13/12/2023 13:37 GMT+7

Ấn Độ phát triển bệnh viện dã chiến phẳng, có thể thả xuống vùng thảm họa từ trên không

Ấn Độ đã thiết kế và sản xuất bệnh viện dã chiến phẳng, có thể vận chuyển tới vùng thảm họa bằng trực thăng và lắp ráp nhanh chóng.

Phòng mổ của bệnh viện dã chiến do Bộ Y tế Ấn Độ phát triển. Nó bao gồm một máy chụp X-quang và siêu âm mini, chạy bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: theguardian.com

Phòng mổ của bệnh viện dã chiến do Bộ Y tế Ấn Độ phát triển. Nó bao gồm một máy chụp X-quang và siêu âm mini, chạy bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: theguardian.com

Bệnh viện dã chiến mới lạ này bao gồm 72 khối nhỏ không thấm nước, mỗi khối nặng dưới 15kg và có kích thước 38 cm x 38 cm x 38 cm. Chúng gồm các lều và thiết bị y tế được thiết kế đặc biệt.

Máy bay và trực thăng có thể vận chuyển rồi thả các khối này xuống khu vực chiến tranh hoặc các địa điểm xảy ra thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và động đất ở vùng sâu vùng xa. Năm người được đào tạo sẽ mất một giờ để lắp ráp các khối thành một bệnh viện đầy đủ chức năng để các bác sĩ điều trị vết thương và phẫu thuật. Mỗi bệnh viện dã chiến này được trang bị để điều trị cho tối đa 200 bệnh nhân.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết: "Nó có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế quan trọng, trở thành phao cứu sinh ở những địa hình xa xôi và khó khăn, nơi cần được chăm sóc y tế ngay lập tức".

Bệnh viện dã chiến Aarogya Maitri Aid Cube, chính thức ra mắt trong tuần này, có các phòng chăm sóc đặc biệt nhỏ, một phòng phẫu thuật và nhiều thiết bị y tế bao gồm máy chụp X-quang, siêu âm và máy thở. Nó được cung cấp năng lượng từ một máy phát điện sạc bằng các tấm pin Mặt Trời, có nước và khu vực nấu ăn.

Bệnh viện này nằm trong dự án chăm sóc sức khỏe đầy tham vọng do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi xướng nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Công ty nhà nước HLL Lifecare là đơn vị thiết kế bệnh viện dã chiến Aarogya Maitri Aid Cube.

Bác sĩ Ankita Sharma, chuyên gia tư vấn của HLL Lifecare, cho biết: "Nếu nhu cầu trước mắt tại địa điểm là phẫu thuật thì phòng mổ có thể được lắp ráp trước. Việc này chỉ mất 10 phút. Các bác sĩ có thể bắt đầu phẫu thuật trong khi các khối còn lại được lắp ráp".

Mặc dù chức năng của 60 khối là cố định nhưng 12 khối còn lại có thể sửa đổi để phù hợp với tình huống khác nhau. Bác sĩ Ankita Sharma giải thích: "Nếu đó là trận động đất khiến nhiều người bị gãy xương thì bạn hãy đóng gói thêm các khối chứa thiết bị điều trị chấn thương xương và loại bỏ một số bộ dụng cụ trị vết thương chảy máu cho những người lính bị trúng đạn hoặc bom".

Bà Sharma cho biết HLL Lifecare phải mất một năm làm việc với các bác sĩ, quân y, kỹ sư để đưa ra bản thiết kế bệnh viện dã chiến này.

Một máy tính bảng đi kèm trong mỗi khối được lập trình để giảm thiểu lỗi lắp ráp và âm thanh cảnh báo sẽ phát ra nếu đặt sai thiết bị vào bất kỳ khối nào. Một ứng dụng cũng giúp người dùng nhanh chóng xác định vị trí các thiết bị trong khối, theo dõi việc sử dụng và ngày hết hạn của chúng, đồng thời đảm bảo chúng sẵn sàng cho việc triển khai tiếp theo.

Chính phủ Ấn Độ đã tặng bệnh viện dã chiến này cho Sri Lanka và Myanmar./.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên