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm. Ông Kính thì cảnh báo loại bệnh viêm phế quản, viêm phổi do virút Hanta. Đây là bệnh hiếm gặp nhưng rất khó chẩn đoán và gần đây đã rải rác có bệnh nhân vào bệnh viện nhiễm loại virút này.

Đo thân nhiệt hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là biện pháp sàng lọc những hành khách có biểu hiện sốt từ những nước có dịch bệnh, đặc biệt là dịch Zika - Ảnh: T.T.D.
Đo thân nhiệt hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là biện pháp sàng lọc những hành khách có biểu hiện sốt từ những nước có dịch bệnh, đặc biệt là dịch Zika - Ảnh: T.T.D.

Xét nghiệm phát hiện nhanh bệnh nhân nhiễm Zika

Ông Nguyễn Văn Kính cho hay hai chứng bệnh nguy hiểm được cho là có liên quan tới virút Zika gồm viêm đa rễ thần kinh làm yếu cơ ở tay, chân và hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Điều khó khăn khi phòng dịch, theo ông Kính, là thời gian ủ bệnh và có thể làm lây truyền sang người bệnh khác dài tới 12 ngày, 80% người bệnh nhiễm virút Zika không có biểu hiện lâm sàng. Trong trường hợp người từ vùng dịch đã bị truyền virút Zika, khi đến VN bị loài muỗi aedes đang lưu hành rất phổ biến đốt thì hoàn toàn có thể làm lây lan mạnh căn bệnh này.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến, ông Kato - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN - cho biết trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức cuộc họp khẩn hôm 1-2, xác định chùm ca bệnh não nhỏ và viêm đa rễ thần kinh ở các nước Nam Mỹ đang lan tràn đến mức “WHO đủ điều kiện công bố đây là vấn đề sức khỏe y tế công cộng tạo ra những mối quan ngại quốc tế”.

Theo ông Kato, điều khó khăn với VN là xét nghiệm phát hiện nhanh bệnh nhân nhiễm virút Zika để đưa vào điều trị, trong khi chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này.

Trả lời băn khoăn của đại diện WHO, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân cho biết trong hôm nay 3-2, Viện Pasteur TP.HCM sẽ nhận được mẫu thử Zika ở mức độ phát hiện được bệnh nhân nhanh và chính xác hơn nhiều so với mẫu đang có, trong 6-8 giờ.

Ông Lân cũng cho biết sẽ lưu ý kinh nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khi kết hợp xét nghiệm Zika tại các khu vực nhiều muỗi và nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết. Tại khu vực phía Nam sẽ có 10 điểm giám sát như vậy, còn khu vực phía Bắc là 20 điểm.

Chưa có bằng chứng muỗi biến đổi gen làm lây lan Zika

Theo ông Kato, hiện chưa tìm ra nguyên nhân Zika lan tràn thời gian gần đây. Còn ông Nguyễn Văn Kính khi trả lời câu hỏi có phải muỗi biến đổi gen làm lây lan virút này thì cho rằng virút Zika được ghi nhận từ năm 1947, khi đó chưa có muỗi biến đổi gen. Phòng chống muỗi gây sốt xuất huyết (muỗi aedes) cũng sẽ đồng thời phòng chống bệnh Zika và sốt vàng.

Theo bản đồ dịch tễ của virút được một tờ báo ở Mỹ cung cấp, Thái Lan và VN là những quốc gia châu Á đã có mặt virút Zika. Theo ông Nguyễn Văn Kính, virút Zika được ghi nhận từ năm 1947 và loài muỗi truyền bệnh là muỗi aedes cũng truyền bệnh sốt xuất huyết, lưu hành rộng rãi ở VN, nên không loại trừ Zika đã hoặc sẽ vào VN.

Sàng lọc hành khách có biểu hiện sốt

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc phòng chống virút Zika, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngày 3-2 sở có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về công tác tăng cường các biện pháp phòng chống virút Zika. Cụ thể, về công tác giám sát, sở chỉ đạo các đơn vị cửa khẩu sàng lọc hành khách có biểu hiện sốt đến từ các quốc gia, đặc biệt là từ các quốc gia đang có dịch Zika nhập cảnh vào VN. Nếu nghi ngờ mắc bệnh sẽ được tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Với hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, theo bác sĩ Hưng, thời gian qua Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM vẫn luôn thực hiện giám sát sức khỏe hành khách bằng máy đo thân nhiệt từ xa 24/24 giờ. Việc giám sát đang thực hiện 24/24 giờ đối với tất cả hành khách chứ không riêng gì khách đến từ quốc gia có dịch. Tuy nhiên, với khách đến từ quốc gia có dịch thì sẽ được giám sát và theo dõi sát hơn.

Ở bệnh viện, nếu có bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ (đi đến và đi về từ các quốc gia có dịch) sẽ được khai thác thêm tiền sử bệnh để làm xét nghiệm tầm soát. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM sẽ hướng dẫn các trung tâm y tế dự phòng quận huyện thực hiện giám sát dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong đó có tăng cường các biện pháp phòng chống Zika như phòng chống sốt xuất huyết: huy động cộng đồng diệt muỗi, diệt lăng quăng, làm sao hạn chế để muỗi đốt - nhất là với phụ nữ có thai.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đến nay chưa ghi nhận ca bệnh do virút Zika gây ra tại VN.

L.TH.H.

LAN ANH (lananh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên