Việc tỉ giá tăng nóng đã tác động mạnh đến hoạt động thương mại. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá, doanh nghiệp nhập khẩu đang méo mặt do phải chi nhiều tiền hơn để nhập hàng.
Giá USD tăng, chỉ thuận lợi... ngắn hạn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thứ, giám đốc Công ty GC Food (Đồng Nai), chuyên xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nha đam qua 20 thị trường trên thế giới, cho biết doanh nghiệp này chỉ nhập rất ít bao bì nên bị ảnh hưởng không đáng kể về chi phí đầu vào, trong khi xuất khẩu rất thuận lợi.
"Thu nhập tăng thêm của công ty khá tốt, khoảng 3-4%. Quý 1, kim ngạch xuất khẩu được hơn 2 triệu USD, doanh nghiệp bán toàn bộ số ngoại tệ này cho ngân hàng và có thêm 1 tỉ đồng chênh lệch so với cùng kỳ năm trước" - ông Thứ nói và cho biết đây là "số dư ngắn hạn" do 3-6 tháng tới phải điều chỉnh giá thu mua nông sản cho bà con vì giá đầu vào nguyên liệu và phân bón tăng.
Cũng xuất khẩu các sản phẩm nông sản như bưởi, sầu riêng, dừa, vải, xoài..., ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết với khoảng 16 triệu USD kim ngạch thu về trong quý 1-2024, nguồn thu của doanh nghiệp này sau khi chuyển đổi sang tiền đồng đã tăng khoảng 8% so với cùng kỳ do giá USD tăng mạnh thời gian qua.
Trong khi đó, ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam - cho biết từ quý 2 đến hết năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu đơn hàng trị giá khoảng 10 triệu USD. Nhờ chênh lệch tỉ giá, doanh nghiệp có thể dôi thêm một khoản, thêm nguồn quỹ chi trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Phục, khoản dôi ra này "không bao nhiêu" bởi chi phí đầu vào cũng tăng.
"Tình hình chiến sự ở Trung Đông rồi căng thẳng ở Biển Đỏ, nhiều chi phí tăng. Đồng USD tăng mạnh khi xuất hàng thuận lợi vào Mỹ, nhưng sang Nhật đồng tiền nước này lại mất giá.
Tôm xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn ở thị trường Mỹ và EU, khó cạnh tranh so với các nước đối thủ. Vì thế năm 2023 doanh số đạt 93 triệu USD, năm nay chỉ dám đặt ra nhỉnh lên 100 triệu USD vì quý 1 đã tăng 35%", ông Phục giải thích.
Nhưng "cả núi" khó khăn
Trong khi đó, những doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất phân bón, nguyên liệu trong xây dựng... đang khóc ròng khi tỉ giá tăng nóng thời gian qua.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy giá sữa nhập khẩu, đặc biệt là các loại sữa công thức đặc trị nhập khẩu, đã tăng đáng kể. Chẳng hạn từ ngày 20-4, giá bán sữa xuất xứ tại Mỹ đã tăng giá từ 529.000 đồng/lon thiếc 500gr lên 559.000 đồng.
"Chúng tôi là nhà phân phối nhập hàng bằng USD, mà giá trị tỉ giá tăng khi đổi qua tiền Việt Nam đồng rất chênh lệch, cộng với nhiều phí thuế, vận chuyển... nếu bán giá cũ sẽ bị lỗ. Do đó, chúng tôi phải tăng giá bán, đây mới là mức giá "thích nghi".
Nếu tỉ giá tăng nữa, giá có thể không dừng lại 559.000 đồng/lon. Các hãng sữa nhập từ Nhật, Anh, Pháp cũng sẽ tăng theo", quản lý hệ thống này thông tin.
Theo một lãnh đạo của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), doanh nghiệp này đã trải qua nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm nay. Bên cạnh chi phí logistics tăng do ảnh hưởng bởi chiến tranh, việc giá USD tăng khiến chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón bị đội lên rất cao. Trong đó, nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất phân bón là khí, được tính theo giá USD, đã tăng mạnh.
"Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất chính như kali, bản thân thị trường thế giới giá đã tăng, giờ như bị tăng kép vì quy đổi USD chênh lệch. Nhập khẩu nguyên liệu của chúng tôi so với cùng kỳ thiệt hại khoảng 10%. Trong khi đó, giá bán ra lại theo thị trường đang ở mức giá rất thấp so với cùng kỳ các năm, nhà máy cũng không thể tăng giá", vị này cho hay.
Là đơn vị gia công sơn phủ công nghiệp tại Việt Nam, ông Lê Đông Lâm - tổng giám đốc Công ty PPG Việt Nam - thừa nhận ngành sơn bị ảnh hưởng nặng khi tỉ giá USD tăng. Bởi PPG nhập nguyên liệu bằng USD, bán sản phẩm trong nước bằng tiền Việt Nam đồng.
"Trong quý 1-2024, chênh lệch thiệt hại mức 3-5%. Khoản chênh lệch này doanh nghiệp phải chịu chứ không thể điều chỉnh giá bán với khách hàng ngay được. Chúng tôi có tính phương án đàm phán với khách, nhưng cần thời gian", ông Lâm cho biết.
Khó giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo PGS.TS Lê Thị Thúy Hằng, phó trưởng khoa tài chính - ngân hàng Trường ĐH Tài chính - Marketing, lãi suất chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới, nhưng mức tăng tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước điều hành. Dù lãi suất tăng sẽ gây ảnh hưởng tới lạm phát, nhưng với tình hình hiện nay không thể giữ lãi suất.
Theo bà Hằng, với việc tỉ giá USD/VND tăng, buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán USD thu về VND, dẫn đến tình trạng VND khan hiếm so với USD, khiến lãi suất tăng. Nếu lãi suất vẫn giữ mức thấp, khối ngoại rút vốn về cũng sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán của Việt Nam.
Việt Nam thực hiện lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng nếu duy trì mức lãi suất giảm quá lâu, các ngân hàng không gánh nổi chi phí.
"Trong mối quan hệ lãi suất - lạm phát - tỉ giá, cần có sự đánh đổi để đạt được mục tiêu nhất định. Nếu giữ lãi suất thấp, buộc phải hy sinh tỉ giá và lạm phát. Ngược lại, nếu lãi suất tăng sẽ giúp tỉ giá ổn định", bà Hằng phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận