Vươn lên bất chấp số phậnLập nghiệp với một nghề
Ông Vũ Văn Bình - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao học bổng cho các học sinh tại lễ trao học bổng “Nhất nghệ tinh” 2014 - Ảnh: Q.Định |
Những học trò nhận học bổng “Nhất nghệ tinh” 2014 đã chọn cho mình lối đi đó - vừa học vừa làm để lập thân và phụ giúp gia đình.
Quỹ học bổng “bình ổn”!
Sáng 18-7, 200 học sinh nghề tại bảy tỉnh thành Đông Nam bộ đã có mặt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để nhận học bổng “Nhất nghệ tinh” (mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng)...
Ông Vũ Văn Bình, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đại diện ban tổ chức chia sẻ: “Bước vào mùa khai giảng năm học mới, nhiều cổng trường ĐH-CĐ trong cả nước đang mở rộng đón hàng triệu học sinh, sinh viên đến với giảng đường. Nhưng bên cạnh đó cũng có hàng ngàn bạn trẻ ở các làng quê nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngay cả các đô thị lớn vẫn canh cánh nỗi lo túng thiếu khi thực hiện mơ ước học một nghề cho tương lai. Đó là lý do mà học bổng “Nhất nghệ tinh” ra đời năm 2009 và vẫn tiếp tục được duy trì tới hôm nay”.
Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT Công ty Vinacam (đại diện cho các nhà tài trợ học bổng), nói: “Quỹ học bổng giống như quỹ “bình ổn giá” trước cơn lốc khó khăn của kinh tế hiện tại!”. Ông Hải khiến nhiều người xúc động khi kể về câu chuyện một nhân viên công ty ông chắt chiu từng đồng để lo cho gia đình bằng việc gia công dép vào ban đêm, nhưng năm nào anh cũng đều đặn đóng góp cho quỹ. Tấm lòng ấy chính là tình cảm chung của những nhà tài trợ khi hướng về một lớp thợ lành nghề hữu ích cho đất nước trong tương lai, ông Hải đúc kết.
Bước vào năm thứ 6, quỹ học bổng “Nhất nghệ tinh” do giải golf “Tiếp sức đến trường” tài trợ ngày càng có thêm nhiều mạnh thường quân tham gia. Ông Hải bộc bạch: “Số tiền học bổng tuy không nhiều nhưng chúng tôi hi vọng đó sẽ là cú hích quan trọng để đẩy một thế hệ trẻ lên đỉnh dốc của thành công trong tương lai”.
Lựa chọn lối vào đời
Hai cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Huyền My và Trần Ngọc Mỹ xúc động khi kể chuyện gia đình. Trần Ngọc Mỹ (Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu) khiến bạn bè khâm phục về ý chí vượt khó cùng gia đình. Lúc nhỏ Mỹ vốn được sống trong gia đình kinh tế khá giả nhưng do em trai bị bệnh, cha mẹ dồn sức chữa trị nên cuối cùng nhà cửa phải bán hết, bản thân Mỹ suýt phải nghỉ học năm lớp 9. Nhưng không đầu hàng số phận, Mỹ quyết tâm vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình.
Còn với cô dược sĩ tương lai Nguyễn Thị Huyền My thì hành trình trọ học ở Sài Gòn gắn liền với quang gánh tảo tần của người mẹ. Mẹ Huyền My đã vào Sài Gòn 20 năm mưu sinh, gửi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt từ gánh tàu hũ rong ruổi khắp đường phố. Nhắc đến mẹ là Huyền My không nén được xúc động, đó có lẽ là động lực lớn lao để My sắp hoàn thành chương trình học dược sĩ, tìm công việc ổn định giúp cha mẹ bớt cực khổ.
Hình ảnh Bùi Quốc Hưng, cậu học trò - công nhân tại một công ty sản xuất giày xuất khẩu ở Củ Chi, lên sân khấu nhận học bổng khiến nhiều người không quên được. Hưng lên nhận học bổng trong bộ đồng phục Trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP.HCM). Thầy phụ trách của Hưng kể: “Đi nhận học bổng mà em mang dép, tôi phải nhắc em mượn bạn đôi giày mang vào đấy”. Và cậu học trò nghèo cứ lóng ngóng mãi trong đôi giày bata của bạn. Hưng ngại ngùng bảo: “Xưa giờ em có mang giày bao giờ đâu, đi học với đi làm toàn mang dép không à”. Mộc mạc là thế nhưng phía sau câu chuyện về đôi giày của Hưng là ước mơ đẹp - trở thành thầy thuốc trong tương lai. Tin rằng cũng như Hưng, nhiều bạn trẻ khác nhận học bổng “Nhất nghệ tinh” với niềm tin và hoài bão sẽ tự tin ghi lại dấu chân thành đạt của chính mình trên con đường dẫn đến tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận