Người nước ngoài dạy bơi cho học sinh Tiền Giang
Phóng to |
Tình nguyện viên người Úc dạy bơi cho học sinh tiểu học ở Tiền Giang - Ảnh: Trường Giang |
"Trong những ngày ngắn ngủi ở VN, chúng tôi muốn truyền đạt cho các em cách để sinh tồn chứ không phải là cách bơi đúng, bơi đẹp" BEV CHRISMASS |
Theo tôi, trẻ em ở VN, chủ yếu là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nguy cơ tử vong rất lớn do sống cạnh ao, hồ, kênh, rạch. Rất nhiều trẻ hằng ngày theo cha mẹ đi kiếm sống trên sông, đi học phải qua sông, chơi đùa cạnh bờ sông... Tuy nhiên các em lại không biết làm cách nào để tự bảo vệ mình. Khi trẻ rớt xuống nước thì không có một bản năng để ứng phó. Khi đọc thông tin về những trường hợp trẻ em VN bị chết đuối tôi cảm thấy rất buồn. Tôi nghĩ bằng những kỹ năng mình được giáo dục, những giáo viên Úc có thể tạo ra sự khác biệt, có thể giúp các em biết cách tự bảo vệ mình mỗi khi rơi xuống nước.
Trẻ em ở nước Úc chúng tôi may mắn vì được hướng dẫn cách tự vệ ngay từ nhỏ. Các em bắt buộc phải học bơi ở trường. Các em được giáo dục rất nhiều về vấn đề này thông qua các chương trình phổ cập bơi trên tivi, poster, quảng cáo... Trong những ngày ngắn ngủi ở VN, chúng tôi muốn truyền đạt cho các em cách để sinh tồn chứ không phải là cách bơi đúng, bơi đẹp. Chúng tôi cũng muốn trẻ hiểu là không nên tiếp cận với nước ở ao, hồ... khi chỉ có một mình. Trong trường hợp phải tiếp xúc với nước thì phải có ai đó bên cạnh, hoặc ít nhất các em phải tự trang bị cho mình một vật gì có thể nổi trên mặt nước. Hoặc khi các em thấy bạn mình bị đuối nước thì đừng nhảy xuống cứu bạn, mà hãy ném cho bạn một cái gì đó để bám vào và gọi người đến hỗ trợ. Chúng tôi huấn luyện cho các em những phản xạ cơ bản để tự vệ như: việc đầu tiên các em phải làm khi rơi xuống nước là tìm cách bơi vô bờ, phải thở được, quan trọng là các em phải sống. Với chúng tôi, trẻ em là tài sản vô giá của nhân loại nên nếu vì lý do nào đó mà mất đi một mầm xanh tương lai thật sự là một việc rất đau lòng.
Sau một thời gian tiếp xúc với các em, chúng tôi đã dạy các em những điều cơ bản nhất để tự vệ nhưng chúng tôi cảm thấy mình nhận được từ các em nhiều hơn là cho. Mọi người trong nhóm chúng tôi đều rất hạnh phúc giống như một trải nghiệm thay đổi cuộc đời mình. Nhìn các em học sinh cố gắng tối đa tập bơi theo hướng dẫn của tình nguyện viên, chúng tôi rất cảm động. Từ những cử chỉ run sợ khi mới tiếp xúc nước, bây giờ các em đã có thể tự tin, hào hứng mỗi khi xuống nước. Đặc biệt, trong những buổi dạy cho trẻ khuyết tật chúng tôi càng được trải nghiệm nhiều hơn. Có lẽ các em chưa từng được bước xuống hồ bơi lần nào nên rất sợ. Vậy mà khi khắc phục được sự sợ hãi, các em lại rất háo hức, quên đi nỗi mặc cảm khuyết tật của mình. Các em dạy chúng tôi ngôn ngữ của mình, cho chúng tôi thấy những nụ cười rất hồn nhiên.
Tôi tin rằng khóa huấn luyện ngắn ngủi này có tác dụng tiếp thêm sự tự tin cho các em để các em sắp xếp đi học bơi cho giỏi hơn; rồi các em sẽ vận động bạn bè mình học bơi, chỉ cho bạn cách thức ứng phó khi bị rơi xuống nước và các em sẽ nhớ những gì đã học cho đến khi trưởng thành. Các em sẽ tiếp tục hướng dẫn cách để không bị đuối nước cho thế hệ sau nữa. Các bậc cha mẹ ở khắp đất nước xinh đẹp này cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng bơi cho con em mình và sắp xếp thời gian đưa các cháu đi học bơi. Tôi hi vọng rằng trong tương lai trẻ em VN ai cũng biết bơi và không còn trẻ nào bị nạn như những thông tin tôi đọc được trước đây”.
THÚY HẰNG - TR.GIANG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận