10/09/2017 14:59 GMT+7

Bão tin giả ăn theo bão Irma kiếm triệu view

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Trong những ngày qua, mạng xã hội Mỹ nhiễu loạn thông tin vì tin giả về độ hung hãn của bão Irma. Thậm chí, dự báo thời tiết của Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cũng bị làm giả.

Bão tin giả ăn theo bão Irma kiếm triệu view - Ảnh 1.

CNN chụp màn hình clip 'Bão Irma đổ bộ đảo Barbuda' (thực chất đã xuất hiện trên mạng từ tháng 5-2016) thu hút hơn 20 triệu lượt view

Theo CNN, vài ba clip giả về bão Irma đăng trên Facebook đã 'kiếm' về được hơn 20 triệu lượt view cũng như hàng triệu lượt chia sẻ.

Một trang Facebook có tên đăng ký Carlos Trewher 'tổ chức' livestream trong ngày 6-9 với nhan đề 'video sốc về bão Irma' thu hút được 6 triệu lượt view và 160.000 lượt chia sẻ cùng hàng trăm bình luận đại loại với nội dung 'Cầu nguyện cho mọi người ở đó'.

Dù livesteam này kéo dài tới hơn hai tiếng nhưng đoạn clip thực chất chỉ dài 9 phút. Sau đó, livesteam này được gỡ khỏi Facebook.

CNN không rõ đoạn clip này bắt nguồn từ đâu, chỉ biết nó lần đầu xuất hiện trên mạng vào tháng 12-2016 quay cảnh một chiếc xe buýt chạy trong trận cuồng phong Vardah tại Ấn Độ.

Tương tự, một clip đưa lên Facebook trong ngày 5-9 'mô tả cảnh bão Irma tiến vào đảo Barbuba tại biển Caribe' thu hút hơn 20 triệu lượt view, nhận được 600.000 lượt chia sẻ. Sang ngày 6-9, clip này vẫn được share với tốc độ chóng mặt.

Thực chất, đoạn clip đã có trên mạng từ tháng 5-2016 nhưng không rõ là quay cơn bão nào, và ở đâu.

Ngoài ra còn có clip một tòa nhà đổ sụp dưới sức mạnh của dòng nước lũ, được chú thích tại St.Maarten. Nhưng thực tế, bức ảnh chụp tại Tây Tạng.

Không chỉ clip giả, tin giả, ảnh giả cũng được dịp hoành hành trong bối cảnh hàng triệu người dân Florida phải sơ tán khi bão Irma ngày càng tiến gần đến nước Mỹ.

Bão tin giả ăn theo bão Irma kiếm triệu view - Ảnh 3.

Bức ảnh chống tin giả của NWS

Một tấm ảnh mô tả cảnh tượng tan hoang, xà bần rơi vãi khắp trên thân máy bay được chú thích chụp tại sân bay quốc tế Công chúa Juliana tại St.Maarten. Bức ảnh nhanh chóng được người dùng Twitter chia sẻ.

Sự thật là bức ảnh được chụp năm 2014 tại Los Cabos, Mexico sau trận bão Odie.

Ghê nhất là cư dân mạng 'tự dự đoán' đường đi, sức mạnh của bão Irma rồi 'ghi nguồn' từ Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS).

Số lượng 'dự báo thời tiết' này nhiều tới nỗi NWS phải đăng ảnh chụp màn hình lên Facebook để mọi người biết bản tin dự báo thời tiết của họ trông như thế nào và kêu gọi mọi người cẩn thận với tin dự báo thời giết giả. NWS cũng khẳng định chỉ dự báo thời tiết trong 5 ngày tiếp theo, không phải 10 ngày như các tin đang tràn lan.

CNN cho biết một số 'nhà dự báo thời tiết' còn đưa bão Irma lên Bão cấp 6 trong khi theo thang xếp hạng của NWS, tối đa chỉ Bão cấp 5, dành cho những cơn bão có sức gió mạnh hơn 250km/h.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên