25/02/2016 11:30 GMT+7

Ám ảnh Malakal

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Melut - một tỉnh của Thượng Nin - vùng cực bắc của Nam Sudan, giáp với biên giới nước Bắc Sudan là đất nước đã tách ra. Melut là vùng chiến sự đầy bất ổn.

Thượng tá Mạc Đức Trọng cùng lực lượng bộ binh của Nepal hộ tống đoàn xe của LHQ từ Juba đi Bor - Ảnh: nhân vật cung cấp
Thượng tá Mạc Đức Trọng cùng lực lượng bộ binh của Nepal hộ tống đoàn xe của LHQ từ Juba đi Bor - Ảnh: nhân vật cung cấp

“Ở đây, quân chính phủ và quân đối lập đụng độ thường xuyên. Một tháng họ đánh nhau một vài lần”, thượng tá Mạc Đức Trọng cho hay.

Nhiệm vụ khó khăn

Anh nhớ lại: “Khi tôi từ thủ đô Juba xuống Malakal - thủ phủ bang Thượng Nin, dân tị nạn thiếu nước, tràn cả vào trong căn cứ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) giật những đường đấu nước trong toilet lấy nước để nấu ăn, uống.

Lúc đó là mùa mưa, kể cả trong căn cứ cũng khó đi lại vì bùn, khắp nơi là cảnh tượng hàng nghìn con chó, rồi bò, dê, người... đi lại lẫn lộn với nhau.

Chưa bao giờ tôi nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp như thế. Căn cứ của LHQ thì nhỏ mà có đến 60.000 - 70.000 dân tị nạn, đông đúc, chen lấn vào nhau. Họ ở khu riêng, cách khu của LHQ một tí chứ chẳng có hàng rào phân cách rõ ràng.

Dù có phân ra khu này là của LHQ nhưng người dân thiếu gì là cứ vào lấy. Toilet cũng phải khóa, nhà cửa phải khóa hết lại. Không trường học, chợ búa gì. Bị đốt hết!”.

Ở tỉnh Melut, nhà dân chỉ có những túp lều tranh lợp từ cỏ, rơm và trộn bùn đất. Tuyệt nhiên không có tòa nhà nào như ở thủ đô Juba. Đất nước nội chiến. Người dân sống trong cảnh tứ tán, khổ sở.

Nhà cửa cứ lực lượng này vô đốt sạch, một thời gian sau người dân về dựng lại lều, lại bị đốt, rồi chạy. Họ ở rất tạm bợ, lấy vải bạt che.

Malakal là chiến trường trọng điểm trong những trận đánh của quân chính phủ và quân đối lập. Khi đánh nhau, họ phá luôn trạm phát sóng nên lực lượng gìn giữ hòa bình không liên lạc được với chính quyền địa phương. Điện thoại gần như không dùng được.

May mắn là trong hệ thống liên lạc của phái bộ có chảo vệ tinh riêng nên vẫn liên lạc bình thường, kể cả điện thoại bàn.

Vấn đề phức tạp và khó khăn lại ở chỗ đối tượng mà sĩ quan liên lạc luôn thay đổi tùy theo tình hình: hôm nay anh làm việc với người phe này thì hôm sau làm việc với phía bên kia. Nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc là phải làm việc với các phe để đảm bảo các chuyến bay của LHQ không bị bắn.

“Phe nào kiểm soát tình hình thì mình phải làm việc với thủ lĩnh phe đó. Tháng này quân chính phủ đánh, kiểm soát thành phố thì chúng tôi làm việc với quân chính phủ. Tháng sau họ đánh lại, quân đối lập kiểm soát thì phải làm việc với quân đối lập.

Chúng tôi cũng phải làm việc với cả lực lượng thua trận, tìm xem họ chạy đâu để mình đến thương lượng khi bay, đảm bảo rằng họ không bắn máy bay mình vì họ từng bắn cháy máy bay của LHQ rồi.

Phải làm việc với họ và bảo họ đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của chúng tôi, không được bắn. Từ lúc có máy bay bị bắn, hằng ngày chúng tôi phải là người khẳng định bay được thì mới bay.

Mà muốn khẳng định chúng tôi phải liên lạc được với lực lượng nào đang kiểm soát tình hình. Nếu không thì không dám báo để bay”.

Lúc đó ở quốc gia chìm trong nội chiến liên miên như Nam Sudan, với các tổ chức của LHQ hoạt động ở đây, con đường vận chuyển nhanh nhất là đường không. Căn cứ của phái bộ LHQ tại Nam Sudan ở bang Malakal có ba tiểu đoàn thì hằng tuần, hằng tháng đều đổi quân.

Anh em nhân viên đi phép, đi công tác. Rồi những chuyến bay cứu trợ, chuyến bay đổi quân, chuyển người... đủ mọi thứ.

Thượng tá Mạc Đức Trọng kể: “Tất cả mọi hoạt động hằng ngày đều phụ thuộc vào vận tải. Không có vận tải là... chết luôn”.

Anh kể tiếp: “Bạn cứ tưởng tượng hàng trăm nghìn người phụ thuộc vào chuyến bay mà không bay được thì sẽ như thế nào. Có lúc 15 ngày không có chuyến bay, không có gì để ăn. Có thời điểm cạn kiệt nguồn thực phẩm, căngtin đóng cửa không bán buổi sáng, chỉ bán bữa trưa, không bán bữa tối. Chúng tôi phải tự nấu ăn. May có mang nồi niêu từ VN sang. Chợ mỗi lần đánh nhau giải tán sạch bách. Ra đường như thành phố ma”.

Trại tị nạn ở Melut bị tấn công, dân thường được đưa vào container - Ảnh: Mạc Đức Trọng
Trại tị nạn ở Melut bị tấn công, dân thường được đưa vào container - Ảnh: Mạc Đức Trọng

Tuần tra và áp tải

Nguy hiểm nhất là khi đi vào vùng chiến sự trong thời điểm khó khăn để làm nhiệm vụ. Khi xung đột xảy ra, các hoạt động cứu trợ quốc tế bị ngừng. Các tổ chức nhân đạo rút hết vào căn cứ của LHQ.

Sau xung đột, nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc là đi đến các vùng xung đột gặp chỉ huy của các bên để đàm phán nối lại hoạt động cứu trợ giúp hàng ngàn người dân được cấp lương thực ăn hằng ngày.

Sĩ quan liên lạc phải lấy được cam kết để hoạt động cứu trợ được nối lại và tính mạng của nhân viên LHQ được an toàn. Đó là thử thách rất lớn.

Ở tỉnh Melut tập trung ba kiểu trại tị nạn: trại tị nạn của LHQ nằm trong sự bảo vệ của LHQ, trại tị nạn nằm ngoài LHQ do các tổ chức nước ngoài tài trợ và trại tị nạn của nước Bắc Sudan.

Thượng tá Mạc Đức Trọng cho biết: “Có những người làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nhưng không bao giờ tiếp xúc với dân như bộ phận đối ngoại, đào tạo, hậu cần, hành chính... 96 - 97% lực lượng ngồi văn phòng là chính, không ra ngoài.

Chỉ có mỗi sĩ quan liên lạc như chúng tôi ngày nào cũng ra ngoài đường, gặp dân, gặp quân. Mình đến trại tị nạn, họ lúc nào cũng đói, kể rằng bao nhiêu ngày chưa được phân phát lương thực. Người dân rất mong chờ những chuyến phà chở lương thực đến...”.

Ở Melut, công việc hằng ngày của thượng tá Trọng là phân lịch đi tuần tra, trực tiếp đi tuần tra ở các khu vực mà các bên đang xung đột, đang tranh chấp; giám sát các phe phái và nhiệm vụ tối cao là bảo vệ dân thường.

“Đi tuần tra là đi gặp các thủ lĩnh, gặp gỡ các đơn vị của địa phương, của chính phủ, của đối lập hoặc của dân quân để nắm tình hình; rồi tuần tra ở các trại tị nạn”, thượng tá Mạc Đức Trọng nói.

Khi tuần tra đường bộ dài ngày, sĩ quan liên lạc phải mang theo đầy đủ trang thiết bị (điện thoại vệ tinh, định vị, áo giáp, mũ bảo vệ, radio liên lạc trong đoàn xe, bản đồ...), nhu yếu phẩm đề phòng tình huống xấu nhất.

“Ngoài nhiệm vụ đi tuần tra, chúng tôi còn phải hộ tống các chuyến hàng cứu trợ của những tổ chức nhân đạo của LHQ, các chuyến hàng chở nhiên liệu, tiếp tế hậu cần, trang bị của LHQ chuyển từ một nơi nào đó đến vùng mình phụ trách”.

Suốt thời gian làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, thượng tá Mạc Đức Trọng đã năm lần áp tải nhiên liệu và hàng hóa cứu trợ bằng đường sông trên quãng đường dài hơn 5.000km từ phía nam lên cực bắc của Nam Sudan.

Biên chế nhóm của anh Trọng có 10 người ở Na Uy, Ấn, Nepal, Ethiopia, Việt Nam, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đức... nhưng liên tục thay đổi vì hết nhiệm kỳ lại về nước, chỉ khoảng sáu người thường xuyên gắn bó với nhau.

Anh Trọng cho hay: “Các nước thường cử sĩ quan hàm thiếu tá đi làm nhiệm vụ. Có nước cũng cử sĩ quan hàm trung tá nhưng không nhiều. Nhóm tôi lúc đó chỉ có hai người quân hàm trung tá”.

Thông thường quân hàm trung tá Mạc Đức Trọng cao hơn các sĩ quan đồng nghiệp. Và người quân hàm cao phải đứng ra thương lượng, đàm phán.

Thế nên, trong một năm làm sĩ quan liên lạc cho phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan, không biết bao lần thượng tá Mạc Đức Trọng phải đối diện với rất nhiều tình huống nghẹt thở khi làm “thuyết khách” ở quốc gia đang có nội chiến này.

_____________

Kỳ tới: Hiểm nguy rập rình

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Bay đến đất nước nội chiến

>> Kỳ 2: Nhiệm vụ đầu tiên

 

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên