Phóng to |
Về lại Rừng Na Uy để gặp lại anh sinh viên Toru Wanatabe với hai cô bạn gái của anh, Naoko và Midori, để sống lại cùng ba người trẻ tuổi một quãng đời tuổi trẻ đầy băn khoăn, nghi hoặc, chán chường và hi vọng, trong cuộc sống xã hội Nhật Bản những năm 1960.
Nhưng lần về lại này là trên một bộ phim do đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng viết kịch bản và đạo diễn dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Cuốn tiểu thuyết viết năm 1987, Trần Anh Hùng đọc bản tiếng Pháp năm 1994, và phải hơn 15 năm sau bộ phim mới ra đời, sau khi được nhà văn Nhật Bản đồng ý: "Hùng hãy cứ làm một bộ phim của Hùng".
Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng vừa bám sát truyện, vừa vẫn là một tác phẩm điện ảnh độc lập. Kenichi Matsuyama vào vai nhân vật chính Toru Watanabe rất đạt. Vẻ mặt, ánh mắt, lời nói, cử chỉ của diễn viên này đã diễn tả và thể hiện được trạng thái tinh thần của người sinh viên tuổi 20 trước bao trăn trở của cuộc sống, trong quan hệ trái chiều với những cô gái mà tình dục chỉ là một cách thế bộc lộ cái chập chờn, mong manh bên trong con người.
Watanabe của Matsuyama khiến người xem đồng cảm, thông cảm và thương cảm. Bên cạnh anh, người bạn cùng phòng ký túc xá Nagasawa (Tetsuji Tamayama) cũng là nhân vật gây ấn tượng mạnh nhờ diễn xuất.
Xuất hiện không nhiều nhưng Tamayama đã khắc họa một Nagasawa tinh khôn và thẳng thắn. Rinko Kikuchi, nữ diễn viên nổi tiếng Nhật Bản, vào vai nhân vật nữ chính Naoko, đã thể hiện được hình ảnh một cô gái sống với nhiều mặc cảm sinh lý và tinh thần mà đến chết vẫn khó giải thoát. So với Naoko, Midori (Kiko Mizuhara) ít được nhấn mạnh hơn, ít đất diễn hơn nhưng vẫn để lại ấn tượng về một cô gái tươi tắn, có cá tính. Chọn được diễn viên, chỉ đạo họ diễn xuất cho ra nhân vật, đó đã là thành công lớn nhất của một đạo diễn.
Nhưng không chỉ thế. Chuyện phim dựa theo tiểu thuyết chẳng có mấy biến cố, hành động, quẩn quanh chỉ là quan hệ giữa ba nhân vật với chỉ ăn uống, đi chơi, làm tình. Cho nên đạo diễn đã cho các lời thoại của nhân vật rất thẳng thắn, chân thành về những điều khó nói.
Ðạo diễn chăm chú rất kỹ từng cảnh quay, nhất là quay người, tập trung diễn tả những biến đổi dù là nhỏ nhất trên khuôn mặt nhân vật, để qua đó làm bộc lộ tính cách và tâm trạng. Xem những phim thế này nhãng mắt khỏi màn hình một chút là có thể bị gián đoạn cảm xúc vì đạo diễn lấy hình là chính chứ không phải lấy lời.
Ðạo diễn đã không ngại khi đưa cảnh tình dục lên phim, vì theo đúng truyện và vì ý đồ của phim, các cảnh đó được quay kỹ nhưng nghệ thuật, không thấy phản cảm, không vì mục đích câu khách mà để nhân vật phát triển số phận. Như một người đi trên dây, Trần Anh Hùng đã giữ được thăng bằng để tình dục trong phim cất lên được tiếng nói của sẻ chia và đồng cảm. Ðạo diễn người Việt đã làm được điều này và làm tinh tế trong một bộ phim rất có chất Nhật Bản.
Phim Rừng Na Uy vẫn đậm chất Trần Anh Hùng. Ðây là một bộ phim đẹp với từng cảnh quay đẹp, với những góc máy cận cảnh khuôn mặt nhân vật, dù khi ân ái, khi ăn uống hay khi giữa thiên nhiên, với âm nhạc trỗi lên dìu dặt hoặc dồn dập, xen những khoảng lặng cho chỉ những hình ảnh diễn ra. Âm nhạc và âm thanh trong phim tác động mạnh cho cảm xúc nhân vật và cảm xúc người xem.
Khi được hỏi làm cách nào giữ được cảm giác của cuốn tiểu thuyết trong kịch bản phim, Trần Anh Hùng nói: "Tôi thích mỗi dòng chữ phải có âm nhạc nên tôi rất thích viết những câu dài. Khi viết những câu ngắn bạn phải cần nhịp điệu.
Nhưng những câu dài thì đưa lại giai điệu" (The Wall Street Journal, 9-12-2010). Cái chất điện ảnh này của Trần Anh Hùng dễ gây sốt ruột và khó chịu cho một bộ phận khán giả, vì vậy Rừng Na Uy có tạo dư luận khác chiều nơi người xem cũng là điều dễ hiểu như các bộ phim trước của Trần Anh Hùng đã từng vậy.
Tôi đã về lại Rừng Na Uy và thấy nhiều bâng khuâng. Bâng khuâng đã nảy ra trong tôi khi những khuôn hình đầu tiên hiện lên màn ảnh. Cảm giác đó lan tỏa trong tôi suốt chiều dài phim, theo các cảnh huống và tâm trạng nhân vật, theo cảm xúc của mình. Bâng khuâng cho Haruki Murakami và cho Trần Anh Hùng. Bâng khuâng cho một số khán giả chợt đứng lên bỏ ra, tiếng ghế đập vào khoảng trống không còn người ngồi nghe đứt mạch.
Trần Anh Hùng: Kenichi cho tôi cảm phục về lòng kiên nhẫn Cảnh Midori đứng với Toru trong tuyết trắng với tôi là một cảnh của đám cưới, một đám cưới thật sự giữa hai con người, giữa hai tâm hồn, giữa hai sự lựa chọn. Họ đều đau đớn bởi họ biết để chấp nhận mối quan hệ này, người đàn ông sẽ phải đánh mất rất nhiều thứ trong cuộc đời anh ta, còn người phụ nữ cũng sẽ phải chấp nhận rất nhiều điều mà lẽ ra cô ấy không phải thế.
Tôi không chọn lựa sự tốt nhất, hay nhất như cách mọi người sẽ phán xét với mỗi một diễn viên của tôi trên phim. Tôi hài lòng về tất cả họ và cách duy nhất tôi chọn để làm việc với họ trước khi quay phim là nói chuyện thật nhiều, thật nhiều để họ hiểu tôi, tôi cũng hiểu họ. Ðến khi vào cảnh quay họ sẽ diễn thử một chút, sau đó tôi làm việc ngay. Diễn viên Kenichi Matsuyama (vai Toru Watanabe) là một diễn viên lớn ở Nhật nhưng anh ấy cho tôi sự cảm phục về lòng kiên nhẫn. Anh ấy luôn chờ đợi để bạn diễn của mình trong các cảnh quay chung nhập được vào nhân vật. Khi xem phim, các bạn sẽ thấy cảnh lần đầu tiên Midori gặp Toru, nhà sản xuất của tôi có nói đùa: Ðó là cảnh quay đắt nhất bởi người đó đã trực tiếp làm món trứng omelet cho Toru ăn. Ðể chờ Kiko Mizuhara (Midori) thật sự nhập cuộc, Kenichi đã phải ăn hơn 20 quả trứng. Với một diễn viên lớn như anh ấy, hoàn toàn có thể từ chối điều này. |
__________
Tin bài liên quan:
Những hình ảnh hé lộ về Rừng Na UyPhim Rừng Na Uy sẽ đến Việt Nam4 năm thuyết phục đưa Rừng Na Uy lên màn ảnh“Tôi không đeo kính chống nắng ở Việt Nam...”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận