15/07/2019 09:47 GMT+7

Ấn Độ bất ngờ hoãn phóng tàu thăm dò Mặt Trăng vì lý do kỹ thuật

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ấn Độ hôm nay (15-7) đột ngột hủy phóng tên lửa mang theo tàu vũ trụ thăm dò bề mặt Mặt Trăng của nước này, chỉ 56’ trước thời điểm phóng dự kiến vì trục trặc kỹ thuật.

Ấn Độ bất ngờ hoãn phóng tàu thăm dò Mặt Trăng vì lý do kỹ thuật - Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ - Ảnh: ISRO/EPA

Theo Hãng tin AFP, việc hủy bỏ bất ngờ này cũng đồng nghĩa với việc tàu vũ trụ Chandrayaan-2 (hay Moon Chariot 2) không thể thực hiện sứ mệnh tham vọng nhằm đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4, sau Nga, Mỹ và Trung Quốc, có thể đưa tàu vũ trụ lên khám phá bề mặt Mặt Trăng.

Những khoảnh khắc đếm ngược cho sự kiện trên đáng lẽ sẽ đi vào lịch sử Ấn Độ tại Trung tâm không gian Satish Dhawan đã dừng lại lúc 56 phút 24 giây, trước thời điểm phóng dự kiến vào 2h51’ sáng 15-7 giờ địa phương, tức 4h21’ sáng cùng ngày giờ Việt Nam.

Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) thông báo trên tài khoản Twiter: "Đã có một trục trặc kỹ thuật được tìm ra trong hệ thống phương tiện phóng vào phút thứ 56".

Theo đó "Để phòng ngừa, việc phóng tàu vũ trụ #Chandrayaan2 đã bị hủy hôm nay. Ngày phóng mới sẽ được thông báo sau".

Các quan chức tại trung tâm không gian trên hòn đảo ngoài khơi bờ biển bang Andhra Pradesh cũng cho biết trục trặc nằm ở hệ thống phóng tàu vũ trụ.

IRSO không thông báo thời điểm nào có thể tiến hành lại việc phóng tàu thăm dò bề mặt Mặt Trăng.

Kế hoạch chinh phục "chị Hằng" tham vọng của Ấn Độ được dư luận chú ý nhiều hơn, bởi thời điểm phóng tàu Chandrayaan2 dự kiến diễn ra chỉ 5 ngày trước thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia Neil Armstrong người Mỹ đặt bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng.

Ấn Độ đã tiêu tốn 140 triệu USD cho công tác chuẩn bị sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng của tàu Chandrayaan2.

Họ cũng tự hào tuyên bố: đây là khoản chi phí "rẻ" nhất cho tới nay với một sứ mệnh lớn như vậy. Gần như mọi bộ phận, thiết bị cấu thành của tàu Chandrayaan2 đều đã được thiết kế và chế tạo tại Ấn Độ.

Trong quá khứ, nước Mỹ từng phải bỏ ra 25 tỉ USD, tương đương với hơn 100 tỉ USD nếu tính theo trượt giá ở thời điểm hiện tại, cho 15 sứ mệnh chinh phục không gian của tàu Apollo trong những năm 1960 và 1970.

Những hiện vật ấn tượng về 400 năm quan sát Mặt trăng của con người Những hiện vật ấn tượng về 400 năm quan sát Mặt trăng của con người

TTO - Khoảng 400 năm quan sát Mặt trăng, chủ yếu qua hình ảnh, đang được triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (MET) ở New York, Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện tàu Apollo 11.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên