25/09/2013 06:57 GMT+7

Cái áo chật của "phim tuyên truyền"

THU HÀ
THU HÀ

TT - Khi Những người viết huyền thoại được trình chiếu tối 23-9, mở đầu cho tuần lễ phim chào mừng Liên hoan phim VN lần thứ 19, rất nhiều người đã thở phào: Những người viết huyền thoại không hề là một phim tuyên truyền dở.

WzD2NxNW.jpgPhóng to
Trương Minh Quốc Thái với vai trung úy Phúc đầy nam tính trong phim Những người viết huyền thoại - Ảnh đoàn phim cung cấp

Thở phào, vì áp lực của việc gần ba năm không có một bộ phim nào được thực hiện từ ngân sách nhà nước sau vụ Cục Ðiện ảnh để thất thoát 40 tỉ đồng, vì áp lực của quan niệm "cầm tiền tấn đi đốt" khi làm phim chiến tranh... Và với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, là áp lực phải thực hiện một kịch bản đã được duyệt, hoàn toàn không phải của mình...

Bộ phim là câu chuyện đầy chất huyền thoại về những người lính đặt đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn trong chiến tranh. Một góc nhìn mới và rất cố gắng đưa người xem đến với một hiện thực chiến tranh mới: không có chiến dịch lớn trùng trùng quân đi như sóng, không chiến công hiển hách; chỉ có bản lĩnh, lòng ham sống và kỹ năng phi thường để sống sót qua bom đạn, hoàn thành nhiệm vụ; chỉ có rất nhiều máu, rất nhiều cái chết, muôn hình vạn trạng kiểu chết của những người lính cả hai bên... để cho dòng xăng được chảy từ Bắc vào Nam, đủ cung cấp "máu" cho xe, pháo, cho những trận đánh lớn thay đổi cục diện chiến tranh.

Vai diễn nam tính của Quốc Thái

Có hai người đàn ông làm xương sống câu chuyện về những người lính đặt ống xăng dầu vào Trường Sơn: tư lệnh mặt trận - tướng Dinh và anh chàng sĩ quan trẻ phụ trách trạm giao liên - trung úy Nghĩa.

Tướng Dinh (Hoàng Hải) điềm đạm, chân chất, thương lính, là vị tướng đầu tiên của quân đội vượt Trường Sơn bằng đường bộ vào Nam (người xem có chút kỷ niệm về chiến tranh dễ dàng nhận thấy hình bóng của vị tướng huyền thoại Đinh Đức Thiện.

Chuyến đi vượt Trường Sơn từ Bắc vào Nam của ông đã giúp Quân ủy trung ương tìm được phương thức hợp lý nhất để mở con đường kỳ diệu dưới lòng đất - đường ống xăng dầu - đưa xăng dầu vào Nam thay cho cảnh những người lính gùi xăng bằng bịch nilông trong balô, bị xăng ngấm vào thịt da, nhiễm độc chì, toàn thân lở loét, sần sùi sẹo.

Trung úy Nghĩa (Trương Minh Quốc Thái) là nhân vật hoàn toàn mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng: ngang tàng, thiện xạ, giỏi võ, gan lì trước bom đạn và rất chung tình dù chỉ mới chớm yêu.

Cách thể hiện nhân vật mang hơi hướng người hùng Hollywood mà Bùi Tuấn Dũng áp đặt cho nam diễn viên trong các phim trước của anh như Minh Tiệp trong Hà Nội Hà Nội, Bình Minh trong Vũ điệu tử thần có vẻ hơi quá sức diễn viên thì lần này đã tỏ ra thành công với Trương Minh Quốc Thái. Rất ít phim VN gần đây có được một vai diễn nam tính đến thế.

Tuy nhiên, trong tương quan giữa một nhân vật "đời thường - cấp thấp" như Nghĩa với một nhân vật mang tính lý tưởng, có tầm quan trọng như tướng Dinh, vị tướng trong phim mới chỉ thể hiện được sự gần gũi và từ tâm, chứ chưa bật ra được cái sắc sảo, quyết đoán, nhiều khi phải quyết liệt của một vị tướng trận mạc.

Vì vậy, hình tượng tướng Dinh trở nên kém hấp dẫn hơn hẳn một trung úy Nghĩa rừng rực nam tính, đầy ắp tình yêu đồng đội, người tình và một động cơ chiến đấu rất có thực, không hề bị khiên cưỡng, lên gân.

Sự chừng mực "bó" cảm xúc

Kỹ thuật tiếng nổ, bom mìn tại hiện trường và kỹ xảo âm thanh, hình ảnh trong phim với những cú bổ nhào của máy bay, những vòng lượn của trực thăng trong "Thung lũng chết", những pha đọ súng ngoạn mục và những màn võ thuật đẹp đã góp một phần rất quan trọng tạo nên độ "thật" cho Những người viết huyền thoại, tránh cho phim bị "giả" - một nhược điểm cố hữu tồn tại từ ngày đầu của điện ảnh VN.

Với một êkip làm việc "thuộc" nhau và cùng trong những cố gắng vượt bậc cho một bộ phim mang nhãn "quốc doanh", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng và kỹ sư âm thanh Bành Bắc Hải đã cho thấy: sự non yếu về kỹ thuật không phải không thể khắc phục trong phim Việt nếu thật sự muốn.

Nhưng, lại nhưng, điều đọng lại cuối cùng của Những người viết huyền thoại không phải là tất cả những cái đẹp cái hay trên đây, mà lại là một cảm giác dang dở, hơi nửa vời, chưa "đã".

Nguyên nhân, có thể vì những cố gắng to lớn của cả êkip được xây dựng trên một kịch bản dở, sơ sài và khô cứng đến khó tin. Nhưng có thể nghĩ tới một nguyên nhân xa hơn: tất cả những cái "chưa tới" sau những nỗ lực hết sức kia là do xuất phát điểm, cả nhà đầu tư lẫn nhà sản xuất (Hãng phim truyện VN) đều biết mình đang làm một bộ phim "chính thống", và cái tiêu chí "an toàn" để có thể cầm hơn 8 tỉ đồng ra khỏi kho bạc đưa xuống đoàn làm phim đã khiến tất cả sự "chừng mực" bó những xúc cảm của nghệ sĩ vào một cái áo quá chật: một bộ phim tuyên truyền. Trong khi nếu để cho cảm xúc dẫn dắt, với những kỹ năng đã có họ có thể đi rất xa.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên