16/09/2013 07:42 GMT+7

Nhạc sĩ Dương Thụ: Phải mạo hiểm để tìm bạn

NGUYÊN THU thực hiện
NGUYÊN THU thực hiện

TT - Diễn ra một đêm duy nhất ngày 21-9 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Tôi mơ một giấc mơ - chương trình thứ hai trong loạt chương trình Cửa sổ âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ - đang được nhiều khán giả yêu nhạc chờ đợi...

Tôi mơ một giấc mơ

cUV9njIh.jpgPhóng to
Từ trái qua: Khánh Linh, Nguyên Thảo và Uyên Linh - ba trong các giọng ca được kỳ vọng mang lại một đêm nhạc đáng thưởng thức cho Tôi mơ một giấc mơ - Ảnh: Gia Tiến

Dịp này, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ - người nhạc sĩ ở tuổi ngoài 70 vẫn đang nỗ lực giành lại công chúng cho dòng âm nhạc tử tế.

* Trong chương trình Cửa sổ âm nhạc 1 - Dương Thụ, Những câu chuyện kể của tôi, năm ngoái ông đã “kể” câu chuyện cuộc đời âm nhạc của mình bằng những tác phẩm quen thuộc với các giọng ca nhạc nhẹ hàng đầu. Năm nay ở Cửa sổ âm nhạc 2 - Tôi mơ một giấc mơ, có vẻ ông muốn “kể” một câu chuyện hoàn toàn mới?

cIP5q15G.jpg
Nhạc sĩ Dương Thụ - Ảnh: T.Thắng
- Ở Cửa sổ âm nhạc 2, tôi kể câu chuyện khác do tìm thấy ở đấy sự đồng cảm trong giai điệu của nhạc cổ điển (tôi thuộc lòng từ thuở thiếu thời), nhạc neo classic của nhóm Secret Garden được nghe năm năm trước, của bản I dreamed a dream (nhạc kịch Những người khốn khổ) qua giọng hát Susan Boyle trong sáng, bay bổng. Tôi hòa trộn tâm hồn mình vào đó bằng cách viết ca từ cho nó. Tất cả là những giấc mơ về cuộc sống, tràn ngập yêu thương, sự dịu dàng, nhẹ nhàng, điều mà ở cuộc đời thực ta còn vô cùng thiếu.

Những bài trong Chat với Mozart qua giọng Mỹ Linh công chúng đã quen, nhưng Tùng Dương, Duyên Huyền thì mới lạ đấy. Chưa kể I dreamed a dream, Nocturne, Dreamcatcher, Feeling food, Adagio với Nguyên Thảo, Khánh Linh, Uyên Linh, Dương Hoàng Yến.

Về câu chuyện riêng mình cũng có một chút khác biệt. Có những bài mới, có bài lặp lại nhưng phối theo tinh thần khác.

* Theo quan sát của tôi, số đông khán giả hiện nay quen nghe những gì quen thuộc, họ ngại mở lòng với cái mới. Ông nghĩ thế nào về việc này? Tại sao ông mạo hiểm làm việc đó?

- Tôi không chạy theo số đông, tôi tìm đến công chúng của mình, những người yêu âm nhạc đích thực nhưng luôn mở lòng với cái mới. Dĩ nhiên công chúng của mình còn ít, có thể không thể phủ kín nhà hát. Nhưng hi vọng qua mỗi lần mở cửa sổ âm nhạc, số công chúng của tôi sẽ đông thêm. Làm nghệ thuật là để tìm bạn, mà tìm bạn thật sự chẳng bao giờ dễ dàng cả. Muốn có thêm bạn thì phải “mạo hiểm” thôi.

* Chat với Mozart từng khiến ông khốn khổ với “nghi án” xâm phạm tác quyền của các tác giả cổ điển. Một vài đồng nghiệp cũng chỉ trích việc Việt hóa giai điệu cổ điển là “xúc phạm cổ điển”. Ông đã trải qua thời kỳ khốn khổ đó như thế nào? Đã vượt qua nó ra sao? Có trách gì những người bạn từng chỉ trích mình như thế không, sau khi Chat với Mozart giải được án oan bản quyền và được công chúng đón nhận với hơn 20.000 bản đĩa đã bán hết?

- Ở nước ta, sự hiểu biết về luật của người dân còn rất mù mờ, đó là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ “thích gây sự” để được nổi tiếng và cho những ai muốn đóng vai “bảo vệ văn hóa” để chứng tỏ mình. Còn đồng nghiệp của tôi, cũng ít thôi, các ông ấy lơ mơ lắm, chẳng rõ nếp tẻ ra sao nhưng cũng muốn “mắng yêu” tôi một tí. Cuộc sống mà. Ở nước ta nên làm quen với những chuyện như thế này để mà sống, để làm việc và để vẫn còn quý trọng và yêu thương người khác.

* Đưa Chat với Mozart lên sân khấu lần đầu tiên, ông có áp lực gì không?

- Không có áp lực gì cả. Chat với Mozart phát hành năm 2004, nay đã chín năm, có rất nhiều người nghe và rất nhiều người thuộc. Bây giờ lên sân khấu là “đúng quy trình” cho một sản phẩm âm nhạc. Lẽ ra nó cần được lên sân khấu sớm hơn một chút.

* Bên cạnh Chat với Mozart, Cửa sổ âm nhạc 2 còn tiếp tục Việt hóa các giai điệu tân cổ điển của nhóm Secret Garden và của vở nhạc kịch Những người khốn khổ. Đây là niềm yêu thích của ông? Có phải Dương Thụ không viết bài hát của riêng mình nữa nên lấy cảm hứng từ âm nhạc khác?

- Hai chuyện này không liên quan đến nhau. Đó đều là “sáng tác” cả. Tôi viết lời cho Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung từ rất lâu, nhưng tôi vẫn viết nhiều bài hát của riêng mình đấy chứ. (Tôi đã làm gần 20 album cả riêng lẫn chung với một tác giả khác). Chỉ có điều quỹ thời gian không còn nhiều mà còn quá nhiều công việc khác mình không có điều kiện làm khi còn trẻ, bây giờ nó cứ “đòi”. Thì giờ cho riêng mình để chìm đắm trong nội tâm của mình bị cái khác lấn sân, nên không đủ thời gian để “ra” nhiều sáng tác âm nhạc như ngày xưa.

* Bài hát I dreamed a dream (Tôi mơ một giấc mơ) đã quá nổi tiếng với tiếng hát Susan Boyle và năm rồi ngôi sao điện ảnh Anne Hathaway lấy nước mắt hàng triệu người khi cất tiếng hát trong bộ phim Những người khốn khổ. Mọi người chờ đợi sự xuất thần của Nguyên Thảo trong ca khúc chủ đề này. Ông đặt kỳ vọng gì ở cô ấy?

- Đó là ca sĩ chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Nguyên Thảo trong sáng, có đời sống nội tâm, có khát vọng sống, biết sống “một mình” nên có độ kìm nén và bay bổng, thích hợp cho việc hát bài này. Sống “một mình” khó lắm. Từ chối đám đông là từ chối tiền bạc và sự nổi tiếng. Nhiều người tiếc cho Nguyên Thảo nhưng tôi nghĩ khác. Nghệ thuật tử tế cần những người như cô ấy. Và sự xuất thần nếu có cũng chỉ ở những con người ấy.

* Tôi mơ một giấc mơ. Vậy giấc mơ của ông là gì?

- Người Việt đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, mất mát, hi sinh nhiều và đang phải nhận những hậu quả khủng khiếp của nó. Mơ cuộc sống thanh bình, mơ sự yêu thương, mơ cái nhẹ nhàng, dịu dàng và chút niềm tin cùng sự lãng mạn... Tôi nghĩ giấc mơ ấy không phải chỉ riêng mình.

NGUYÊN THU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên