17/07/2014 12:15 GMT+7

Tấm bia tưởng niệm ở Vĩnh Hiền

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Tháng trước, cạnh nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hiền (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) có một đài tưởng niệm được Đoàn thanh niên huyện và Hội cựu chiến binh dựng lên để tưởng nhớ 39 em học sinh của xã bị trúng bom tử nạn trong “chiến dịch K.8”.

Kỳ 1: “Nhắn ai xin giữ câu nguyền...”

1W4gS13f.jpg
Mẹ Nguyễn Thị Em với chiếc túi di vật của con trai chết khi vừa tròn 7 tuổi trên chuyến xe sơ tán 47 năm về trước - Ảnh: L.Đ.Dục

Trong trang sử đôi bờ giới tuyến, cái chết của 39 em bé trên chuyến xe định mệnh ấy là nỗi đau khắc khoải nhất dù gần nửa thế kỷ trôi qua.

Chuyến xe định mệnh

Đài tưởng niệm có hình huy hiệu búp măng non nổi trên nền đỏ lá cờ Tổ quốc, chiếc khăn quàng đỏ trên phù điêu đã từng thắm đỏ trên vai các đội viên thiếu nhi như nhắc nhớ và tưởng tiếc.

Tôi tìm về nhà mẹ Nguyễn Thị Em ở thôn Tân Ninh, xã Vĩnh Hòa. Năm nay mẹ Em đã 83 tuổi. Trên chuyến xe định mệnh với 39 đứa trẻ hi sinh vì bom giặc đánh trúng ấy có đứa con trai yêu quý của mẹ là Lê Tích Hùng, khi ấy vừa tròn 7 tuổi.

“Hồi đó chủ trương của cả nước, bom đạn dữ quá, mần răng an toàn được nên chi phải cho con em sơ tán ra Bắc thôi, miềng ở lại chết cũng được nhưng con cái phải sống”. Mẹ Em bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, dường như những gì xảy ra của câu chuyện tròn 47 năm trước vẫn đậm nét như một cuốn phim ký ức trong lòng mẹ.

Từ cuối năm 1966, cuộc chiến tranh đã vào hồi khốc liệt nhất, Trung ương Đảng quyết định cho phép Vĩnh Linh thực hiện chiến dịch mang mật danh K.8 sơ tán 3 vạn học sinh từ 7-15 tuổi ra các tỉnh miền Bắc sinh sống và học tập. Những đứa trẻ của vùng đất tuyến lửa được tập trung đưa ra tuyến sau trên những chuyến xe xuyên qua bom đạn. Chuyến xe chở 40 em học sinh của xã Vĩnh Hiền xuất phát từ đêm 26-7, nhưng xe vừa ra khỏi thị trấn Hồ Xá một đoạn thì địch bắn pháo sáng rực trời, ban đêm mà bầu trời sáng rỡ như ban ngày, không an toàn nên đoàn xe quay trở lại.

Mẹ Em kể với tôi: “Ngày hôm trước khi nghe lệnh tập trung cho con trai đi, khi đó tui mới sinh bé gái được năm ngày, thằng Hùng bíu tay tui khóc: Con ở nhà với mạ, với em. Bố nó thương con, cắt lấy hai ống tay áo ráp lại để may thành túi vải đựng cho nó mấy món đồ lặt vặt. Buổi trưa, trước chuyến đi, nó bảo bố nó tắm cho nó rồi nói “Bọ (bố) tắm lần chót cho con hè”. Bố nó đùm cho mo cơm nếp rồi lên chờ xe đón, nó ăn một nửa mo cơm rồi chừa lại nói bố mang về, không ngờ đêm đó xe ra tới Quảng Bình thì...”. Kể đến đấy, không nén được xúc động, mẹ Em lại khóc.

Rồi mẹ vào gian thờ lục tìm dưới đáy tủ một manh vải gụ vá chằng vá đụp: “Đây là cái túi cha hắn may cho thằng Hùng để đựng đồ đi K.8”. Dọc đường làm báo của mình, tôi từng chứng kiến bao nhiêu người mẹ gìn giữ kỷ vật của con, nhưng chiếc túi vải được khâu lại từ hai ống tay áo cho em bé 7 tuổi đựng đồ đi sơ tán năm nào khiến tôi nghẹn đắng. Mẹ Em lại kể: Đêm 28-7-1967 đó, khi xe chở 40 học sinh Vĩnh Hiền ra tới Mỹ Trung (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), nghĩa là chỉ rời Vĩnh Linh chưa được hai chục cây số thì tầm 11 giờ đêm xe trúng bom bị hất văng xa 30m, trên xe có 40 học trò, hai thầy giáo cùng hai anh lính lái xe thì chết hết 39 đứa nhỏ, một thầy giáo và hai anh bộ đội, chỉ một em học sinh “cao số” sống sót và một thầy giáo.

Khi bà con Quảng Bình phát hiện chiếc xe bị bom và hàng chục đứa học trò chết ngổn ngang vì sức ép mới thu nhặt xác lại. Chiến tranh bom đạn, phương tiện thông tin liên lạc cũng không có, địa phương chỉ biết tin có một chiếc xe chở học sinh Vĩnh Linh bị trúng bom nhưng trên xe chết hết cả, người sống sót cũng đang cấp cứu hôn mê, vậy nên mấy hôm sau các gia đình mới biết.

Gia đình chạy bộ mấy chục cây số ra Mỹ Trung, dân làng chỉ cho một khu mộ với cách đánh dấu là mộ em này mặc áo xanh, mộ em kia mặc quần nâu, gia đình nhớ ra hôm đó con mình mặc áo màu gì, quần màu gì... rồi cứ thế đánh dấu mà nhận chứ bom đạn như rứa, thịt xương lẫn lộn, biết ai với ai. Sau đó về xã, tất cả tư trang của các em được nhặt nhạnh lại, ai nhận ra được cái gì của con mình thì mang về. Mẹ Em nhận ra cái túi vải may vội cho con bằng hai ống tay áo có mấy mụn vá, trên chiếc túi cũ sờn, mẹ cẩn thận thêu chữ “Hùng” tên đứa con trai mình vào đó. Đã tròn 47 năm trôi qua từ cái đêm 28-7-1967 ấy, chiếc túi vải của con mình mẹ Nguyễn Thị Em vẫn gìn giữ, mỗi lần nhớ con mang ra, nước mắt mẹ lại giàn giụa.

Năm 1975, sau ngày hòa bình, cả làng mới cùng ra Vĩnh Trung bốc 39 nấm mộ con em mình về. Cũng đành chôn chung tất cả vào một khu mộ chứ không ai biết chính xác đâu là mộ con mình. Có 39 gia đình ở Vĩnh Hiền làm chung một ngày giỗ con em mình vào ngày 27-7, đúng vào Ngày thương binh liệt sĩ hằng năm, vì theo quan niệm của người dân nơi đây, phải giỗ vào ngày còn sống, con em mình hi sinh ngày 28-7 thì giỗ vào ngày 27-7.

C12iuKzQ.jpg
Đài tưởng niệm 39 học sinh Vĩnh Hiền tử nạn trên chuyến xe trong chiến dịch K.8 vừa được xây dựng - Ảnh: L.Đ.Dục

“Người cao số”

Sau câu chuyện chuyến xe định mệnh làm 39 học sinh tử nạn, tôi đi tìm “em học sinh sống sót”. Thật bất ngờ là dù nghe nhiều về câu chuyện cậu học trò “cao số” trên chuyến xe chở học sinh Vĩnh Hiền bị bom nhưng không ngờ đó lại là anh Trần Văn Khỏe, một người quen biết của tôi bấy lâu. Anh Khỏe nay là trưởng trạm bơm Công ty Cấp thoát nước Quảng Trị.

“Khi ấy tui 8 tuổi, chuẩn bị cho chuyến đi không đứa nào hiểu sơ tán là gì, toàn là lũ nhóc lên 8 lên 10, đang còn học i tờ, bố mẹ may cho mỗi anh em một cái ruột tượng bằng vải đeo quanh thân đựng gạo rang, một ống bương nút lá chuối đựng nước đeo toòng teng. Vừa háo hức vừa lo lắng. Mấy ông bố bà mẹ gạt nước mắt, nhưng thương con phải để con đi ra tuyến sau may ra gia đình mệnh hệ gì vẫn còn con cái mai sau. Chiếc xe quân sự chở trên thùng xe 40 thiếu nhi cùng quê Vĩnh Hiền. Rời Vĩnh Linh lúc chập tối, ra đến Mỹ Trung (Quảng Bình) thì máy bay địch phát hiện và dính ngay một loạt bom. Khi ấy tôi không biết gì nữa, tỉnh dậy đã thấy nằm trong bệnh viện. Vì là đứa bé duy nhất sống sót trên chuyến xe nên tôi được đưa ra các bệnh viện tuyến sau, mất hai năm trời hết viện này đến viện khác, khi xuất viện thì về tới tỉnh Thái Bình”.

Anh Khỏe cũng không hề biết trong đoàn xe đêm đó có anh trai của mình tên Vinh (đi trên xe khác) đã may mắn không bị trúng bom và sơ tán ở Quỳnh Phụ (Thái Bình). Trong một lần đi nhận sách giáo khoa ngang qua nơi em trai mình ở, nghe giọng Vĩnh Linh rồi gương mặt trông quen đã vào hỏi han rồi viết thư vào cho bố mình từ Vĩnh Linh ra để nhận em trai. Bởi lúc đó ở nhà, cũng như 39 gia đình khác ở Vĩnh Hiền, bố mẹ anh Khỏe đã lập bàn thờ cho đứa con trai 8 tuổi của mình. Hôm khánh thành đài tưởng niệm 39 em học sinh ở Vĩnh Hiền, anh Khỏe trở về thắp nén nhang cho 39 bạn bè trên chuyến xe năm nào đã không về được nữa. Nhiều người thân thích của những em bé xấu số năm nào ôm lấy anh Khỏe khóc ngất. Câu chuyện chiến tranh bên bờ vĩ tuyến 17 có một chương đau thương như thế!

Và không phải đứa trẻ K.8 nào cũng có được niềm vui trở về trong đoàn tụ. Chiến tranh và lưu lạc, gần nửa thế kỷ qua, nhiều “em bé K.8” vẫn mải miết những cuộc kiếm tìm gia đình trong khắc khoải.

Chiến dịch K.8 kéo dài từ tháng 8-1966 đến cuối năm 1967. Hơn 3 vạn học sinh Vĩnh Linh và các vùng Gio Linh, Cam Lộ đang sơ tán tại Vĩnh Linh được đưa ra các tỉnh miền Bắc, về sống nhờ trong các hộ gia đình, được thương yêu đùm bọc cho đến ngày hòa bình (1975) mới về lại quê hương.

Sau này, nhiều người mới biết rằng khi đưa các em đi đã có những âu lo rằng có thể phải chấp nhận thương vong khoảng 10% (tức khoảng 3.000 em), nhưng vẫn phải đi vì nếu ở lại Vĩnh Linh con số hi sinh vì bom đạn giặc sẽ nhiều hơn nữa.

__________

Kỳ tới: Khắc khoải kiếm tìm...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên