18/11/2023 09:59 GMT+7

Bạn trẻ ngày càng yêu sớm, thay nhanh, kết thúc mối tình chóng vánh

Nhiều bạn gái trẻ hiện nay đang có xu hướng yêu sớm, yêu nhanh... và kết thúc một mối tình cũng chóng vánh. Yêu sớm, thay nhanh, yêu nhiều người như vậy liệu có dễ bị thiệt thòi?

Các bạn trẻ thổ lộ tình cảm với  nhau từ rất sớm - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Các bạn trẻ thổ lộ tình cảm với nhau từ rất sớm - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Sở hữu một gương mặt xinh xắn, một dáng vóc thanh mảnh, cách nói chuyện nhẹ nhàng, dễ thương, N.T.L. (18 tuổi, ngụ ở Q.4, TP.HCM) tự hào khoe với bạn bè "mình đã trải qua... 19 mối tình".

Các con yêu sớm!

Mối tình đầu tiên là một anh chàng cùng trường cấp II. Lúc đó, cô bé T.L. đang học lớp 6 và "người yêu" là anh chàng học lớp 8 cùng trường.

Anh chàng này chủ động viết thư, khen bé L. xinh đẹp, dễ mến và trong một giờ ra chơi chủ động đưa tận tay lá thư này cho L.. Những giờ ra chơi sau đó là những buổi "hẹn hò" nói chuyện. Dịp ấy, L. được ba mẹ sắm cho một chiếc điện thoại để gia đình tiện liên lạc. Những tin nhắn qua điện thoại trở thành "bồ câu đưa thư" cho hai cô cậu học trò. L. bắt đầu học hành sa sút. Sau đó, tình cờ mẹ L. phát hiện ra những dòng tin nhắn yêu đương qua lại.

Mẹ L. bắt đầu cấm đoán... vì cho rằng L. còn quá nhỏ, yêu sớm. Một thời gian bị canh chừng, hai cô cậu cũng thấy mệt và chán. Thế là "mối tình đầu" của L. kết thúc!

Mối tình thứ hai xuất hiện vào cuối năm học lớp 6 với một bạn cùng lớp. Một ngày gần nghỉ hè, bạn trai ấy nói muốn gặp riêng L.. Sau đó, bạn ấy ngỏ lời muốn theo đuổi L.. L. không từ chối. Vậy là thi thoảng bạn ấy bắt đầu mang đồ ăn sáng cho L., hôm thì mua nước ở căng tin trong giờ ra chơi. Cũng hẹn hò, cầm tay... trong giờ ra chơi...

Mối tình này kéo dài đến đầu năm học lớp 7...

Cứ vậy, năm học nào L. cũng có bạn thích, tỏ tình, cũng nhận lời, xong lại chia tay...

L. kể nụ hôn đầu của L. với một bạn trai cùng lớp là vào năm lớp 9. Đó là mối tình thứ 8 của L.. Hôm đó là buổi chia tay cuối năm, hai đứa buồn quá rủ nhau ra một góc sân trường. Và bỗng nhiên L. khóc, bạn trai L. ôm L. vào lòng và thế là cả hai thề thốt với nhau. Lên lớp 10 vẫn liên lạc với nhau nhưng do hai người học hai trường khác nhau, lịch học dày đặc nên tin nhắn thưa dần. Cả hai cứ thế xa nhau.

Lớp 10, trường mới, bạn mới, L. có thêm hàng loạt mối tình mới. Cứ yêu nhanh và kết thúc nhanh như thế. Cũng gọi nhau "vợ vợ, chồng chồng" theo phong trào, nhưng chỉ được một thời gian ngắn "vợ lại đi đường vợ", "chồng có khi lại có bạn gái mới"...

L. kể giữa năm lớp 12, L. nhận lời yêu một bạn khác trường nhưng nhà bạn ở ngay chung cư nhà L.. Mối tình này kéo dài nhất, được 6 tháng. Thế nhưng, bạn trai này mới được gia đình cho đi du học Mỹ nên không biết những ngày tới sẽ ra sao.

Mẹ của L. chia sẻ: "Ngoài việc lo sức khỏe, học hành cho con thì chuyện tình cảm, yêu đương của các con bây giờ cũng thật đáng lo. Các con có tình cảm nhanh, dùng câu từ yêu đương thiết tha, yêu ai cũng công khai đăng trên Facebook là đang hẹn hò với người này người kia, thậm chí đăng luôn hình ảnh của hai người... Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn lại không còn gì cả một cách nhanh chóng".

Thời của mẹ L., gần như ai cũng thuộc câu nói "Tình yêu chỉ có một, còn những thứ na ná tình yêu thì vô số", thế nhưng thời của các con lại có xu hướng "yêu nhanh, yêu vội" thế này, sợ còn không nhận ra được đâu là tình yêu đâu là cái "na ná tình yêu". "Mà cứ yêu nhanh yêu vội thế này, lúc kết hôn rồi thì sống như thế nào, chẳng nhẽ lại bỏ nhanh...?" - mẹ của L. lo lắng.

Khó lòng giám sát

Chị N.V.H. (49 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chị là hội trưởng phụ huynh lớp 10 của một trường tư có tiếng tại TP.HCM. Mới đây, chị và một phụ huynh của lớp nhận trách nhiệm đưa lớp con chị đi chơi xa. Khi đưa các con đi chơi biển, chị mới tá hỏa phát hiện trong lớp học của con chị có bốn "cặp đôi" yêu đương thắm thiết. Dù có mặt chị và phụ huynh khác nhưng các con vẫn ngồi trong lòng nhau xem phim không một chút ngại ngùng.

Từ lúc phát hiện trong lớp có bốn cặp đôi này, chị H. canh cánh một nỗi lo. Chị không thể để cho các "cặp đôi" này gần nhau mà không có sự quan sát của phụ huynh. Ngược lại với nỗi lo lắng của chị, các "cặp đôi" này lại luôn tìm cách được ở riêng tư với nhau. Thế là, cứ lúc không thấy các "cặp đôi" này, chị H. lại đi đến các phòng với lý do đi tìm điện thoại, đi tìm bạn này bạn kia... Dù đã cho các con ở hai khu biệt thự riêng, nam riêng nữ riêng, nhưng buổi tối hôm đó chị H. gần như không ngủ vì sợ các con lại lẻn ra ngoài hẹn hò với nhau.

Chị H. sợ lỡ xảy ra việc gì thì không biết phải nói với ba mẹ các con ra sao! Qua đêm, sáng mờ là các con liền gặp lại nhau. Chị H. lại thấy một "cặp đôi" mặc đồ ngắn, ngồi thoa kem chống nắng cho nhau đầy tình tứ. Không bậc phụ huynh nào có thể nghĩ các con mới chỉ 15 tuổi và đang học lớp 10.

Sau buổi nhận trách nhiệm đưa lớp con đi chơi này, chị H. mệt, căng thẳng và lo lắng đến mức chị bảo "sẽ không bao giờ dám nhận trách nhiệm này thêm một lần nữa".

Cha mẹ cần làm gì?

Chị N.T.V. (45 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhận xét: "Các con bây giờ khác xa thời của chúng ta ngày trước". Chị V. phân tích thời của chị, như chị ra trường khoảng chục năm sau mới biết trang điểm, còn giờ nhiều con mới học lớp 6 đã trang điểm. Trước đây, gia đình nào giàu lắm mới có cái ti vi, giờ đây nhà nào cũng có, còn có Internet để tìm bất cứ thông tin nào mà các con muốn quan tâm. Nhiều con còn đi du học từ sớm, tiếp cận với văn hóa phương Tây sớm nên cũng dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống... Do vậy, không thể lấy tư duy của thế hệ ngày xưa để áp đặt lên các bạn trẻ bây giờ.

Các bậc cha mẹ muốn có thể "định hướng", "có khả năng gây ảnh hưởng" đến các con thì cần phải cập nhật những thông tin của thời đại liên tục và dành thật nhiều thời gian bên con, lắng nghe con, chia sẻ cùng con để có thể tâm sự với con về tình yêu...

Theo chị V., đến thời đại này không nên không "vẽ đường cho hươu chạy", mà cần phải "vẽ tỉ mỉ để hươu biết cách chạy như thế nào cho an toàn".

Các bạn trai cũng như các bạn gái phải có kiến thức, hiểu biết về các biện pháp an toàn trong tình dục.

TS Ngô Xuân Điệp, khoa tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ yêu sớm. Đây là những đứa trẻ không được hướng ra bên ngoài, chỉ ở nhà, đi học cũng quanh quẩn trong lớp học, ít bạn bè, ít giao lưu. Khi trẻ không có điều kiện tiếp cận với bên ngoài, không có sự hứng thú nào từ bên ngoài sẽ dẫn đến yêu sớm.

Cha mẹ không tiếp xúc, nói chuyện nhiều với trẻ.

Để hạn chế tình trạng trẻ yêu sớm, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ra bên ngoài nhiều hơn, cho trẻ tiếp xúc với không gian rộng lớn hơn, cho trẻ gần với thiên nhiên hơn.

Các bậc cha mẹ cũng đặt chiếc điện thoại xuống, ngồi gần con hơn, dành thời gian nói chuyện với con nhiều hơn.

Các bậc cha mẹ sắp xếp để trẻ có thời gian chơi, tập luyện thể thao, đồng thời cho trẻ ăn uống lành mạnh, ăn những thực phẩm không có chất kích thích, chất tăng trưởng và cho trẻ ngủ đủ giấc...

Tuổi teen yêu sớm, lỡ mang bầu tính sao?Tuổi teen yêu sớm, lỡ mang bầu tính sao?

Gần đây liên tục rộ chuyện thiếu niên yêu sớm, có không ít trẻ vẫn ngồi trên ghế nhà trường đã mặn nồng, nếm thử "trái cấm", thậm chí mang thai ngoài ý muốn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên