Quang cảnh trung tâm TP Đà Lạt hiện nay - Ảnh: TT
Bản kiến nghị này gửi bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và tác giả đồ án.
Việc kiến nghị tập thể này có thể xem như một điểm sáng ghi nhận sự trưởng thành chính trị của nhân dân và trách nhiệm công dân trước mỗi sự thay đổi của đất nước.
Còn nhớ vào năm 2006, Tập đoàn GS của Hàn Quốc có đề án xây dựng một tòa cao ốc 54 tầng (đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam) tại công viên 23-9, mong muốn đặt một biểu tượng của xứ kim chi giữa trái tim thành phố. Đề án đã được duyệt thiết kế và chuẩn bị triển khai, vào thời điểm đó được xem là một dự án có sức nặng vì Tập đoàn GS là nhà đầu tư cho đại lộ Phạm Văn Đồng.
Trên cơ sở thu thập ý kiến của các chuyên gia và bức xúc của dư luận, báo Tuổi Trẻ đã làm một cuộc trưng cầu ý kiến qua bản giấy gửi kèm theo báo ngày và thu được hàng nghìn ý kiến phản hồi không đồng ý. Chính từ bản báo cáo tổng hợp kết quả trưng cầu của báo Tuổi Trẻ mà lãnh đạo TP.HCM đã khước từ đề án này.
Bản kiến nghị của tập thể các kiến trúc sư đối với thành phố Đà Lạt chắc chắn sẽ làm cho lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và tỉnh Lâm Đồng cân nhắc một cách thận trọng hơn. Vẫn biết việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và xây mới trong lòng một thành phố có tuổi đời hàng trăm năm như Đà Lạt chắc chắn là phải đập phá, phải động chạm đến di sản, cảnh quan môi trường và quyền lợi kinh tế.
Có nghĩa là kết quả mang lại có được, có mất. Nhưng vấn đề là được cái gì, mất cái gì? Được nhiều hơn hay mất nhiều hơn?
Mỗi thành phố là tài sản không phải của riêng ai, của nhóm nào (cho dù họ cũng yêu thành phố này lắm) mà là của người dân, của cả những người không sống thường trực ở đó, do vậy việc cân nhắc là cần thiết. Hơn thế, bản kiến nghị đó toát lên không chỉ tình cảm thiết tha mà còn là trách nhiệm công dân lớn lao.
Bản thân bản kiến nghị cũng đưa ra các gợi ý để cho những người có trách nhiệm cân nhắc như giá trị di sản, mật độ dân số, kể cả việc nhiều người đánh giá rất cao đề án của KTS Hồ Thiệu Trị và mong nó được đặt ở một vị trí khác để mọi người chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hoàn mỹ trong một cái nhìn toàn vẹn.
Người xưa có nói "bảy lần đo, một lần cắt", cho nên trước mỗi một quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc, đến số phận một thành phố, đến quốc kế dân sinh thì những người có quyền lực xin hãy đừng vội, hãy ngồi xuống để lắng nghe, để thu thập thật nhiều những ý kiến đa chiều, kể cả những lời nói rất chói tai.
Sẽ thật tốt nếu ngay lúc này tỉnh Lâm Đồng tổ chức các hội thảo, các tọa đàm, tiến hành tổ chức một cuộc thi thiết kế mang tầm quốc gia và quốc tế, rồi triển lãm, trưng cầu ý dân trên các phương án thiết kế (lúc này phương án của KTS Hồ Thiệu Trị chỉ là một trong nhiều phương án). Chắc chắn kết quả thu được sẽ tối ưu hơn và thu phục được nhân tâm hơn.
Người Nam Bộ có câu nói: "Anh em cả, hơn thua nhau làm chi", nếu phải điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ quyết định mà có một kết cục tốt hơn thì cũng đáng lắm chứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận