15/07/2018 12:36 GMT+7

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Chuông vua

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Chùa Phổ Thành của làng Hà Trung, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế lấy theo tên khắc trên quả đại hồng chung vô cùng quý giá đang lưu giữ ở chùa.

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Chuông vua - Ảnh 1.

“Phổ Thành tự chung” đang dùng ở chùa làng Hà Trung - Ảnh: THÁI LỘC

Thế nhưng, quả chuông này vốn có gốc gác từ một ngôi chùa cách đó 700 cây số.

Quả chuông quý được gọi là "cái chuông vua" do được cho là được vua chúa triều Nguyễn tịch thu của nhà Tây Sơn đưa về Huế, ban cho ngôi chùa làng này.

Nhầm tên

Làng Hà Trung ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang thuộc vùng chiêm trũng ven đầm phá hôm chúng tôi đến nắng gió chát chúa. Chính điện ngôi chùa khá lớn, vừa mới bước vào mát mẻ đến lạ trái hẳn với bên ngoài. Người quản tự là đại đức Thích Quảng Huệ, giới thiệu về gốc tích ngôi chùa vốn rất danh tiếng do các chúa Nguyễn thành lập. Quản tự cho biết thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728), tổ sư truyền phái Lâm Tế, từng trụ trì ngôi chùa này.

Đại đức quản tự dẫn tôi sang góc trước bên trái của chính điện để giới thiệu về một báu vật "rất quý giá và linh thiêng" của chùa, đó là chiếc đại hồng chung cổ có rất nhiều điều đặc biệt.

"Chuông này tiếng rất linh thiêng, hồi xưa đánh một tiếng là âm thanh theo sông vang vọng lên đến tận phủ vua chúa trên kinh đô Huế. Không chịu nổi tiếng của chuông, phủ cho người về "thiến" chuông bằng cách khoan một lỗ rồi trám lại thì nhà vua mới ngủ được. Điều đặc biệt nữa, đây là chuông độc long (một con rồng), lại năm móng, đích thị là chuông vua nên rất quý!" - đại đức Thích Quảng Huệ thao thao giảng giải rồi chỉ vào con bồ lao làm quai chuông.

Đúng như lời ông nói, không giống những quai chuông là bồ lao hai đầu thường thấy, bồ lao này có cả phần đầu và phần đuôi, chỗ thân mình uốn cong lên làm chỗ để treo, và nhìn các chân đều có đủ năm móng.

Các vị bô lão làng Hà Trung cho biết từ rất lâu rồi, trong đợt trùng tu ngôi chùa xuống cấp, người ta đọc văn chuông với bốn chữ lớn "Phổ Thành tự chung" (chuông chùa Phổ Thành), cho rằng ngôi chùa vốn có tên gốc là Phổ Thành chứ không phải là chùa mang tên Hà Trung. Vì vậy, làng Hà Trung đã cho khắc chữ lớn "Phổ Thành tự" trên bức hoành treo ngay trước chùa, chùa mang tên Phổ Thành kể từ đó. 

Thế nhưng, khi dịch toàn bộ văn chuông, các nhà nghiên cứu mới tá hỏa: chiếc chuông này vốn của chùa Phổ Thành thuộc một ngôi làng ở đất Bắc. Văn chuông ghi rõ việc đúc vào năm 1762, dưới thời Cảnh Hưng, của chùa Phổ Thành, làng Ngâm Điền, huyện Gia Định, phủ Thuận An (Bắc Ninh) kèm theo họ tên của những người có công đức đóng góp.

Dù đang ở vị thế chùa làng, nhưng trong lịch sử chùa Hà Trung vốn là ngôi chùa công rất lớn, được chúa Nguyễn ban sắc tứ, có vị trí rất quan trọng trong lịch sử Phật giáo vùng Huế nói riêng, của cả xứ Đàng Trong nói chung. Với cách đặt tên theo một ngôi chùa ở đất Bắc như hiện nay, nhiều người cho rằng đó là sự nhầm lẫn quá đáng tiếc. 

Theo đề nghị của TS Hán Nôm Võ Vinh Quang (Huế): "xin trả lại nguyên vẹn tên chùa Hà Trung là "Hà Trung tự" hoặc "Sắc tứ Hà Trung tự" để không mất đi giá trị văn hóa của ngôi chùa đặc sắc này trong đời sống Phật giáo xứ Huế".

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: Chuông vua - Ảnh 2.

Chùa Phổ Thành ở làng Ngăm Lương, Gia Bình, Bắc Ninh - Ảnh: THÁI LỘC

Một tư liệu quý giá

Từ thông tin của các nhà nghiên cứu, trong một ngày nắng cháy tháng 5, chúng tôi tìm về làng Ngâm Điền, nay thuộc xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; ngôi làng nằm cạnh bờ sông Đuống, cách núi Thiên Thai chừng 2-3 cây số.

Hỏi thăm đường từ một cụ già đầu làng, cụ hỏi ngược lại: "Đây là làng Ngâm Điền, còn gọi là làng Ngăm. Nhưng chú hỏi Ngăm Lương hay Ngăm Giáo?". Tỏ rõ thắc mắc thì được cụ giải thích rằng hơn 100 năm trước, dưới thời thuộc Pháp, nhóm dân làng theo đạo Thiên Chúa tách ra thành làng Ngăm Giáo bên cạnh; số còn lại gọi là làng Ngăm Lương (lương: người không theo đạo Thiên Chúa). 

Chùa Ngăm Lương nằm trên tuyến đường chính của làng, trong một khuôn viên hơn 2.000m2 có ao nước, vườn cây, xung quanh vây kín nhà cửa. Ngay trước chính điện là một kiến trúc gỗ hai tầng, tầng dưới có ba tấm bia nhưng chỉ có tấm bia nhỏ niên đại thời Nguyễn là còn rõ chữ. Trong khi hai tấm bia lớn bề mặt bị phong hóa nên nét rõ nét mờ. Trên tầng hai thì treo một đại hồng chung khá lớn, ghi đúc dưới thời Tự Đức.

Ni sư trụ trì Thích Đàm Oanh cho biết rất đau lòng vì đồ cổ của chùa bị mất trộm quá nhiều. Khi được chúng tôi cung cấp thông tin và tư liệu về chiếc chuông đang nằm ở Huế, ni sư Đàm Oanh bỗng giật mình: "Quả chính xác đây là chuông của chùa Ngăm Lương chúng tôi. Ngày trước, chùa này đúng là chùa Phổ Thành, quen gọi theo tên làng thành ra Ngăm Lương. Tôi về chùa đã 22 năm, chưa từng nghe sư bà trước đây nhắc đến quả chuông này, quả chuông mất mấy chục năm trước được tả nhỏ bằng nửa chuông này thôi; các cụ trong làng cũng chưa từng có ai nói đến nó cả!".

Tiếp tục đi gặp các cụ già những mong tìm câu chuyện lưu truyền, song trong làng Ngăm Lương gần như không ai biết gì về tung tích quả chuông trên, cho dù cụ nào cũng rất cảm xúc khi biết tin một bảo vật vốn của làng mình đang lưu lạc mấy trăm cây số. 

Cụ Nguyễn Đăng Tại, 84 tuổi, một người hay chữ của làng, xúc động khi đọc bản văn chuông. Cụ cho biết rất nhiều người trong danh sách hưng công trên chuông có họ trùng khớp với 36 dòng họ hiện nay của làng Ngăm Lương. Tuy vậy, hầu hết các dòng họ hiện nay không còn giữ được gia phả xưa nên không có tư liệu để đối sánh.

"Xin lại chuông rất khó"

Cụ Nguyễn Đăng Tại nói: "Họ Nguyễn Khắc của tôi là một trong ba dòng họ lớn của làng. Trên chuông thấy có khắc tên Nguyễn Khắc Tiến, chắc chắn dòng họ tôi rồi, nhưng không biết từ thời nào vì gia phả không còn!". Cụ Tại cũng cho rằng văn chuông này trở thành tư liệu rất quý giá của làng mình. Về "cái chuông vua", cụ nói: "Biết rằng chuyện xin được chuông về là rất khó, vì có thể đã mất mấy trăm năm rồi. Nhưng cứ thử xem sao, tôi sẽ có ý kiến, bàn tính với dân làng xem có cách nào hay không!".

__________

Kỳ tới: Chuyện Bà Đậu

Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” Bảo vật lưu lạc của nhà chùa: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

TTO - Nhà thờ Phường Đúc - TP Huế đang dùng một chiếc chuông rất kỳ lạ, theo kiểu "hồn Trương Ba, da hàng thịt": hình dáng lẫn mọi chi tiết hoa văn theo kiểu nhà Phật, song âm thanh lại ngân dài kiểu tiếng chuông nhà thờ.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên