24/01/2024 13:51 GMT+7

Ấn Độ khánh thành ngôi đền Hindu gây tranh cãi

Các nhà phân tích cho rằng việc thực hiện lời hứa xây dựng đền Ram Mandir sẽ giúp ích cho Thủ tướng Modi khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Nhưng việc xây dựng ngôi đền Hindu này gây nhiều tranh cãi.

Tín đồ Hindu vọng bái ngôi đền mới khánh thành - Ảnh: Reuters

Tín đồ Hindu vọng bái ngôi đền mới khánh thành - Ảnh: Reuters

Đầu tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến làm lễ khánh thành ngôi đền mới khổng lồ ở thành phố Ayodhya (bang Uttar Pradesh), được cho là nơi hạ sinh thần Rama trong truyền thuyết.

Ngôi đền Hindu này được xây dựng để thờ phụng thần Rama - hóa thân thứ 7 của thần Vishnu, và cũng là nhân vật chính trong sử thi Ramayana nổi tiếng.

Lịch sử chất chồng

Hơn 7.000 người đã được mời đến Ayodhya để trực tiếp dự buổi lễ khánh thành đền Ram Mandir. Các chính trị gia cấp cao Ấn Độ bay đến từ khắp đất nước rộng lớn này. Và hàng chục ngàn người theo đạo Hindu đổ về đây để đặt hoa bên trong ngôi đền.

Tuy nhiên, việc xây dựng ngôi đền trên gây nhiều tranh cãi. Theo báo New York Times, việc khánh thành ngôi đền đã khép lại một chiến dịch lâu dài, trong đó các tín đồ Hindu giáo (Ấn Độ giáo) theo chủ nghĩa dân tộc phá bỏ một nhà thờ Hồi giáo hàng trăm năm tuổi và thay thế bằng công trình kiến trúc dành cho thần Rama.

Ngôi đền này được xây trên nền nhà thờ Hồi giáo Babri Masjid có từ năm 1528. Đáng nói là Babri Masjid lại được cho là xây dựng trên tàn tích của một ngôi đền Hindu. Năm 1992, các tín đồ Hindu cực đoan đã phá sập nhà thờ Hồi giáo này, gây ra các vụ bạo lực khắp tiểu lục địa Ấn Độ, dẫn đến cái chết của khoảng 2.000 người, chủ yếu là những người theo đạo Hồi.

Do đó vùng đất trên là nơi xảy ra các cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập niên giữa cộng đồng đạo Hindu và đạo Hồi. Đến năm 2019, Tòa án tối cao Allahabad ở bang Uttar Pradesh ra phán quyết vùng đất được giao lại cho người theo đạo Hindu, và một quỹ tín thác sẽ giám sát việc xây dựng ngôi đền Hindu tại đây.

Một mảnh đất riêng ở làng Dhannipur thuộc ngoại ô Ayodhya được trao cho người Hồi giáo để xây dựng một công trình thay thế cho nhà thờ Babri Masjid, nhưng đến nay việc xây dựng vẫn chưa bắt đầu.

Trong khi một bộ phận người dân Ấn Độ ủng hộ phán quyết này, một bộ phận khác lại chỉ trích phán quyết thiếu cơ sở pháp lý vững chắc. Người dân địa phương chỉ ra lịch sử chung sống hòa thuận của hai cộng đồng ở Ayodhya, ngay cả ở những nơi thờ phụng.

Người ta còn lo ngại phán quyết này khuyến khích những người theo đạo Hindu cánh hữu trên khắp Ấn Độ tiến hành những nỗ lực tương tự nhằm san bằng các nhà thờ Hồi giáo khác.

Tín đồ và du khách bên ngoài ngôi đền Ram Mandir ngày 22-1 - Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ

Tín đồ và du khách bên ngoài ngôi đền Ram Mandir ngày 22-1 - Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ

Lời hứa nhiều thập niên

Các nhóm theo đạo Hindu, Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Modi và các nhóm liên quan miêu tả việc mở cửa ngôi đền này là một phần của thời kỳ "phục hưng Hindu giáo" sau nhiều thế kỷ bị các thế lực bên ngoài chinh phục. Ông Modi cho rằng việc khánh thành ngôi đền "đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới".

Thủ tướng Modi lên nắm quyền vào năm 2014, với cam kết cải cách nền kinh tế đất nước và mở ra một kỷ nguyên phát triển mới. Ông cũng thúc đẩy mạnh mẽ chương trình nghị sự theo Hindutva (Ấn Độ giáo tính) - một hệ tư tưởng tin rằng Ấn Độ nên trở thành vùng đất của người theo đạo Hindu.

Nhiều bang ở Ấn Độ đã thông qua đạo luật mà giới chỉ trích cho rằng có nguồn gốc từ Hindutva và phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo. Trong đó có các luật khiến những cặp đôi có tín ngưỡng khác nhau ngày càng khó kết hôn, và cấm giết mổ hay vận chuyển bò - loài động vật được coi là linh thiêng đối với người theo đạo Hindu.

Và một trong những lời hứa quan trọng của ông Modi với cử tri Ấn Độ là xây dựng đền Ram Mandir trên vùng đất mà nhà thờ Hồi giáo đã bị phá sập. Việc xây dựng ngôi đền này là lời hứa trọng tâm kéo dài 35 năm của BJP và cũng là vấn đề chính trị gây tranh cãi đã đưa BJP đến với quyền lực.

Các nhà phân tích cho rằng việc thực hiện lời hứa giờ đây sẽ giúp ích cho ông Modi khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới.

Ông Nilanjan Mukhopadhyay, nhà phân tích chính trị và là tác giả cuốn sách viết về vụ phá hủy nhà thờ Hồi giáo năm 1992, nhận định việc ông Modi quyết định chủ trì lễ khánh thành ngôi đền trên là dấu hiệu cho thấy sự thắng thế của đạo Hindu ở Ấn Độ, và cũng cho thấy ranh giới giữa nhà nước - tôn giáo ngày càng trở nên mờ nhạt như thế nào.

Hầu hết đảng đối lập không dự lễ khánh thành ngôi đền, cho rằng sự kiện này đã bị biến thành sự kiện chính trị. Với việc ngôi đền vẫn chưa được xây dựng hoàn tất, giới chỉ trích cáo buộc ông Modi vội vã mở cửa ngôi đền này nhằm thu hút cử tri.

217 triệu USD

Đó là chi phí ước tính xây đền Ram Mandir trên diện tích gần 3ha, cao 50m. Công trình 3 tầng làm bằng đá sa thạch hồng này sẽ mở cửa cho công chúng sau buổi lễ khánh thành và dự kiến đón 100.000 tín đồ đến mỗi ngày. Các nhà xây dựng đang nỗ lực hoàn thiện 46 cánh cửa và những bức chạm khắc tinh xảo trên tường.

Khánh thành cây cầu vượt biển dài nhất Ấn ĐộKhánh thành cây cầu vượt biển dài nhất Ấn Độ

Ngày 12-1, Thủ tướng Narendra Modi đã khánh thành “Atal Setu”, cây cầu vượt biển dài nhất Ấn Độ ở thành phố Mumbai, bang Maharashtra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên