Với sự hiện diện những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới, có thể xem LHP Cannes năm nay là cuộc thi của những giá trị điện ảnh đã được khẳng định trong quá khứ.
Lars Von Trier, kẻ phá phách của điện ảnh
Phóng to |
Lars Von Trier, kẻ phá phách của điện ảnh |
Trailer của phím Melancholia- Nguồn: YouTube |
Mỗi lần phim mới của Lars Von Trier ra đời, khán giả lại háo hức chờ đón như một cái gì mới mẻ lần đầu của điện ảnh.
Sự nghiệp của vị đạo diễn người Đan Mạch này có lẽ đáng nhớ nhất là giai đoạn Dogme 95. Lars von Trier đã khởi xướng Dogme 95, một trào lưu nhằm “ khắc kỷ hóa” và “ trần trụi hóa” điện ảnh với những quy ước tưởng chừng kỳ lạ và khắt khe trong việc làm phim: phim phải quay ở bối cảnh thật, phim không được dùng nhạc, máy quay phải cầm tay, ánh sáng đặc biệt không được chấp nhận, tên đạo diễn không được xuất hiện trên credit…
Năm 2000, Lars Von Triers mang đến cho điện ảnh thế giới một bộ phim kỳ lạ và đầy náo động: Dancer in the dark (Vũ công trong bóng tối, phim đoạt Cành Cọ Vàng 2000). Bộ phim phần nào vẫn dựa trên những quy ước của Dogme 95. “ Dancer in the dark” là câu chuyện về Selma, người phụ nữ nhập cư trên đất Mỹ, Selma biết mình sắp bị mù hoàn toàn vì một căn bệnh và điều bất hạnh là con trai cô chắc chắn cũng sẽ mắc bệnh giống cô nếu không được điều trị sớm.
Bộ phim là sự xen lẫn giữa những giấc mơ của Selma và một thực tại phũ phàng cay nghiệt. Dư vị đọng lại của bộ phim có lẽ là vi đắng của số kiếp con người, vị chua chát đau đớn của những bất hạnh trong cuộc sống. Những ai từng xem phim ắt hăn nhớ mãi bài ca cuối cùng của Selma trước khi bước đến cái chết, bài ca run rẩy sợ hãi của một người phụ nữ yếu ớt vô tội, nhưng đồng thời nó cũng thánh thiện cao cả làm sao, Selma hát như chú chim hót tiếng hót cuối cùng trước khi lao mình vào gai nhọn.
Năm 2009, khán giả lại một lần nữa sốc với điện ảnh của Lars Von Trier. Bộ phim “Antichrist” (Kẻ chống chúa) xuất hiện ở Cannes 2009 như một quả bom gây ra những tranh cãi dữ dội. Bộ phim tràn ngập những màn bạo lực, tình dục mà có lẽ phải xem tận mắt trên màn ảnh rộng mới cảm nhận hết “ sự kinh hoàng” của nó. Cho dù bộ phim có làm bao người điêu đứng kinh hãi, chỉ trích thì không thể phủ nhận một điều rằng Lars Von Trier dường như là tác giả duy nhất trong điện ảnh đương đại mà mỗi bộ phim của ông đều chứa đựng những sáng tạo và thử nghiệm trong điện ảnh.
Dường như năm nào có Lars Von Trier là năm đó Cannes trở nên náo nhiệt hơn hẳn. Năm nay, mọi sự chú ý đổ dồn vào “Melancholia” ( tạm dịch: Bệnh u sầu), đây hẳn sẽ là một bộ phim quái dị và đầy thách thức nữa của Lars Von Trier.
Terrence Malick, “người xa lạ” của điện ảnh Mỹ
Phóng to |
Terrence Malick, “người xa lạ” của điện ảnh Mỹ |
Trailer của phím Tree of life- Nguồn: YouTube |
Gần 40 năm, 5 phim dài, một con số phim nghiệp quá ít so với hầu hết đạo diễn Mỹ. Và Terrence Malick dường như là một đạo diễn kín tiếng.
Điện ảnh của Terrence Malick mang dáng dấp sử thi với số lượng nhân vật lớn và đề cập đến những chủ đề mang tính thời đại. Phong cách làm phim của Malick nhẹ nhàng, giàu tính nhạc, mỗi bộ phim hệt như một bài thơ trữ tình hòa quyện tinh tế giữa cảnh sắc và con người.
“The thin red line” (Làn ranh đỏ mong manh, 1998), một bộ phim chiến tranh trên cả tuyệt vời của Terrence Malick. Bộ phim kể lại những ngày chiến đấu của lính Mỹ trên hòn đảo Guadancanal trong thế chiến thứ hai. Không vướng vào lối mòn ngợi ca chủ nghĩa anh hùng Mỹ như những phim chiến tranh khác, “The thin red line” tập trung vào miêu tả những chuyển biến tâm lý nhỏ nhặt của từng người lính, với những nỗi sợ, sự hoang mang, nỗi nhớ nhà da diết, lòng dũng cảm….
Cũng như bao phim khác của Terrence Malick, thiên nhiên trong phim sống động và đồng điệu cùng với tâm hồn con người. Đang trận chiến ác liệt là thế, đang bom nổ tung trời là thế, nhưng chỉ cần một cánh bướm tím bay ngang qua những bóng hình người lính co quặp né tránh đạn bom thì tự nhiên mọi xúc động dâng trào trong tâm hồn người xem, cánh bướm mỏng manh xinh đẹp trở nên yếu ớt trước trận mưa bom đạn như một cách ẩn dụ cho sự khắc nghiệt, tàn bạo và phi lý của chiến tranh.
Điện ảnh tác giả dường như là một khái niệm mờ nhạt ở Hollywood, nơi điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp sinh lời hàng tỷ đô mỗi năm. Những tác giả trong điện ảnh Mỹ thì không nhiều nhưng có lẽ chình vì sự ít ỏi đó mà mỗi đạo diễn- tác giả của điện ảnh Mỹ đều là những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới: Woody Allen, anh em nhà Coen, Paul Thomas Anderson, Sofia Coppola,…và tất nhiên là Terrence Malick.
Năm nay khán giả lại hồi hộp chờ đón bộ phim “Tree of life”, “Cây của sự sống”, bộ phim được dự báo sẽ là một “kiệt tác” nữa của Terrence Malick, và là một ứng viên sáng giá cho giải Cành Cọ Vàng cũng như Oscar 2012.
Năm 1978, Terrence Malick nhận giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Cannes với bộ phim tuyệt đẹp “Days of heaven” (Những ngày thiên đường). Liệu năm nay sẽ là lần đầu tiên Malick đặt tay lên Cành Cọ Vàng?
Anh em nhà Dardenne và chiến thắng lần thứ 3?
Phóng to |
Anh em nhà Dardenne |
Trailer của phím The kid with a bike - Nguồn: YouTube |
Cho đến hôm nay, chỉ có 6 đạo diễn từng hai lần đoạt Cành Cọ Vàng, trong số này có “Bố già” của điện ảnh Mỹ Francis Ford Coppola. Anh em đạo diễn nhà Dardenne (Jean Pierre Dardenne và Luc Darnenne) gia nhập hội những người xuất sắc này với hai phim: Rosetta, 1999 và L’enfant (Đứa con), 2005.
Điện ảnh của anh em Dardenne là điện ảnh của hiện thực trần trụi, hơi thở cuộc sống của xã hội Bỉ đương đại tràn ngập trong phim. Được kể bằng một phong cách đơn giản, không cầu kỳ kiểu cách, điện ảnh của anh em Dardenne cúi mình xuống những con người nghèo khổ, thất nghiệp (Rosetta, 1999), những thanh niên bụi đời L’enfant, 2005), những người nhập cư bất hợp pháp (Lorna’s silence, Sự im lặng của Lorna, 2008),…
Chịu nhiều ảnh hưởng trong phong cách kể “triệt tiêu cảm xúc” của Robert Bresson, phim của anh em Dardenne nhiều khi lạnh lùng đến ghê người. “Rosetta” có lẽ là một phim u ám nhất về thân phận con người từ trước đến giờ, bộ phim kể lại hành trình đi tìm việc làm của cô gái Rosetta sau khi bị đuổi việc một cách vô lý. Trong hành trình này, cô quen được một chàng trai bán bánh, một chút tình cảm nảy sinh giữa hai người. Nhưng khi chàng trai rơi xuống nước, gần như chết đuối, Rosetta đứng trên bờ và chần chừ không cứu vì một lẽ rất đơn giản: nếu chàng trai chết, cô sẽ có công việc bán bánh của anh ta.
“Rosetta”, cũng như nhiều phim khác của anh em Dardenne, đều có một kết thúc mở. Số phận các nhân vật vẫn trôi nổi, vẫn mãi là một dấu hỏi trong lòng người xem. Khi nói phim của anh em Dardenne được kể bằng cách “triệt tiêu mọi cảm xúc”, không đồng nghĩa với việc phim của anh em Dardenne khô khan, thiếu cảm xúc mà ngược lại, chính những phim của anh em Dardenne đã chạm đến phần sâu nhất trong trái tim mỗi người xem, vì lẽ những bộ phim lạnh lùng, tỉnh táo kể về những mảnh đời bất hạnh này đã khiến người xem tự vấn lại bản thân và mang đến cho người xem hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Anh em Dardenne đến Cannes năm nay với bộ phim “The kid with a bike” (Cậu bé với chiếc xe đạp), kể về một cậu bé 11 tuổi được một người phụ nữ giúp đỡ sau khi cậu bé bị ba mình bỏ rơi. Nghe có vẻ thú vị và đáng xem, nhưng liệu lần này anh em Dardenne có lập nên chiến công là người đầu tiên 3 lần đoạt Cành Cọ Vàng?, điều này có lẽ khó xảy ra, nhưng biết đâu đấy, vì đây là Cannes- nơi mọi giấc mơ điện ảnh trở thành sự thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận