30/09/2013 19:10 GMT+7

Hiện đại đến đâu, cũng phải xem trọng tương tác thầy - trò

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Không thể phủ nhận tính tích cực của công nghệ dạy học hiện đại trong việc hỗ trợ người thầy mang tới cho học sinh những tư liệu đời sống mà sự khô cứng của SGK không thể có, hoặc thầy cô giáo khó có thể diễn đạt bằng lời.

tyA6dwAv.jpgPhóng to
Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng vụ GD Tiểu học- Bộ GD-ĐT - Ảnh: Vĩnh Hà

Đọc chép thành chiếu... chép, bình mới rượu cũ?Dạy học với công nghệ hiện đại: lợi hay hại?Bảng phấn là công cụ không thể thiếuThiết bị công nghệ ồ ạt vào trường

Đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Thành, Nguyên Vụ trưởng vụ GD Tiểu học- Bộ GD-ĐT xung quanh những ý kiến khác nhau về xu thế chạy theo công nghệ dạy học hiện đại, bỏ quên phấn trắng, bảng đen, xem nhẹ tương tác trực tiếp giữa thầy và trò

Ông Thành phát biểu: Ví dụ ở môn Khoa học, khi biểu thị quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể người, các bộ phận trên cơ thể người, mô hình sẽ khiến trẻ hình dung tốt hơn, hay giới thiệu về hiên tượng núi lửa, sóng thần, những hình ảnh sống động khiến học sinh dễ hiểu hơn… Một bài học về loài cây sống dưới nước, giáo viên không thể mô tả cho học sinh ở đô thị hình dung được thì có thể sử dụng thiết bị dạy học để trình chiếu hình ảnh, clip về loài cây sống dưới nước cho học sinh quan sát.

Nhưng với những mặt tích cực này, không có nghĩa là công nghệ hiện đại có thể lấn át hay thay thế được người thầy và những thiết bị dạy học truyền thống như bảng đen, phấn trắng. Lạm dụng công nghệ dạy học hiện đại có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tâm lý và nhận thức của trẻ

* Như thế nào được coi là “lạm dụng”? Học sinh, nhất là học sinh ở bậc học thấp, theo ông cần áp dụng cách dạy học thế nào?

- Ông Lê Tiến Thành: Giáo viên phải biết tùy từng bài học, từng nội dung kiến thức có thể sử dụng công nghệ hiện đại (hình ảnh, clip, mô hình) để làm tư liệu dạy học, giúp trẻ mở rộng hiểu biết về thế giới nhưng không có nghĩa dùng công nghệ này áp dụng vào mọi bài học.

Ví dụ khi dạy học Toán, Tiếng Việt giáo viên hoàn toàn có thể sử dụng phấn trắng, bảng đen. Đối với tiểu học, đặc biệt là lớp 1, lớp 2, việc viết theo trình tự từ trái qua phải, nét thanh, nét đậm cách viết thế nào, việc làm phép tính cộng, trừ hàng dọc theo thứ tự từ phải qua trái….là trình tự học sinh cần xem giáo viên làm và hướng dẫn trực tiếp trên bảng.

Công nghệ đôi khi chỉ cho kết quả nhưng không hướng dẫn học sinh được cách làm.

* Lạm dụng công nghệ dạy học hiện đại có thể gây hại cho học sinh như thế nào?

- Ông Lê Tiến Thành: Sử dụng quá nhiều công nghệ dạy học hiện đại, có thể khiến trẻ bị giảm thị lực, lệ thuộc vào một kiểu tương tác với máy móc, trong khi đối với học sinh ở bậc học thấp, cần nhiều phương thức tương tác. Nhiều đứa trẻ bây giờ trở nên tự kỉ vì quen sống với thế giới ảo, trong khi ở trường học, học sinh cũng lại được khuyến khích học tập với công nghệ thì càng không có lợi.

Tương tác trực tiếp giữa thầy- trò không thể thiếu và rất quan trọng ở các lớp đầu tiểu học. Tương tác thầy- trò không chỉ mang tới cho trẻ kiến thức mà để trẻ cảm nhận được cả tình cảm, sự khích lệ của thầy, cô.

Với trẻ nhỏ, sự uốn nắn của thầy cô từ cách viết, cách ngồi học, cách tìm bài trong sách…đều đòi hỏi vai trò của người thầy, việc này máy không thay thế được.

* Có ý kiến cho rằng công nghệ hiện đại được trang bị sẵn làm giảm tính sáng tạo của thầy, trò?

- Ông Lê Tiến Thành: Mỗi phương thức dạy học, mỗi cách tương tác trong dạy học có ưu, nhược điểm khác nhau. Giáo viên phải là người biết khai thác mặt tích cực của thiết bị dạy học, kết hợp tốt các cách dạy học, cách tương tác đối với học sinh. Nhưng cách giáo viên và học sinh tự thực hành, tự tìm vật liệu, thiết bị có trong đời sống vận dụng vào bài học vẫn là cách hay và không tốn kém.

* Hiện nay nhiều nhà trường chạy theo việc đầu tư thiết bị dạy học hiện đại mới mong muốn thiết bị hỗ trợ thầy, cô giáo trong việc nâng chất lượng dạy học. Vậy phải làm gì để tư vấn, hướng dẫn thầy, cô giáo trong việc sử dụng thiết bị hiện đại đúng mức, hiệu quả?

- Ông Lê Tiến Thành: Việc này đòi hỏi trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường. Các đơn vị chào mời sản phẩm bao giờ cũng chỉ nói đến mặt tích cực của sản phẩm đó mà lờ đi tác hại đi kèm. Chúng ta không phủ nhận mặt tích cực của công nghệ dạy học hiện đại nhưng không phải cái gì hay cũng đưa được vào nhà trường và tùy tiện khai thác.

Nhà quản lý GD phải hiểu mục đích dạy học bám sát quá trình phát triển tâm lý, nhận thức của học sinh mỗi lứa tuổi để sử dụng các hình thức dạy học, thiết bị như thế nào là vừa, là phù hợp.

Hiệu trưởng là người quyết định đầu tư thiết bị, hình thức huy động nguồn lực, hướng dẫn giáo viên hoặc đặt ra những quy định cần thiết trong việc sử dụng thiết bị dạy học.

* Ông nghĩ gì về trào lưu đầu tư thiết bị dạy học hiện đại như món đồ “trang sức” cho trường học nhưng không tính tới hiệu quả?

- Ông Lê Tiến Thành: Đây là vấn đề của các nhà quản lý phải nhìn nhận lại và giải quyết. Tôi chỉ muốn đề cập tới khía cạnh khoa học giáo dục. Khoa học giáo dục chính là yếu tố để nhà quản lý cần căn cứ vào đó để cân nhắc các quyết định liên quan tới hoạt động giáo dục.

Ưu điểm của công nghệ hiện đại và phấn trắng bảng đen

* Dưới góc nhìn của một giáo viên trẻ có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy THPT, tôi nhận thấy cả phương tiện công nghệ hiện đại lẫn phấn trắng bảng đen đều có ưu điểm riêng.

1. Những ưu điểm của phương tiện công nghệ hiện đại:

- Bài dạy có tính trực quan. Những hình ảnh, video clip, đoạn nhạc làm cho giờ học sinh động hơn, gây hứng thú đối với người học.

- Với những bài giảng điện tử chuẩn bị chu đáo từ trước, giáo viên giảm bớt rất nhiều thời gian phải ghi bảng hoặc đọc cho học sinh chép bài.

- Trong một tiết dạy, khối lượng kiến thức có thể được truyền đạt nhiều hơn hoặc sâu hơn. Thay cho thời gian đọc chép hay ghi bảng, giáo viên có thể cho thêm ví dụ minh hoạ, giảng giải nội dung kĩ lưỡng hơn.

- Những thiết bị công nghệ hiện đại như bảng điện tử thông minh giúp học sinh tương tác trực tiếp với bài giảng của giáo viên. Các em sẽ tích cực, năng động tham gia học tập.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp giáo viên và học sinh tiếp cận được các phương tiện giảng dạy và học tập tiên tiến trên thế giới. Cả người dạy lẫn người học đều phải học tập, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của bản thân để bắt kịp thời đại

2. Những ưu điểm của phấn trắng bảng đen:

- Giúp giáo viên giải quyết những vấn đề xảy ra trực tiếp trên lớp mà không có sự chuẩn bị trước. Ví dụ khi học sinh hỏi một vấn đề nào đó, giáo viên cần bảng đen để vẽ hình, ghi bài giải...

- Là nơi người thầy lẫn học sinh thể hiện sự tài hoa của mình qua con chữ, hình vẽ, cách trình bày bảng...

- Giúp giáo viên có thể kiểm tra cùng một lúc nhiều học sinh như lúc làm bài tập chẳng hạn.

Với những ưu điểm đã nêu trên, tôi cho rằng hiện nay nghệ thuật của người thầy là phải biết kết hợp linh hoạt, khéo léo giữa phương tiện hiện đại và truyền thống, tùy theo bộ môn, bài dạy, mục đích mà ta có sự vận dụng phù hợp.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên