10/06/2019 15:38 GMT+7

Bất chấp biểu tình, lãnh đạo Hong Kong quyết thông qua luật dẫn độ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam tuyên bố quyết tâm thông qua luật dẫn độ với Trung Quốc, bất chấp cuộc biểu tình rầm rộ hai ngày qua. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ ủng hộ bà Lam.

Bất chấp biểu tình, lãnh đạo Hong Kong quyết thông qua luật dẫn độ - Ảnh 1.

Bà Carrie Lam trong cuộc họp báo ngày 10-6 tại Hong Kong - Ảnh: REUTERS

"Đây là một đạo luật rất quan trọng giúp giữ gìn công lý và đảm bảo Hong Kong hoàn thành các cam kết quốc tế về tội phạm xuyên quốc gia và xuyên biên giới" - Đài Channel News Asia ngày 10-6 dẫn truyên bố đầu tiên của bà Lam kể từ sau đợt biểu tình khổng lồ.

Bà khẳng định không có kế hoạch thay đổi nội dung hay rút lại đạo luật này và sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận ở cơ quan lập pháp vào 12-6. Những thay đổi trong đạo luật dự kiến được bỏ phiếu thông qua thành luật vào cuối tháng 6 này.

Cuối tuần qua, cả triệu người ở Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối những thay đổi trong dự luật dẫn độ cho phép nghi phạm được đưa tới xét xử tại tòa ở Trung Quốc. 

Những người tổ chức biểu tình tuyên bố có khoảng 1 triệu người xuống đường. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2003 nhằm phản đối chính sách thắt chặt an ninh của chính quyền Hong Kong.

Những thay đổi của đạo luật nhằm đơn giản hóa thủ tục cho phép dẫn độ nghi phạm bị truy nã, xét theo từng trường hợp, sang Trung Quốc đại lục, thậm chí cả Macau và Đài Loan, ngoài 20 quốc gia mà Hong Kong đã có hiệp ước dẫn độ trước đó.

Bà Lam cho biết chính quyền không phớt lờ sự phản đối của người dân và đã có những nhượng bộ để đảm bảo sự tự do của Hong Kong và các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. "Chúng tôi lắng nghe và lắng nghe một cách thận trọng" - bà nói.

Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố sẽ ủng hộ chính quyền Hong Kong thông qua đạo luật dẫn độ, theo Hãng tin Reuters.

Bất chấp biểu tình, lãnh đạo Hong Kong quyết thông qua luật dẫn độ - Ảnh 2.

Hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên viễn cảnh dẫn độ sang xét xử tại tòa Trung Quốc không chỉ khiến người dân mà ngay cả các thẩm phán cấp cao của Hong Kong cũng lo sợ. Họ đặt câu hỏi về tính minh bạch của hệ thống tòa án Trung Quốc.

Thuộc địa cũ của Anh được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 với những đảm bảo về các quyền tự trị và tự do, bao gồm cả hệ thống tòa án riêng biệt.

Cũng theo Reuters, nhiều chính phủ nước ngoài cũng quan ngại trước đạo luật rằng có khả năng người nước ngoài bị Trung Quốc truy nã giờ đây có nguy cơ bị bắt ở Hong Kong.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0