Hội nghị tổng kết Nghị định 79 nóng chuyện... Diễm Hương!
Phóng to |
Các nhà báo chất vấn ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện nghị định 79 của Chính phủ và thông tư số 3 của Bộ VH-TT&DL - Ảnh: C.K. |
Đó là hội nghị tổng kết một năm thực hiện nghị định số 79/2012 của Chính phủ và thông tư số 3/2013 của Bộ VH-TT&DL về các giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn khu vực phía Nam. Buổi chiều cùng ngày, tại TP.HCM cũng đã diễn ra hội nghị thảo luận lấy ý kiến về dự thảo cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Nhiều cơ quan quản lý văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật và các đơn vị báo chí khu vực phía Nam đã có mặt ở hai hội nghị với nhiều tham luận và tranh luận.
Một ca khúc Đất nước - 200 tờ giấy cấp phép!
Khá nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng các điều khoản trong thông tư 03 hướng dẫn thi hành nghị định 79 (về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp người mẫu, lưu hành bản ghi hình, ghi âm ca múa nhạc sân khấu) có nhiều chỗ chưa thông, dẫn đến việc lúng túng trong quản lý và xử lý.
Ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM - cho biết mỗi năm sở cấp phép cho 400-650 chương trình biểu diễn với hàng ngàn nghệ sĩ, chưa kể đến các loại hình nhà hàng, khách sạn, quán bar cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ khách hằng đêm. Ông cho rằng hiện nay việc thành lập doanh nghiệp tổ chức biểu diễn rất dễ dàng, nếu sai phạm bị tước giấy phép thì có thể thay đổi tên doanh nghiệp, lập cái mới để tiếp tục hoạt động. Liên đới theo đó là các vấn đề xử phạt các chương trình biểu diễn không phép, thay đổi nội dung, các nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, tác quyền, băng đĩa lậu, băng đĩa có nội dung lưu hành nội bộ hoặc quà tặng... Riêng đối với các nghệ sĩ có yếu tố nước ngoài thì hiện nay theo nghị định vẫn bắt buộc phải làm đến hai bộ hồ sơ trình lên sở và ủy ban rất nhiêu khê, phức tạp.
Tại hội nghị, đơn vị Bến Thành Audio “than thở” chuyện một ca sĩ đã được cấp phép ở đơn vị A, nhưng đến khi qua đơn vị B trình diễn thì phải xin phép lại từ đầu. Cũng như vậy, một ca khúc đã được cấp phép ở dạng VCD vẫn phải xin lại giấy phép ở dạng DVD, karaoke dù nội dung và hình ảnh không khác nhau. Đại diện này bảo: “Chẳng hạn như bài Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, chúng tôi có trong tay gần 200 tờ giấy cấp phép trong gần 20 năm qua!”.
Ngập ngừng với thẻ hành nghề
Trong diễn biến của buổi họp bàn về việc thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết thẻ hành nghề này sẽ được triển khai vào ngày 1-4-2014, có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 và sẽ được áp dụng trước với đối tượng là ca sĩ, người mẫu, diễn viên.
Với đặc trưng là địa bàn hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi nhất cả nước, TP.HCM hiện nay có đến hàng ngàn nghệ sĩ đang hoạt động, trong đó ca sĩ, người mẫu, diễn viên chiếm số lượng áp đảo. Đó là lý do khiến các nhà quản lý văn hóa TP.HCM đau đầu trong việc phải đi xác minh nhân thân, thẩm định khả năng chuyên môn của từng người và gửi hồ sơ ra cục để xin cấp thẻ trong vòng ba tháng tới. Tuy nhiên, việc đáng ngại hơn lại là một số lượng lớn các nghệ sĩ tự do, không qua trường lớp đào tạo, không có danh hiệu hay giải thưởng gì nhưng vẫn đang hoạt động biểu diễn, tạo nên một “mê hồn trận” cho những nhà quản lý trong việc thẩm định và cấp thẻ. Nhiều ý kiến đưa ra liệu có nên thành lập một hội đồng thẩm định riêng, ai là người thẩm định, thẩm định theo tiêu chí nào... Ngoài ra, nếu sau ngày 1-7 nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết các hồ sơ cấp thẻ thì liệu những nghệ sĩ chưa kịp có thẻ có nguy cơ “thất nghiệp tạm thời” hay không?...
Nhìn chung về phía TP.HCM vẫn cho rằng không nên quá vội vàng trong vấn đề này để việc cấp thẻ được diễn ra khoa học, tiện lợi, không ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Trước những băn khoăn đó, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết cục sẽ xem xét lại vấn đề thời gian triển khai thực hiện việc cấp thẻ, để đảm bảo thẻ cấp ra sẽ tạo điều kiện cho những nghệ sĩ chân chính hành nghề, loại bỏ những nghệ sĩ “mạo danh nghệ thuật” để trục lợi.
Ai xử phạt người xử phạt sai? PV Tuổi Trẻ đã nêu lên một bất cập rằng dường như nghị định 79 mới chỉ nặng về các vi phạm cùng biện pháp xử phạt các cơ quan, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà chưa chú trọng đến việc nếu các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng sai nghị định này thì có bị chế tài không? Ai chế tài? Và chế tài ra sao? Khắc phục hậu quả như thế nào? Cụ thể như vụ thắng kiện của Công ty Rồng Việt với Cục Nghệ thuật biểu diễn. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn thừa nhận: “Đúng là dường như những người làm ra nghị định cùng một số văn bản pháp quy khác chỉ làm những gì có lợi cho mình, gây sức ép cho người khác, quản chặt họ trong khi người mình thì thả lỏng”! Ông Tuấn cũng hứa “...sắp tới sẽ sửa đổi sao cho xã hội hiểu pháp luật hơn, cơ quan nhà nước thì phải làm đúng luật, lâu dài thì phải chịu trách nhiệm đúng luật! Đó là quan điểm của Bộ VH-TT&DL”. Cát Khuê |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận