Thủ tướng Anh Johnson trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 ngày 12-3 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12-3 gọi dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế hệ" khi số người Anh chết vì dịch đã lên con số 12, bao gồm 2 người ở nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Anh công bố nhiều biện pháp mới để làm chậm sự lây lan của virus corona chủng mới, trong đó khuyến cáo những ai có triệu chứng nên ở trong nhà ít nhất 7 ngày.
Việc xét nghiệm sẽ bị hạn chế và chỉ ưu tiên cho người đã nhập viện với các triệu chứng nặng. Trường học được yêu cầu hủy chuyến đi thực tế nước ngoài. Người già hoặc người có sức khỏe yếu được khuyên không nên đi du lịch bằng du thuyền trong thời điểm này.
Ông Johson lập luận nếu có thể đẩy đỉnh dịch COVID-19 ra xa thêm khoảng 20%, sẽ có nhiều giường hơn cho người bệnh, nhiều thời gian hơn cho các nghiên cứu y tế và xã hội sẽ đối phó tốt hơn.
Thủ tướng Anh cũng tiết lộ các biện pháp có thể sẽ bắt đầu áp dụng vào tuần sau, bao gồm cấm các sự kiện đông người như thể thao. "Những điều này sẽ giúp chúng ta trì hoãn đỉnh dịch và đó là cách chúng ta có thể giảm bớt tác động của dịch bệnh", ông Johnson lập luận.
Các quan chức y tế Anh ước tính nhiều khả năng "đã có từ 5.000 đến 10.000 người nhiễm bệnh" ở nước này nhưng phần lớn đều không biết mình đang có virus corona trên người. Số ca nhiễm bệnh chính thức của Anh hiện tại là 590.
Ông Chris Whitty, một quan chức y tế Anh, dẫn ra một mô hình giả định trong đó kịch bản tồi tệ nhất là khoảng 80% dân số Anh nhiễm virus và sẽ có khoảng 500.000 người chết.
Một người dân Anh rửa tay khi tham gia lễ hội ở thành phố Cheltenham ngày 12-3 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Anh nhiều lần khẳng định rửa tay là cách bảo vệ tốt nhất chống lại virus và nhắc lại vào ngày 12-3 rằng các nhà khoa học khuyên không nên đóng cửa các trường học như những nước khác.
Ông Johnson lập luận chống COVID-19 là một cuộc chiến dài hơi, do đó nếu bắt đầu các biện pháp cứng rắn quá sớm, trước cả giai đoạn thực sự cần áp dụng, có thể tạo ra những "mệt mỏi" cho xã hội.
Không ngạc nhiên khi cách tiếp cận của chính phủ Anh vấp phải chỉ trích từ những người cho rằng cần phải quyết liệt và cực đoan trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Họ chỉ ra chuyện các nước châu Âu khác đã bắt đầu đóng cửa trường học, quán xá và chất vấn vì sao London không làm điều tương tự.
Những người trung lập thì cho rằng trong khi học hỏi kinh nghiệm từ những nước khác, chính phủ Anh không nên áp dụng các biện pháp chống dịch một cách rập khuôn bởi điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi nước mỗi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận