23/05/2016 14:06 GMT+7

Ấn tượng từ Ba Đình

LÊ VĂN NUÔI (nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI)
LÊ VĂN NUÔI (nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI)

TTO - Vốn chỉ biết về Quốc hội qua hoạt động của Quốc hội Sài Gòn trước năm 1975 nên vào đầu năm 1976, khi tôi đang công tác tại Thành đoàn, được Thành đoàn và hội nghị Hiệp thương thành phố giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi khá bất ngờ.

Đại biểu Lê Văn Nuôi trong một buổi nói chuyện với thanh niên năm 1976 - Ảnh nhân vật cung cấp
Đại biểu Lê Văn Nuôi trong một buổi nói chuyện với thanh niên năm 1976 - Ảnh nhân vật cung cấp

Bản thân là một thanh niên tuổi còn trẻ và quá trình tham gia cách mạng chưa nhiều, nghĩ đến nhiệm vụ to lớn mà người đại biểu phải thực hiện, tôi băn khoăn lo cho khả năng mình; nhất là trong tình thế đời sống, tâm tư người dân và thanh niên SVHS Sài Gòn còn ngổn ngang lo lắng bao điều như tìm công ăn việc làm, đi học tập cải tạo, lý lịch dính dáng chế độ cũ...

Đại biểu trẻ tuổi

Tôi hiểu rằng mình được lãnh đạo thành phố và Thành đoàn giới thiệu ra ứng cử Quốc hội không phải do bản thân mình giỏi giang gì so với đội ngũ hàng trăm đàn anh, đàn chị. Cũng không chỉ do tôi trẻ tuổi - năm đó tôi vừa lên tuổi 24.

Có lẽ do tôi đã sinh trưởng tại Sài Gòn, đã đồng cam cộng khổ cùng đồng bào và giới trẻ Sài Gòn trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành hòa bình, độc lập, tự do. Hơn 10 tờ nhật báo ở Sài Gòn những năm 1970 hằng ngày đưa tin về hoạt động SVHS đi liền với những cái tên Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi... Do vậy những ứng cử viên như tôi và anh Huỳnh Tấn Mẫm dễ thu hút được phiếu tín nhiệm của dân chúng Sài Gòn.

Biết vậy nhưng trước mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, tôi vẫn chuẩn bị rất kỹ bài viết về chương trình tranh cử, về nội dung đề đạt Quốc hội những chính sách và chế độ tạo công ăn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, cho thanh niên lao động, tăng cường chế độ vật chất cho lực lượng thanh niên xung phong...

Trong các cuộc tiếp xúc, các bạn cử tri trẻ cũng góp ý, đặt hàng với chúng tôi xoay quanh vấn đề duy trì hòa bình, ổn định đời sống, mưu sinh lập nghiệp, phát triển sản phẩm văn hóa lành mạnh cho giới trẻ.

Dân Sài Gòn vốn tính khảng khái, bộc trực, nói thẳng, nên các cuộc vận động bầu cử Quốc hội người dân đến dự rất đông và hăng hái chất vấn, khiến nhiều ứng cử viên chúng tôi phải toát mồ hôi và căng đầu óc để nghĩ ra câu trả lời thuyết phục.

Lãnh đạo thành phố cũng hiểu dân tình Sài Gòn nên đã chỉ đạo các cấp chủ động mở ra nhiều phương thức vận động tranh cử sáng tạo, dân chủ. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri mang tính tranh cử, đối thoại, còn cho phép ứng cử viên viết bài đăng báo tự giới thiệu chương trình hoạt động của mình và báo chí được cử phóng viên phỏng vấn, viết bài giới thiệu cá nhân ứng cử viên.

Trong ngày bầu cử ở Sài Gòn, tôi tin là tuyệt đại người dân ai đã được phát phiếu đều tự nguyện đi bầu cử Quốc hội. Bởi lẽ họ nghĩ rằng: tham gia cuộc bầu cử vào thời điểm chỉ một năm sau ngày thống nhất chính là bày tỏ sự ủng hộ và hi vọng vào chế độ mới, đồng thời như một sự chứng thực cho cá nhân công dân này đã hội nhập vào xã hội mới.

Các ứng cử viên Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Nuôi... gặp gỡ 1.000 cử tri trẻ tại sân vận động Nhà văn hóa Thanh niên - số 4 Duy Tân vào tháng 4-1976 - Ảnh nhân vật cung cấp
Các ứng cử viên Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Nuôi... gặp gỡ 1.000 cử tri trẻ tại sân vận động Nhà văn hóa Thanh niên - số 4 Duy Tân vào tháng 4-1976 - Ảnh nhân vật cung cấp

Kỳ họp đầu tiên

Vào ngày 24-6-1976, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội thống nhất (khóa VI) trong không khí đoàn tụ toàn dân tộc tràn đầy xúc động.

Dù hội trường Ba Đình đã trở nên chật hẹp do vốn chỉ thiết kế không gian đủ cho số đại biểu Quốc hội miền Bắc trước năm 1976, nhưng niềm vui đoàn tụ hai miền Nam - Bắc sau 21 năm chia cách đã khiến mọi đại biểu ai cũng rạng ngời nét mặt vui tươi.

Ai cũng chen chúc nhìn mặt, bắt tay các nhân vật nổi tiếng như các nhà lãnh đạo chính trị Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình... Các tướng lĩnh như đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, thiếu tướng Nguyễn Thị Định - người chỉ huy đội quân tóc dài miền Nam... Các văn nghệ sĩ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Trà Giang... Nhiều anh hùng quân đội như anh hùng Núp, Võ Thị Thắng, Lê Thanh Đạo...

Mở đầu phiên họp, Ban bầu cử Quốc hội báo cáo kết quả bầu cử: tổng số đại biểu khóa VI là 492. Với cơ cấu thành phần: công nhân 16,2%, nông dân: 20,3%, trí thức: 19,9%, cán bộ chính trị: 28,6%, quân đội: 10,9%...

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh phát biểu nêu rõ nhiệm vụ của Quốc hội khóa VI - phiên họp thứ nhất này là xem xét quyết định đường lối chính sách chung, cơ cấu tổ chức bộ máy và bầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam khi chưa có Hiến pháp mới; thông qua các nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc ca; quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh.

Bàn về tên nước, đại biểu có hai luồng ý kiến chính: một là nhiều người đề nghị nên giữ lại tên Việt Nam dân chủ cộng hòa do Bác Hồ đặt từ năm 1946; hai là đặt tên mới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một số đại biểu, phần lớn người miền Nam, tuy băn khoăn về tên nước mới nhưng cuối cùng biểu quyết theo dự thảo.

Bàn về chọn thủ đô, một số đại biểu đề nghị nên dời thủ đô về thành phố Huế. Lý do chính là thuận tiện giao thông đi lại cho người dân cả nước, vì cố đô Huế nằm giữa dải đất nước dài hình chữ S và Huế cũng từng được triều đình nhà Nguyễn chọn làm kinh đô. Cũng có ý kiến đề xuất đưa thủ đô về Sài Gòn vì cơ sở vật chất ở đây khá tốt! Nhưng cuối cùng, đại biểu đã nhất trí cao vẫn chọn Hà Nội làm thủ đô.

Phần chọn quốc ca là tranh luận căng thẳng, kéo dài nhất. Nhiều đại biểu cho rằng đất nước đã chuyển sang giai đoạn hòa bình, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, quốc ca cần có nội dung phù hợp. Văn phòng Quốc hội đã chuyển những ý tưởng đổi quốc ca này đến Hội Nhạc sĩ VN và hội đã phát động cuộc thi sáng tác.

Sau đó, một số sáng tác quốc ca mới đã được trình diễn tại kỳ họp Quốc hội nhưng đại biểu Quốc hội vẫn không chọn được bài nào. Nên Quốc hội khóa VI biểu quyết vẫn giữ bài Tiến quân ca làm quốc ca.

Vào một ngày nghỉ cuối tuần giữa kỳ họp đầu tiên đó, bất ngờ có hai người chị ruột của tôi là Lê Thị An, Lê Thị Thái cùng chồng và các con lặn lội từ quê nhà huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đến nhà nghỉ Quốc hội thăm tôi.

Chị em tôi nghẹn ngào ôm nhau khóc, vì lần đầu gặp mặt nhau sau cuộc chiến kéo dài phân đôi giới tuyến Bắc - Nam. Bởi lúc xảy ra nạn đói năm 1945, cha tôi đã rời bỏ vợ con ở quê nhà, đeo xe lửa vào miền Nam tha phương cầu thực.

Ông phiêu bạt đến tỉnh Lộc Ninh làm phu cạo mủ đồn điền cao su, rồi gặp và kết hôn với mẹ tôi từ Hải Lăng, Quảng Trị cũng tìm đến đây làm phu cạo mủ cao su. Đến năm 1948, cha mẹ lên Sài Gòn, tìm mua mấy ao rau muống ở ven quận 4, san lấp làm nhà ở và sinh chị em tôi tại đất Sài Gòn...

Sau bữa cơm hội ngộ, anh chị tôi kể một câu chuyện khiến tôi nghẹn lòng:

- Cậu được làm đại biểu Quốc hội là cứu cả họ hàng mình đấy! Vì kể từ sau khi cha bỏ quê vào Nam năm 1945, các ông quan làng xã cứ cho rằng bố mình vào Nam là theo giặc! Nên gia đình, họ hàng nhà mình bị họ o ép trăm bề, từ chuyện chia đất hợp tác xã để trồng lúa, đến chuyện vào Đoàn, vào Đảng.

Cả họ hàng mình không ai được kết nạp vào Đảng cả dù có nhiều người từng đi bộ đội! Nên khi đọc thấy các báo ở Hà Nội đăng tên tuổi, hình ảnh cậu Nuôi là đại biểu Quốc hội, anh chị mừng quá tìm mua báo cắt dán các bài báo đó lên vách nhà...

_____________

Kỳ tới: "Xin đừng quên dân"

LÊ VĂN NUÔI (nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên