Cao Nhân đã ngồi ghế Cục trưởng mấy năm rồi mà uy danh vẫn còn khiêm tốn quá. Những người tiền nhiệm đều lừng lẫy cả, đều lên chức cao hơn cả, không khéo Cao Nhân lại đến ngày về hưu một cách lặng lẽ như thiên hạ vẫn trêu chọc là hạ cánh an toàn.
Không được, dù sao Cao Nhân cũng có viết kịch. Tuy tác phẩm của Cao Nhân không hay, nhưng nhiều đoàn nghệ thuật vì nể nang cái uy nhà quản lý cấp trên mà dàn dựng tham gia hội diễn khắp nơi. Phải làm một việc gì đó, thật thăng hoa, thật dữ dội cho giới show biz biết mặt Cao Nhân.
Mấy lần định phổ nhạc vài lời thoại trong kịch bản của mình để hát vang lừng theo điệu bolero, nên Cao Nhân cũng có quan tâm đến các ca khúc đang làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc.
Gớm, dăm ba giai điệu và một núm ca từ mà sao chúng nó nổi tiếng thế, lại còn thường xuyên được tiền bản quyền. Cái gì mà con đường xưa với con đường cũ, cái gì mà cánh thiệp đầu xuân với cánh thiệp đầu hạ, cái gì mà gọi anh với gọi chú… Nghe ngứa tai không chịu được. Cây bút sẵn trong túi, con dấu sẵn trên bàn, Cao Nhân ký luôn lệnh cấm với lý do "có vấn đề cần được xem lại".
Còn vấn đề ấy là vấn đề gì, thì Cao Nhân chưa biết, nhưng từ từ rồi tính. Vì Cao Nhân là siêu nhân mà, không có gì phải ái ngại bá tánh nghêu ngao "đá mòn kia vẫn ghi"!
Cơn cao hứng của Cao Nhân đúng là hiệu nghiệm. Con đường đang đi bỗng nghẽn lối, bài ca đang hát bỗng tắt nửa chừng. Dư luận nháo nhào lên. Giới showbiz chưng hửng. Nhân viên của Cao Nhân hớt hơ hớt hải, xì xầm hỏi nhau có phải do lỗi đánh máy không? Cao Nhân cười khẩy. Cao Nhân mà, có Cao Nhân chễm chệ vị trí Cục trưởng thì những điều kỳ diệu nhất phải xuất hiện trong đời sống nghệ thuật nước nhà.
Người ta đặt chất vấn, 5 ca khúc kia có tội tình gì mà cấm? Nếu trả lời cứ thích cấm thì cấm thôi, e rằng không phản ánh hết tư chất của một người viết kịch luôn biết cách xử lý những tình tiết éo le,
Cao Nhân trừng mắt và nghiêm giọng: "Có những ca khúc vi phạm tác quyền, thay đổi nội dung so với bản gốc, nhầm tên tác giả. Sau khi quá trình thẩm định kết thúc, Cục sẽ cấp phép trở lại".
Cao Nhân dự đoán, cấm 5 ca khúc thì hơi ít, phải mở rộng biên độ xin - cho rộng hơn nữa. Bài ca nào muốn hát thánh thót thì phải được Cao Nhân gật đầu.
A, đây rồi, "...rừng núi dang tay nối lại biển xa" cũng chưa xin phép Cao Nhân nhé, "mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn..." cũng chưa xin phép Cao Nhân nhé, "Đêm thấy ta là thác đổ" cũng chưa xin phép Cao Nhân nhé… Cứ hô lên cho kẻ nào muốn hát thì chạy đến cung kính thưa chuyện với Cao Nhân. Ôi, đắc chí làm sao, cuộc đời Cao Nhân chưa bao giờ hưng phấn như bây giờ.
Thế nhưng, Cao Nhân không thể ngờ bà con phản ứng ghê gớm. Hết ông nọ đến ông kia lên tiếng, hết hội nọ đến hội kia gửi công văn phản đối. Đáng ghét quá, cái bóng Cao Nhân lồng lộng như núi Thái Sơn mà chả ai kiêng dè gì. Nhất là mạng xã hội, cứ nheo nhéo những bình luận mỉa mai cay nghiệt.
Được, muốn hát thì Cao Nhân cho hát. Cây bút có sẵn trong túi, con dấu có sẵn trên bàn, Cao Nhân vẫn là siêu nhân trong lĩnh vực rực rỡ xiêm áo phấn son.
Tuy nhiên, đã lỡ cấm 5 ca khúc mà giờ cho phép hát lại 5 ca khúc thì ê chề quá. Cao Nhân cấp giấy phép phổ biến luôn cho 300 ca khúc, trong đó có những ca khúc thành trì của nền âm nhạc đã lưu hành trước khi Cao Nhân ra đời.
Vì mấy văn bản vô cùng ngoạn mục, Cao Nhân bị rời chức Cục trưởng. Chuyển công tác sang chỗ khác, mấy lần Cao Nhân theo thói quen sáng sáng chạy xe ngang cơ quan cũ, và bất giác ê a mấy câu: "Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận