16/09/2017 15:53 GMT+7

Bệnh điếc: có thể phòng ngừa được

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Nghe nhìn là nhu cầu rất quan trọng của đời sống con người. Song đối với người bị điếc, họ coi như bị mất một nửa khả năng để hòa nhập với cuộc sống hàng ngày.

Bệnh điếc: có thể phòng ngừa được - Ảnh 1.

Với trẻ em, điếc được xem như một khuyết tật nặng nề: trẻ nghe kém hay không nghe được sẽ dẫn đến chậm nói hoặc không nói được, do đó trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và gây rất nhiều khó khăn cho việc học tập; nhiều em bị thất học hay phải học tại cơ sở dành riêng cho người khiếm thính.

Người bị điếc là người không có khả năng nghe như người có sức nghe bình thường và điếc cũng ở các mức độ khác nhau: điếc nhẹ, điếc trung bình, điếc nặng, điếc rất nặng (điếc sâu). 

Có những trường hợp điếc có thể chữa khỏi hay cải thiện sức nghe rất nhiều nếu phát hiện sớm, tìm được nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Do có nhiều nguyên nhân gây điếc, nên có thể phòng tránh bệnh điếc nhờ hiểu biết các nguyên nhân gây bệnh như sau:

- Điếc do các nguyên nhân trong thời kỳ mang thai: khi mang thai mẹ bị các bệnh do virut như bệnh sởi, giang mai; mẹ dùng các thuốc gây độc cho tai như quinin, streptomycin... Trẻ sinh non, thiếu tháng, bị ngạt, vàng da hay phải dùng các thủ thuật forceps, giác hút... Để phòng bệnh điếc cho con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm phòng một số bệnh trong đó có tiêm phòng bệnh sởi nếu khi nhỏ chưa tiêm; khám phát hiện và điều trị kịp thời bệnh giang mai; không sử dụng các thuốc gây độc cho tai; điều trị tích cực cho trẻ bị vàng da sau khi sinh.

- Điếc mắc phải: trẻ nhỏ bị mắc các bệnh do virut như sởi, quai bị, viêm màng não, viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn tai trong, viêm tai giữa thành dịch là nguyên nhân thường gặp gây nghe kém ở trẻ em.

- Do dùng các thuốc kháng sinh: streptomycin, gentamycin, quinin, chloroquin; chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt tổn thương đến tai; ảnh hưởng của tiếng ồn liên tục, tiếng nổ lớn hay tiếng nhạc quá to; người cao tuổi, hệ thống thính giác bị lão hóa và gây điếc.

Muốn phòng tránh điếc cần làm tốt các việc như sau:

- Cho trẻ em tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ;

- Phải thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, tuyệt đối tránh các loại thuốc gây ngộ độc cho tai;

- Khám và điều trị triệt để các nhiễm khuẩn tai;

- Dùng dụng cụ bảo hộ lao động và cải thiện điều kiện lao động tránh tác hại của tiếng ồn…

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên