10/07/2014 07:39 GMT+7

Đề thi nhiều môn khó

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Ngày 9-7, báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 cho biết trong ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ hai, các hội đồng thi trên cả nước đã ghi nhận 98 trường hợp thi sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật.

w4rR6Wug.jpgPhóng to
Thí sinh trao đổi với nhau sau khi kết thúc môn thi ngoại ngữ tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chiều 9-7. Môn thi này có nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo - Ảnh: Quang Định

Các hội đồng thi đón thêm gần 20.000 thí sinh so với ngày làm thủ tục dự thi, làm, tỉ lệ thí sinh dự thi tăng lên hơn 78% so với hồ sơ đăng ký. Ngoại trừ môn địa lý được thí sinh đánh giá vừa sức, đa số thí sinh cho rằng đề thi các môn còn lại trong ngày thi hôm qua đều khó.

Đúng trọng tâm nhưng... rất khó

Tại Huế, khác với niềm vui trong buổi thi môn địa, chiều 9-7 thí sinh ra khỏi trường với khuôn mặt rầu rĩ sau khi kết thúc môn sử. Đa số thí sinh đều kêu trời vì đề sử quá khó. Thí sinh Trương Thị Hồng Nhung (Quảng Bình) - thí sinh có ba năm là học sinh giỏi môn sử - nhận định đề thi sử năm nay tuy ra đúng trọng tâm sách giáo nhưng lại rất khó. Yêu cầu của đề khác với lối suy nghĩ của thí sinh lâu nay chỉ cần học thuộc, học chắc từng bài để làm những câu hỏi về một sự kiện cụ thể. Đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh phải biết tổng hợp, lắp ghép rất nhiều dữ kiện lịch sử ở các bài học riêng lẻ. Điều này vừa mất nhiều thời gian, mà các ý cũng bị sắp xếp lộn xộn, rất dễ rơi vào lan man. Trong bốn câu của đề thi, câu 1 Nhung phải tiêu hao nhiều thời gian nhất. Sử là môn “sở trường” đặt niềm tin nhiều nhất nhưng Nhung dự đoán cũng chỉ làm được 5-6 điểm. “Đề địa dễ bao nhiêu thì đề sử khó bấy nhiêu” - Nhung nói.

Cũng có ý kiến tương tự, thí sinh Trần Nguyễn Phương Trâm dự thi vào ngành báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) lo lắng: “Đề này quá khó, em chỉ làm được tầm 6 điểm là cao. Câu 1 hỏi các cuộc khởi nghĩa nổi bật ở Việt Nam trong thế kỷ 20 rất dài, em làm không tốt do không nhớ hết. Có một câu hỏi các biện pháp hòa bình và Việt Nam đã dùng để đấu tranh với thực dân Pháp trước khi kêu gọi toàn quốc kháng chiến, em nghĩ câu này hợp với tình hình thời sự hiện nay khi ta đang đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình với Trung Quốc”.

Với môn toán khối B, D, đa số thí sinh cũng cho rằng rất khó để đạt được điểm khá. Thí sinh Nguyễn Ngọc Tuấn, dự thi vào Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho biết: “Đề toán khối B năm nay lấy 5 điểm không khó nhưng để trên 7 điểm là rất khó. Trong đó, từ câu 7 đến câu 9 hỏi về bất đẳng thức, hệ phương trình và tọa độ là dành cho học sinh giỏi, khó tương tự đề khối A. Riêng câu 9 hỏi về bất đẳng thức là câu... thủ khoa”.

Với đề toán khối D, thí sinh Phan Thị Thu Hồng (Nghệ An, dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Đề thi môn toán khó. Phòng em hầu như không ai làm được bài và sau 2/3 thời gian làm bài đã xin ra khỏi phòng”. Khó cũng là nhận định của các thí sinh dự thi môn sinh học. Nguyễn Thị Hoa, thí sinh dự thi tại hội đồng thi ĐH Y Hà Nội, cho hay: đề thi môn sinh năm nay khó hơn năm 2013. Nội dung nhiều về lý thuyết, nhiều câu hỏi đánh đố học sinh, hần bài tập tính phức tạp, chưa kể đến có nhiều câu lạ em chưa từng được làm qua bao giờ”.

iOQvgupP.jpg
Thí sinh khá căng thẳng sau khi thi xong môn sử tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4 - điểm thi của Trường ĐH Luật TP.HCM - chiều 9-7 - Ảnh: Như Hùng

Bất ngờ với đề tiếng Anh hỏi về “giàn khoan trái phép”

Nhiều thí sinh dự thi khối D bất ngờ với đề tiếng Anh với những câu hỏi liên quan tới chủ quyền biển đảo. Một số câu hỏi điền từ, tìm từ đồng nghĩa, bài chọn trọng âm đúng có nội dung liên quan tới chủ quyền biển đảo. Tại câu 42, mã đề 625 đã đề cập trực tiếp tới sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu thí sinh tìm từ đồng nghĩa với từ “leo thang căng thẳng”: “Người bạn ở bên ta khi gặp khó khăn mới là người bạn thực sự”: Những người bạn của chúng tôi đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên thềm lục địa VN. Và câu 23 (mã đề 625): “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông đã bị các nhà chức trách và chính trị gia phương Tây cũng như Đông Nam Á lên án là hành vi xâm phạm lãnh hải của Việt Nam”, câu hỏi: Điền từ phù hợp.

Theo một thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), nếu không làm quen với những từ mới, hoặc bài đọc liên quan tới chủ đề trên thì thí sinh sẽ không trả lời được. Tại hội đồng thi Học viện Báo chí tuyên truyền, một thí sinh cho biết: “Tưởng đề thi về “chủ quyền biển đảo” chỉ ở các môn khác, nhưng lại diễn ra ở môn tiếng Anh. Tuy nhiên, do gần đây chúng em được cô giáo giới thiệu qua một số bài đọc, từ ngữ liên quan nên đã làm được”.

Cô Chi Mai, một giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cho biết: “Vì sự kiện “Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép” là vấn đề thời sự nóng bỏng nên tôi vẫn dự phòng dạy các em một vài tiết về vấn đề này. Việc thí sinh làm quen với đề tài này bằng tiếng Anh cũng là việc cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cần tuyên truyền để bạn bè thế giới hiểu về đấu tranh chính đáng của mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Theo một số giáo viên khác, các câu hỏi liên quan tới “biển đảo” có cách hỏi sáng tạo, liều lượng vừa phải, không quá khó đối với thí sinh.

An ninh quốc phòng vào môn địa

Trong ngày thi hôm qua, chỉ có môn địa lý được thí sinh đánh giá dễ thở. Thí sinh Nguyễn Văn Hoài Hận dự thi vào ĐH Cần Thơ cho biết: “Đề thi không khó. Nếu học bài có thể kiếm 4-5 điểm, còn nếu thuộc bài mà có khả năng tư duy thì có thể kiếm 7-8 điểm”. Theo Hận, câu vẽ biểu đồ không đánh đố thí sinh, Hận dễ xác định dạng biểu đồ ngay sau khi đọc đề thi. Riêng câu hỏi về biển Đông: “Trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đến an ninh quốc phòng?”, theo Hận đây là “sự kiện nóng của đất nước, em đã nghe đài, đọc báo và ôn tập khá kỹ về phần này”. Thí sinh Nguyễn Thị Minh dự thi vào ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Đề thi năm nay không có “nhiều đất” cho thí sinh học vẹt. Nếu am hiểu và xem thời sự nhiều thì đạt trên điểm 8 không khó”.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên